Siêu bão Sơn Tinh diễn biến phức tạp

19:58 | 28/10/2012

731 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dự báo trong chiều tối 28/10, bão sẽ quét vào 2 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc của Thanh Hóa, sau đó tiếp tục di chuyển lên phía bắc, đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh - Thái Bình với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến 17 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng-Ninh Bình khoảng 100km về phía Nam Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão số 8, ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã có gió mạnh 20m/giây (cấp 8), giật 26m/giây (cấp 10); Cô Tô có gió mạnh 12m/giây (cấp 6), giật 15m/giây (cấp 7); ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 20m/giây (cấp 8), giật 30m/giây (cấp 11); ở Cửa Ông có gió giật 19m/giây (cấp 7); Thái Bình 16m/giây (cấp 7), giật 23m/giây (cấp 9); Văn Lý (Nam Định) 17m/giây (cấp 7), giật 30m/giây (cấp 11).

Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50-100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 173mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 139mm; Tà Rụt (Quảng Trị) 146mm…
 


Gió bão giật mạnh gây tốc mái nhà ở Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)


Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, áp sát bờ biển Đồng Bằng Bắc Bộ.

Đến 4 giờ ngày 29/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/giờ), giật cấp 7.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.

Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió giật cấp 6, cấp 7.

Khu vực các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình nước biển dâng cao từ 3-3.5m.

Tại Cát Bà (Hải Phòng)

Lúc 18h hôm nay (28/10), bão số 8 đã quét qua đảo Cát Bà, Hải Phòng với sức gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 10, cấp 11, sóng biển đạt cao từ 5 đến 7 mét gây mất điện toàn bộ.

Bão đã phá hủy nhiều lồng bè nuôi thủy sản của người dân, gây tốc mái nhiều nhà dân và nhiều cây xanh bị ngã đổ. Trước đó, chính quyền huyện đảo Cát Hải đã huy động các lực lượng di dời chủ yếu 520 hộ dân về nơi trú ẩn an toàn. Lực lược chức năng Hải Phòng đã kêu gọi hơn 4.000 tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản với 14.000 người đã được neo đậu chống bão, toàn bộ số người trên các phương tiện đã được di chuyển lên bờ.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo di dân tại các vùng thấp trũng thuộc huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn theo kế hoạch là 6.200 hộ với 16.000 người.  

Cô Tô (Quảng Ninh) 

Tính đến 18h hôm nay, tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, gió đã mạnh dần lên đến cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Sóng lớn và mưa đang ngày càng to. Công tác phòng chống bão của chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô đã được tích cực triển khai. Hơn 600 tàu bè của ngư dân đã được gọi về và hiện đã vào nơi trú ẩn.

Từ 27/10, tỉnh Quảng Ninh đã  cấm tàu đi lại từ đất liền ra Cô Tô và ngược lại. Do đúng vào dịp cuối tuần nên khoảng trên 50 khách du lịch đang kẹt lại trên đảo. Ngay cả sự kiện quan trọng nhất là lễ khởi công dự án điện lưới quốc gia tại huyện đảo Cô Tô, đã chuẩn bị sẵn sàng để diễn ra vào sáng nay, nhưng cũng đã được hoãn lại để tập trung cho công tác phòng chống bão và đảm bảo an toàn.

Các giải pháp ứng cứu kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng đã sẵn sàng nếu bão tiếp tục mạnh lên trong đêm nay. Tỉnh Quảng Ninh liên tục gửi công điện xác định bão số 8 sẽ đổ bộ vào tỉnh và yêu cầu các địa phương, các ngành và đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp chống bão.

Nhiều cây cối ở TP Thanh Hóa bị gãy đổ (Ảnh: Dân trí)

Tại Thanh Hóa, khác với cơn bão số 5, con bão số 8 mưa diễn ra chủ yếu ở các huyện ven biển, còn tại các huyện miền núi vẫn chưa có mưa lớn. Đến thời điểm 18 giờ ngày 28/10, mới chỉ có một số cây cối và biển quảng cáo, bạt che chắn nhà dân ở một số địa phương bị gió làm gãy đổ, hư hỏng.

Tại trường Tiểu học Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa bị sập 50 m tường rào, rất may hôm nay đúng ngày nghỉ nên không có học sinh đi học. Cũng theo tìn từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, do ảnh hưởng bão nên ngày mai 29/10, hàng nghìn học sinh các huyện ven biển của Thanh Hóa phải nghỉ học vì mưa bão.

Toàn huyện Nga Sơn đã bị mất điện từ 9 giờ sáng ngày 28/10, bên cạnh đó, nhiều diện tích nuôi ngao của địa phương này cũng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão.

Tại Quảng Bình, chiều 28/10, Thượng tá Đinh Tiến Khâm, Đồn trường Đồn Biên phòng Ròon (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) cho biết, đường đê nối liền đảo Hòn Cỏ với Hòn La đã bị sóng xé toang. Khoảng 8h30 sáng nay, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8, đường đê nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La (Khu Kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bị sóng biển xé toang nhiều đoạn.

L.T (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc