Quản lý thực phẩm chức năng: Yếu toàn phần?

18:46 | 19/12/2012

1,285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để có thể hoạt động nhiễu nhương, rối loạn thị trường, bên cạnh những nguyên nhân ngộ nhận của người tiêu dùng, không thể không kể đến vai trò quản lý của các cơ quan hữu trách đối với việc kinh doanh thực phẩm chức năng. Bởi nếu công tác quản lý diễn ra chặt chẽ, có bài bản, quy củ cùng với sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng… thì chắc chắn dù muốn, việc loạn thị trường cũng khó xảy ra. Và có thể nói đây là nguyên nhân căn bản nhất, sâu xa nhất dẫn đến tình trạng loạn thực thực phẩm chức năng (TPCN).

>> Nhập nhèm chất lượng thực phẩm chức năng

Từ “bé cái nhầm”…

Đã có một nhà quản lý của ngành Y tế không đồng tình với ý kiến này khi cho rằng, các nguyên nhân dẫn đến loạn TPCN hiện nghiêm trọng như nhau chứ không thiên về bất kỳ một căn nguyên nào. Tuy nhiên, với vai trò dẫn dắt như một cánh cửa có quyền đóng hoặc mở để cho phép lưu hành đối với bất kỳ sản phẩm TPCN nào đồng thời còn tạo ra hành lang pháp lý và dựa trên chính cơ sở đó để điều hành, quản lý các dòng sản phẩm cũng như tất cả những đối tượng tham gia hoạt động trong lĩnh vực, không thể nói nguyên nhân xuất phát từ các cơ quan hữu trách là thứ yếu.

Xin nhắc lại, đến nay đã có mặt và phát triển ở Việt Nam 13 năm, nhưng khái niệm phân định giữa thuốc và TPCN vẫn chưa rõ ràng, đang… lộn tùng phèo đúng như ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh thừa nhận tại Hội thảo về TPCN. Mặc dù Bộ Y tế đã có định nghĩa về TPCN một cách rõ ràng. Chẳng thế mới có chuyện Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cấp giấy chứng nhận TPCN cho… thuốc điều trị phụ khoa có tên Khang Mỹ Đơn.

Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn TPCN giảm béo giả nhãn hiệu Lishou

Hay một ví dụ khác mà báo chí đã chứng minh ngay tại Hội nghị về Thực phẩm chức năng ấy là một loại dung dịch lăn trên da có thành phần thảo dược là các kháng sinh, kháng viêm từ thực vật có tác dụng chống sưng, ngứa… đối với những nốt muỗi đốt nhưng lại từng được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy phép quảng cáo. Cho nên ở đây có thể hiểu theo hai cách: hoặc là cơ quan quản lý lẫn lộn, “bé cái nhầm” trong việc cấp phép quảng cáo hoặc là làm việc cẩu thả, tùy tiện, thiếu xác định rõ ràng đối với sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa giải thích: “…Cùng một công thức, nhưng chỉ cần điều chỉnh vài ba từ là có thể chuyển một sản phẩm từ thuốc sang thành TPCN hoặc ngược lại”. Như vậy, lại càng nghiêm trọng bởi hệ lụy sẽ là gây ngộ nhận rằng, TPCN là thuốc hoặc là lẫn lộn giữa hai khái niệm này dẫn đến sử dụng sai mục đích. Mà chuyện này thực tế đã và đang xảy ra và trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng chỉ nhằm mục đích duy nhất là lợi nhuận lợi dụng dưới nhiều hình thức.

Hình thức thứ nhất dễ dàng, đơn giản nhất là quảng cáo: cứ vống lên so với thực tế, làm cho thực phẩm chức năng thành một thứ “thần dược” có thể chữa bách bệnh mà ngay các nghiên cứu khoa học chính thống còn đang “bó tay” như bệnh ung thư, HIV, bệnh Lupus ban đỏ… Rồi họ còn “mượn” cả bác sĩ tham gia quảng cáo để phát triển TPCN theo kiểu “đốt cháy giai đoạn”, kiểu “hãng dược cầm tay bác sĩ kê toa”...

Ở đây cũng cần lên án những bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tay cho công việc này. Chỉ vì lợi ích nhóm mà họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm được ví như “từ mẫu”, bán rẻ danh dự, uy tín của người làm công việc cao cả, đầy nhân văn để làm “tay sai” cho những doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng thiếu chữ… tâm. 

