Quy định cấm dùng điện thoại ở cây xăng: Người dân nghi ngờ tính khả thi

11:19 | 09/08/2012

1,456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo nghị định 52 của Chính phủ vừa được ban hành, bắt đầu từ ngày 5/8/2012, nghe điện thoại ở cây xăng có thể phạt tiền đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên theo nhiều người dân và các chủ cây xăng thì hành vi này phạt rất khó, chỉ trông chờ vào ý thức tự giác chấp hành của người dân.

Sau những ngày đầu thực hiện việc xử phạt vi pham, một số người dân vẫn thờ ơ, vô tư sử dụng và biện pháp nhắc nhở vẫn là chủ yếu.

Những người có hành vi sử dụng điện thoại di động tại các trạm xăng dầu không chỉ bị cấm mà còn bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng, gấp 10 lần quy định trước đây. Trong đó hành vi nghe điện thoại di động tại các cây xăng sẽ chịu mức phạt cao nhất trong khung xử phạt này. Tuy nhiên, tại hầu hết các cây xăng ở Hà Nội mà PV Petrotimes ghi nhận trong những ngày đầu Nghị định 52/CP được áp dụng, việc dùng điện thoại di động vẫn còn phổ biến, ý thức chấp hành của người dân chưa cao, không thấy lực lượng chức năng nào có mặt để xử lý.

Tại cây xăng của Petrolimex Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Huy - nhân viên bán xăng, cho biết: “Hôm nay là ngày thứ 5 của lệnh cấm, từ sáng đến giờ, vẫn có một số khách hàng vào mua xăng vẫn sử dụng điện thoại di động”.

Quản lý cây xăng phải tịch thu hết điện thoại của nhân viên cất vào một chỗ.

Chị Lê Thị Thảo – cán bộ Phòng kinh doanh xăng dầu Sông Hồng tại số 68 Lê Văn Lương cho biết: “Việc nghe điện thoại đã trở thành thói quen của mọi người. Trước khi có nghị định tại cửa hàng xăng chúng tôi đã căng biển hiệu cấm sử dụng điện thoại tại các cột xăng. Đối với nhân viên cây xăng, tất cả nhân viên khi làm nhiệm vụ bán hàng đều phải nộp lại điện thoại để trong phòng thường trực, nếu gia đình ai có việc gì thì liên hệ, gọi điện vào số máy bàn của công ty.

Với một ca bán hàng của công ty bao gồm 11 nhân viên, để thực hiện Nghị định 52/2012, công ty đã cử nhân viên và bảo vệ ra nhắc nhở không nên sử dụng điện thoại tại cây xăng. Do cũng chưa có văn bản từ chính quyền nên chúng tôi khi phát hiện người nghe điện thoại tại cây xăng chỉ nhắc nhở, chứ không biết ai là người có nhiệm vụ xử phạt vi phạm này”.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu thực hiện nghị định đã giảm hiện tượng khách hàng dùng điện thoại khi mua xăng. Đây là dấu hiệu tích cực.

Bạn Phạm Thị Huyền.

Bạn Phạm Thị Huyền (Vũ Thư, Thái Bình): "Theo tôi, để quy định xử phạt về hành vi sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng đi vào cuộc sống cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng đóng vai trò quan trọng để người dân hiểu và thực hiện theo đúng quy định. Mặc dù hiện nay, Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực, nhưng không phải ai cũng biết tới quy định này."

Anh Nguyễn Mạnh Hà.

Anh Nguyễn Mạnh Hà (Đống Đa, Hà Nội): “Tôi nghĩ, việc đầu tiên cần phải phổ biến kỹ càng hơn. Có nghĩa là mọi người đều cần được biết việc nghe điện thoại tại cây xăng là vi phạm theo điều nào, luật nào, ai là người có quyền phạt, tổ chức bắt vi phạm như thế nào…. Và quy định này có vẻ như là bất hợp lý, vì từ trước tới giờ không ít người vẫn nghe gọi điện thoại tại cây xăng mà có làm sao đâu."

Chị Mai, Văn Quán, Hà Đông - Hà Nội tỏ ra khá hồ hởi cho biết: "Trước kia nhiều lần gặp mọi người nghe điện thoại ở cây xăng không gây cháy nổ nhưng quả thật mỗi lần vào đổ xăng nhìn thấy ai nghe điện thoại lại nơm nớp lo sợ, nhất là khi có con đi cùng. Nhưng nay thì đã yên tâm hơn. Từ ngày có nghị định đến giờ, tôi đã vào đổ xăng ở hai cây xăng khác nhau nhưng không thấy ai nghe điện thoại. Tôi rất ủng hộ quy định này của Nhà nước”.

Đồng quan điểm với chị Mai, anh Ngô Chí Thanh, khách mua xăng tại cây xăng Đại An, Hà Đông cho rằng, đây là quy định cần thiết, đảm bảo an toàn cho mọi người đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người. Tuy nhiên, anh Việt tỏ ra băn khoăn bởi hiện nay, có quá nhiều quy định, hình phạt nhưng nhiều quy định chỉ có hiệu lực... trên giấy.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc