Quyết liệt kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội

09:51 | 05/05/2011

2,532 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các giải pháp và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội". Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 cao nhất kể từ năm 1990

Quản lý ngoại tệ dần đi vào nền nếp

Ngày 29-4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo, thông báo nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4; chính sách quản lý, điều hành của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông báo nhanh một số chỉ số kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: trong 4 tháng đầu năm, các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và đã đạt được những kết quả bước đầu trong quản lý tiền tệ, tín dụng, lãi suất, quản lý ngoại tệ và vàng, các cân đối ngoại tệ đang từng bước được cải thiện.

Việc quản lý vàng và ngoại tệ đang dần đi vào nền nếp; giá vàng và tỉ giá ngoại tệ đều giảm so với trước. Thực hiện tốt việc cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển, bội chi ngân sách giảm so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp tăng 14%, xuất khẩu tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái… Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 221 nghìn tỉ đồng, bằng 37,1% dự toán năm, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước khoảng 238,9 nghìn tỉ đồng, bằng 32,9% dự toán năm. Nhìn chung, hầu hết các khoản thu lớn đều đạt khá, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao và tiến độ thực hiện; đảm bảo thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ đến hạn và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ mới phát sinh.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2011 tăng 3,32% so với tháng trước. Tháng 4 cũng là tháng có mức tăng chỉ số tiêu dùng cao nhất kể từ năm 1990. Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, ngoài việc giá cả thế giới gia tăng, còn do các yếu tố chi phí đẩy trong nước như sự tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, điện, than, tỉ giá VND/USD…). “Việc tăng giá khá mạnh của 3 nhóm hàng, gồm nhóm hàng giao thông (6,04%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (4,5%) và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (4,35%) cũng là nhân tố gây nên sự tăng giá đồng loạt của nhiều mặt hàng khác trên thị trường”, ông Ninh phân tích.

Nhập siêu hiện trong tầm kiểm soát nhưng xu hướng vẫn còn nhập nhiều mặt hàng xa xỉ, đời sống của người lao động, nhất là người có thu nhập thấp còn nhiều khó khăn.

Quyết liệt kiềm chế lạm phát

Trước chiều hướng lạm phát của thế giới tăng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các giải pháp và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, cắt giảm nhập khẩu hàng xa xỉ phẩm, nhất là ôtô nguyên chiếc.

Các bộ, ngành cần bám sát và dự báo tình hình kinh tế – xã hội trong nước, thế giới, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả Nghị quyết 11/ NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu trong năm 2011, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 6%. Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, việc điều hành giá cả xăng dầu theo hướng giá thị trường là cần thiết nhưng phải đảm bảo minh bạch, công khai và được kiểm soát chặt chẽ, nhất là ở các thành phố lớn, tránh triệt để và xử lý nghiêm hành vi đầu cơ.

Các bộ, ngành, địa phương kiên quyết cắt giảm các dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả bằng vốn ngân sách Nhà nước, dồn vốn đầu tư vào các công trình cấp bách, quan trọng, hoàn thành trong năm 2011. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách, người làm công ăn lương. Ngân hàng cần thực hiện các giải pháp để tiếp tục duy trì ổn định lãi suất huy động, đồng thời tiết kiệm chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo lãi suất cho vay ở mức hợp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngân hàng nào không thực hiện, kiên quyết đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh.

Bàn về chính sách an sinh xã hội, Chính phủ sẽ tăng cường các giải pháp thực hiện các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ các đối tượng khó khăn chịu nhiều ảnh hưởng của lạm phát. Theo Quyết định 471/QĐ-TTg ngày 30-3-2011, Chính phủ đã quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và các hộ nghèo. Thời gian tới, Chính phủ quyết định bổ sung thêm các ưu đãi đối với học sinh sinh viên, công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, ngư dân đánh bắt xa bờ.

Văn Dũng