Hình thức thứ hai đồng thời cũng là hệ quả của hình thức thứ nhất: sản phẩm “chữa bách bệnh” thì đương nhiên đi đôi với giá thành cao. Hiện nay, TPCN đang được bán với giá… trên trời so với giá gốc. Giá bán nhiều TPCN trên thị trường đội lên gấp 4–10 lần. Cụ thể như siro HP, một loại TPCN sản xuất trong nước bổ sung vitamin B1, vitamin D… được bán trên thị trường với giá 95 nghìn đồng/chai. Nhưng sau khi Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc đã phát hiện thực tế giá thành sản xuất chỉ hết… 10 nghìn đồng/chai. Như vậy, doanh nghiệp đã bán lãi gấp lên 9 lần. Đối với TPCN nhập khẩu hay hàng “xách tay” thì còn được bán với giá “giời ơi” nữa do tâm lý “sính ngoại” của nhiều người sử dụng. Như ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết: “Tôi biết một sản phẩm TPCN bán tại Budapest, Hungary với giá chỉ có 15USD. Nhưng khi về đến Việt Nam đã được bán với giá 2 triệu đồng”. 

… Đến 13 năm không có nổi phòng thử nghiệm lâm sàng

Một yếu kém nữa trong công tác quản lý TPCN không thể không nói đến ấy là kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi cho phép lưu hành. 13 năm nay, kể từ khi TPCN vào Việt Nam, ngành Y tế không có nổi một phòng thí nghiệm lâm sàng cho nên chỉ thử nghiệm mà không thí nghiệm lâm sàng đối với TPCN được phép lưu hành trên thị trường. Với cách quản lý này, cho thấy chính ngành Y tế chưa đề cao tuyệt đối sức khỏe con người như đúng chức năng, đồng thời thể hiện công tác quản lý lỏng lẻo, tùy tiện. Như vậy, không dẫn đến loạn TPCN mới… lạ!

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sẽ cố gắng có nghiên cứu lâm sàng đối với thực phẩm chức năng trong năm nay để “Làm sao việc quản lý đi đúng hướng, phục vụ lợi ích người dân, đưa mục tiêu sức khỏe của người dân lên cao nhất”.

Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới dây chuyền sản xuất thuốc và thực phẩm hoàn toàn riêng biệt, không được lấy dây chuyền này sản xuất sản phẩm kia và ngược lại. Và ở Việt Nam cũng đã có quy định này. Thế nhưng ngành Y tế vẫn đang chấp nhận việc này như một sự đương nhiên: “Có còn hơn không”, “dùng tạm”…

Hội thảo về tình trạng “Loạn thực phẩm chức năng” do Bộ Y tế tổ chức đã thừa nhận, hiện trong nước vẫn chưa có sản phẩm TPCN được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, mặc dù những dây chuyền đó có thể đạt thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP). Hiện tất cả sản phẩm TPCN đều đang sản xuất trên dây chuyền sản xuất… thuốc.

Nói chung ở khâu nào trong công tác quản lý cũng còn nhiều bấp cập khó khăn, ngay như Luật An toàn Vệ sinh thực phẩm, một trong những cơ sở nền tảng nhất để quản lý thực phẩm chức năng một cách hiệu quả như ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Việc quản lý kinh doanh này vẫn còn đang bỏ ngỏ. Luật quy định chung chung, không cụ thể…”.

Rồi chuyện phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng không đồng bộ, thống nhất. Như quản lý quảng cáo TPCN thông qua Luật Quảng cáo là một ví dụ. Luật này được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 và Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Tuy nhiên, dự thảo này theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho biết lại không được tham khảo từ cơ quan trực tiếp quản lý quảng cáo TPCN là Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm. Cho nên dự thảo nghị định ATVSTP thả lỏng gần như hoàn toàn những hàng hóa và dịch vụ đặc biệt. Mà như vậy, thì đối với sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người như TPCN là rất nguy hiểm. Đã thế, dự thảo nghị định lại quy định: nội dung quảng cáo chỉ cần thông báo đến cơ quan quản lý chuyên ngành mà không được cơ quan này xét duyệt. Ngoài ra, dự thảo nghị định còn đề ra quy trình quản lý liên quan đến một số thủ tục, giấy tờ mà đến nay ngành Y tế đã… không dùng nữa.

Có thể nói, hoạt động kinh doanh TPCN đang là một bức tranh màu xám và sẽ tiếp tục xám hơn khi tất cả những bất cập, khó khăn trên đây vẫn tồn tại. Nhưng câu hỏi đặt ra là: “Bao giờ sẽ hết những khó khăn, bất cập đó” thì câu trả lời thật khó, không nhà chức trách nào dám đưa ra một cách cụ thể. Bởi vậy, người sử dụng sẽ còn phải tiếp tục chấp nhận… loạn TPCN.

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc