Sáng kiến mới chống ngập ở TP HCM

09:00 | 23/10/2012

1,197 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Kết nối đồng bộ giữa cống và kênh là giải pháp chống ngập của Trung tâm điều hành chống ngập nước (ĐHCNN) TP HCM vừa đưa ra.

Tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường ở TP HCM thời gian qua theo ghi nhận của phóng viên Petrotimes là rất nghiêm trọng, ngập úng kéo dài đã gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân ở vùng trũng và ở các dự án chống ngập chưa được hoàn thành.

Trung tâm ĐHCNN TPHCM cho biết, công tác chống ngập ở TP HCM cần có giải pháp thích hợp, lâu dài... đồng thời phải hoàn thành các dự án chống ngập chưa được nâng cấp do TP HCM phê duyệt vào năm 2001.

Ngập nặng gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.

 

Dự án chống ngập được TP HCM phê duyệt vào năm 2001 là nâng cấp hệ thống cống có chiều dài 6.500 km. Trong quá trình thực hiện dự án này, TP HCM đã nâng cấp tuyến cống và cải tạo được 2.100 km.

Hiện nay, qua cải tạo, các điểm ngập “kinh niên” trước đây đã giảm như khu Tân Định (quận 1); các tuyến đường 3-2 (quận 10); Minh Phụng, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu (quận 6); Lũy Bán Bích (quận Tân Phú); Ông Ích Khiêm (quận 11)...

Tuy nhiên, ở một số điểm do vướng các dự án khác nên chưa kết nối đồng bộ giữa cống và kênh trong việc tiêu thoát nước. Cụ thể, tuyến cống đường Ngô Quyền từ đường 3-2 ra đại lộ Đông Tây, dài 2 km đã thi công hơn 2 năm nhưng vẫn còn ngập do chưa thông cửa xả; còn đang trong quá trình làm vệ sinh lòng cống để bàn giao, vận hành.

Ở khu vực Tân Hóa – Lò Gốm, tuyến cống chính đã nối thông nhưng phần kênh chưa xử lý xong nên các tuyến đường như Hòa Bình, Đồng Đen... vẫn thường xuyên ngập  do mưa. Khu vực đường Nguyễn Xí – Nơ Trang Long thường xuyên ngập do chưa hoàn thành công trình thoát nước.

 

Mỗi nhà tự trang bị máy bơm nước để đối phó triều cường.

 

Do tình hình triều cường phức tạp nên TP HCM đã làm 9 cống kiểm soát để bơm nước ra khi tiều cường dâng cao. Trong đó, nổi bật là cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè là cống có công suất bơm lớn với công suất 48m3/giây.

Vừa qua, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (KTTV-NB), đỉnh triều cao nhất ở trạm Phú An trên sông Sài Gòn là vượt mức 1,6m, được xem là đỉnh triều lịch sử vượt tầm dự báo. Với mức này triều cường đã gây ngập nặng do nước tràn bờ ở đường Ngô Tất Tố (Bình Thạnh)...

Theo KTTV-NB dự báo, trong thời gian tới mức triều có khả năng sẽ cao hơn. Nên giải pháp trước mắt do Trung tâm ĐHCNN là tăng thêm các hồ điều tiết và mở rộng các rạch lớn trên địa bàn TP HCM.

Trung tâm ĐHCNN cho biết, muốn chống ngập toàn diện thì phải hoàn tất các dự án còn lại, kết nối đồng bộ giữa cống và kênh.

Qua đó, TP HCM phải cải tạo hơn 4.000 km cống, thông với mạng lưới kênh thì những con đường như Lương Định Của (quận 2), Lê Đức Thọ (Gò Vấp), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)... mới hy vọng thoát cảnh nước dâng do triều cường và mưa lớn.

 

Triều cường trong thời gian tới có khả năng sẽ cao hơn.

 

Theo Trung tâm ĐHCNN, trên địa bàn TP HCM còn 31 điểm ngập, từ nay đến cuối năm sẽ xử lý hoàn tất 10 điểm ngập. Đến năm 2015 sẽ hoàn thành 21 điểm ngập còn lại.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng sẽ tập trung vô tình hình mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu để đề ra những biện pháp thích hợp và lâu dài trong các chương trình chống ngập của TP HCM.

Nguyễn Hiển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc