Rau xanh của Việt Nam bị châu Âu “tuýt còi”

07:00 | 22/10/2014

2,082 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề bức xúc trong nước thì cũng vấn đề này với mặt hàng rau xanh “Made in Vienam” chính hiệu xuất sang châu Âu đang có nguy cơ gặp khó khăn khi Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương thông báo: Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu (DG SANCO) cảnh báo rau quả và bao bì bằng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU không bảo đảm chất lượng.

Năng lượng Mới số 367

Trong rau xanh… có côn trùng

Theo cảnh báo này thì 2 tháng qua, DG SANCO đã nhận được 3 lần thông báo liên tiếp của các quốc gia thành viên châu Âu về việc 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng trên cây húng quế (ocimum santum) và mướp đắng (momordica charantia). Trước đó, hồi đầu năm nay, DG SANCO cũng nhận được thông báo từ một nước thành viên về việc phát hiện bao bì bằng gỗ dùng để đóng hàng của Việt Nam xuất sang EU nhiễm khuẩn gây hại. Trong khi theo Công ước Quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC), bao bì hàng xuất khẩu bằng gỗ cần được sấy ở nhiệt độ cao để diệt vi khuẩn gây hại và phải được đóng tem kiểm định an toàn của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Nhưng qua theo dõi thì DG SANCO thấy bao bì bằng gỗ của Việt Nam chưa được đóng tem kiểm định theo quy ước này.

Rau xanh của Việt Nam bị Châu Âu “tuýt còi”

Thanh Long Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu

Đây không phải là lần đầu tiên, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam được cảnh báo mà từ đầu năm 2012, EU cũng đã phát hiện 3 lô hàng thuộc nhóm 5 loại rau có nguy cơ cao từ Việt Nam gồm: húng quế, ớt, cần tây, mướp đắng, mùi tàu không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Cụ thể, theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương kể lại: Khi mở hộp rau quả của Việt Nam thì có cả côn trùng bay ra. Nguyên nhân của sự việc trên có thể là do công nghệ trồng trọt, sản xuất… chưa được đầu tư đúng mức hoặc trong quá trình vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu, thời gian lâu ngày đã khiến cho trứng, vi trùng trong nhánh rau phát triển”.

Để giải quyết vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam tạm ngưng làm thủ tục kiểm dịch xuất khẩu 5 loại rau kể trên sang thị trường châu Âu từ 15/5/2012 đến 1/2/2013. Thế nhưng đến trung tuần tháng 6/2013, vượt qua mọi khâu kiểm tra chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch hại không những của các cơ quan quản lý trong nước mà cả của các nước nhập khẩu ở châu  Âu, Công ty Thịnh Cát đã lấy lại vị thế này và có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của những doanh nghiệp như Thịnh Cát. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì có vẻ như chuyện cũ lặp lại và nguyên nhân được cho chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” chứ không phải tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu 5 loại rau trên đều như vậy.

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương tư vấn: Để bảo đảm chất lượng rau xanh cũng như tránh trường hợp trứng, vi trùng nằm trong nhánh rau phát triển trong quá trình vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu, doanh nghiệp xuất khẩu có thể tham khảo kinh nghiệm khử trùng bằng tia cực tím như đã thực hiện với thanh long xuất khẩu hoặc nhúng qua thuốc tím trước khi xuất khẩu…

Ông Đặng Văn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II cho báo giới biết: “Đây là hậu quả của việc một vài doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng đã ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam”. Và để bảo vệ thương hiệu rau quả của Việt Nam vốn được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tránh trường hợp bị cấm xuất khẩu sang thị trường EU, mất thị trường… một lần nữa Cục Bảo vệ thực vật lại phải tạm ngừng làm thủ tục xuất khẩu đối các loại rau mùi tàu, húng quế, mướp đắng… đến hết tháng 1/2015. Song quyết định này đang vấp phải phản ứng từ những doanh nghiệp mà chất lượng rau xuất khẩu của họ bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Một doanh nghiệp đã chia sẻ: “Dù chưa bao giờ sản phẩm của chúng tôi bị phát hiện có vi phạm nhưng mỗi khi có khuyến cáo, chúng tôi đều bị buộc phải tạm ngừng xuất khẩu vào EU. Lần này cũng vậy, chúng tôi phải ngừng xuất khẩu - ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và quan trọng nhất là số lượng rau xanh mà chúng tôi đã chuẩn bị xuất khẩu theo đơn hàng sẽ giải quyết như thế nào?”. Một doanh nghiệp khác thì cho rằng: “Đáng ra, cơ quan chức năng chỉ nên ngưng xuất khẩu của những đơn vị nào vi phạm để không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc khác. Còn những doanh nghiệp nào chất lượng rau xanh của họ vẫn bảo đảm thì tiếp tục cho xuất khẩu. Chưa kể đến nếu xử lý nghiêm sẽ giảm khả năng tái phạm của các doanh nghiệp ấy”.

Vẫn còn sơ hở

Được biết, những doanh nghiệp xuất khẩu rau xanh sang thị trường châu Âu phải đầu tư hàng tỉ đồng vào quy trình trồng rau công nghệ cao như nhà lưới, hệ thống phun tưới, canh tác theo tiêu chuẩn cao của Cục Bảo vệ thực vật… nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng châu Âu về an toàn vệ sinh thực phẩm nên việc phản ứng của họ như vậy là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây cần bàn đến là công tác kiểm soát chất lượng của cơ quan quản lý là Cục Bảo vệ thực vật.

Thực ra, công tác kiểm soát chất lượng này đã được thực hiện một cách nghiêm ngặt không chỉ ở khâu cuối cùng là xuất khẩu mà từ những khâu đầu tiên như quy trình trồng trọt, canh tác đến xử lý… Nhưng vẫn có những trường hợp “qua mắt” nhà quản lý và phải sang tận “trời Âu” mới bị phát hiện và không phải phát hiện một lần mà đã nhiều lần. Như vậy nghĩa là trong quá trình kiểm soát của cơ quan chức năng vẫn còn những sơ hở. Trong khi việc xuất khẩu 5 loại rau xanh này không chỉ là chuyện kinh tế mà còn là uy tín, hình ảnh nông sản nói chung của Việt Nam trước châu Âu nói riêng, thế giới nói chung. Đúng như ông Hoàng đã khẳng định: “…Sự việc này ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam và dẫn đến nguy cơ rau quả của Việt Nam sẽ bị nằm trong “danh sách đen” của DG SANCO”.

Vậy nên, một mặt xử lý nghiêm những doanh nghiệp làm “xấu mặt” ngành nông sản nước nhà, một mặt cơ quan quản lý phải rà soát và kiểm tra lại công tác kiểm soát chất lượng trước khi xuất sang châu Âu cũng như tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau xanh về phương thức bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Có như vậy thì mới giữ vững được thị trường xuất khẩu, góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, nhân loại. 

Quy định của châu Âu: Trong thời gian 1 năm, bắt đầu tính từ 1/2/2014 đến 31/1/2015, nếu phát hiện 5 lô rau quả của Việt Nam vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch hại sẽ ngưng không nhập hàng từ Việt Nam. Như vậy với 3 lô hàng bị phát hiện vi phạm trên đây, trong 4 tháng tới chỉ cần phát hiện thêm 2 lô hàng rau quả nữa là Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu rau quả sang châu Âu. Trong khi vào thị trường này, thời gian vừa qua, rau quả Việt Nam đã tăng từ 30.000 kg/tuần lên đến 50.000 kg/tuần.

Liên quan đến xuất khẩu, một lô áo thun nữ hiệu Adidas do Việt Nam sản xuất bị Tổng cục Quản lý chất lượng Trung Quốc thu hồi và tiêu hủy do độ pH cao, dễ gây kích ứng da, viêm, ngứa da khi gặp mồ hôi hoặc nước mưa. Được biết đây là sản phẩm Công ty TNHH Thể thao Adidas Trung Quốc nhập khẩu và phân phối. 

Nguyễn Hưng

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.