Sinh viên thất nghiệp - vết dầu loang

09:06 | 17/10/2012

2,380 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiện nay, sinh viên thất nghiệp đang là mối lo của xã hội. Số lượng sinh viên thất nghiệp ngày một nhiều; số sinh viên có việc làm nhưng trái với ngành được đào tạo đang có xu hướng tăng trưởng. Đặc biệt, số sinh viên đã tốt nghiệp chọn cách đi học tiếp để “trốn việc” đang được coi là xu thế của nhiều “sinh viên đại gia”.

Muôn kiểu thất nghiệp

Câu chuyện của sinh viên Nguyễn Cẩm Tú (Trường đại học Luật Hà Nội) cho thấy tìm một công việc đúng ngành đào tạo rất hạn hẹp. Cẩm Tú học luật kinh tế nhưng phải đi học thêm 2 năm nữa mới trở thành luật sư. Cô gái không thể tiếp tục đăng ký học tiếp do hoàn cảnh không cho phép. Thế là Cẩm Tú phải đi làm chạy bàn cho một quán ăn Hàn Quốc với đồng lương 2 triệu/tháng. Vô hình chung Cẩm Tú gia nhập vào đội quân làm trái ngành nhưng nếu đi học để thành luật sư, Cẩm Tú phải bỏ ra khoảng 50 triệu đồng cho 2 năm học tới. Còn về quê xin một suất làm ở Sở Tư pháp thì cũng phải “chạy” trên 100 triệu và… đợi quyết may ra thì được.

Tân cử nhân báo chí ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học

Người viết từng chứng kiến một sinh viên học ngành quản lý nhân sự đi học thêm ngành đồ họa. Đó là trường hợp của tân cử nhân Nguyễn Minh Thu, sinh viên Học viện Hành chính. Minh Thu là con nhà khá giả, bố mẹ có nhiều cửa hàng bán quần áo ở chợ Đồng Xuân nên mọi chi phí thời sinh viên, em được lo “trọn gói”. 4 năm học là thời gian em vui chơi với bạn bè, không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền trong tương lai. Nếu thích đi làm, Minh Thu có thể được bố mẹ nhượng lại vài cửa hàng để lấy vốn làm ăn. Nếu thích học, bố mẹ sẽ cho Thu du học đến lúc nào không muốn học nữa thì… lấy chồng. Có thể thấy, học cao lên là nhu cầu của nhiều bạn trẻ nhưng với tâm lý “đi học để khỏi phải đi làm” nhằm nối dài những ngày nhàn thân là một xu hướng đáng phê phán. Một bộ phận lớn sinh viên phải đi làm trái nghề do không có tiền xin việc, không phải do năng lực kém mà do cơ chế nhưng một bộ phận không nhỏ các tân cử nhân có lợi thế nhiều mặt nhưng đã chọn cho mình con đường đi quá dễ dãi và thụ động.

Mới đây, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu rằng, 50% giáo viên ân hận là đã chọn nghề này và nếu có điều kiện lựa chọn nghề khác thì họ không bao giờ quay lại. Thực tế cho thấy, nghề giáo vẫn được xã hội trọng vọng bởi đây là nghề dạy cho con người không chỉ kiến thức, mà còn cả nhân cách. Tuy nhiên, khâu xin việc đang được biến tướng theo câu nói: tiên là tiền, hậu là thân - tức phải có tiền và có mối quan hệ mới xin được một chân biên chế.

Em Trần Quang Phúc, cựu sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hưng Yên đã ra trường được 2 năm nhưng chưa xin được việc. Phúc đã nộp hồ sơ nhiều nơi ở Hưng Yên nhưng đều bị từ chối với lý do hết biên chế. Thế là ước mơ đứng trên bục giảng của sinh viên khoa Văn - Sử Trần Quang Phúc chưa thể thực hiện được. Phúc cho biết: “Muốn có việc, gia đình em phải bỏ ra khoảng 70 triệu và còn chưa biết có được nhận hay không. Với gia cảnh nhà nông, nhà em không thể lo được số tiền đó. Em đã lên Hà Nội tìm việc làm nhưng ở đâu cũng yêu cầu bằng đại học nên hiện tại em vẫn chưa đi làm”.

Không thể đòi hỏi một nền giáo dục mà năm nào cũng có 100% sinh viên ra trường đều có việc làm. Điều cơ bản là chất lượng sinh viên phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn để dù có đi làm ngay hay ngắt quãng vài ba năm thì người lao động vẫn đáp ứng nhu cầu.

Giải quyết tận gốc?

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2010, số sinh viên đại học, cao đẳng đạt 227/10.000 dân; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 40%. Năm học 2009-2010 cả nước có tới 149 trường đại học và 227 trường đào tạo trình độ cao học với 1,93 triệu sinh viên. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa nghiên cứu và công bố một thực trạng: 26,2 % cử nhân ra trường không có việc làm; 70,8 % cử nhân có việc làm nhưng phần lớn là làm trái ngành nghề; chỉ 19% làm đúng ngành nghề được đào tạo.Có thể nghiên cứu này chỉ có phạm vi nhỏ nhưng một thực tế khó phủ nhận là tỷ lệ sinh viên thất nghiệp đang ngày càng tăng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Minh Hạc đưa ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên thất nghiệp tăng: Một là số lượng sinh viên đầu ra tăng; hai là thực tế thị trường lao động đang ảm đạm, nhu cầu thấp; ba là bản thân sinh viên cũng yếu về chuyên môn, thiếu kỹ năng cơ bản để làm việc tốt. Hai nguyên nhân đầu tiên đang diễn ra với gam màu ảm đạm trong vài năm gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, đã có khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam phá sản hoặc có nguy cơ phá sản trong nửa đầu năm 2012. Hệ lụy là hàng nghìn người lao động mất việc. Trong khi số tân sinh viên ra trường chưa được giải quyết việc làm, xã hội còn phải gánh thêm một lượng không nhỏ lực lượng lao động thất nghiệp.

Bên cạnh nguyên nhân là hệ thống giáo dục lạc hậu, đào tạo sinh viên không theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thì bản thân sinh viên hiện nay đang có những sự trì trệ. Thiếu kỹ năng mềm: thuyết trình, thuyết phục người đối diện, vi tính, ngoại ngữ… là những cái thiếu nhất của sinh viên Việt Nam hiện nay. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Bkav, hiện nay gần như không có trường nào đạo tạo học sinh kỹ năng làm việc, kỹ năng ứng xử trong công việc, kỹ năng thích nghi với môi trường làm việc cho sinh viên. Và Bkav phải đào tạo lại chừng 2 năm với kinh phí 200 triệu/sinh viên mới có thể làm được việc. Có thể thấy, yếu kỹ năng mềm vừa làm thiệt hại cơ hội nghề nghiệp cho các tân cử nhân vừa khiến doanh nghiệp phải đau đầu đào tạo lại. Đây là một trong những vấn đề cần có tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và trường đại học để có hướng giải quyết tình trạng này.

Nhìn sang nước bạn Hàn Quốc, chính phủ nước này đang khuyến khích học sinh không nên thi vào đại học, cao đẳng mà đi học nghề để xã hội bớt đi những cử nhân thất nghiệp. Nhưng với tình hình chuộng bằng cấp, học hàm, học vị như ở Việt Nam, có thể chính sách của Hàn Quốc chỉ để tham khảo. Nhưng một xã hội ổn định thì cần những con người đam mê làm việc chứ không phải kiếm cái bằng để được nhàn thân.

Đức Chính