Chữa bệnh không dùng thuốc

07:00 | 25/06/2014

1,357 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chữa bệnh không dùng thuốc đang là xu hướng mà nhiều người hướng tới hiện nay. Bởi dùng thuốc cũng có nghĩa là đưa một số hóa chất vào cơ thể, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của người sử dụng. Vậy quan niệm này đúng hay sai và với những trường hợp bệnh như thế nào thì không nên dùng thuốc?

Năng lượng Mới số 333

Cơm thì rau - đau thì thuốc

Mới hơn 40 tuổi mà anh Vũ Mạnh Tuấn đã lâm bệnh trọng: ung thư hạch. Mới đầu, anh thấy có một vài hạch nổi lên ở khu vực bụng. Sau đó chỉ trong thời gian ngắn thì gần như anh sờ đâu thấy đấy, nổi lên thành chuỗi, thậm chí khi cởi trần, người ta có thể nhìn rõ u nổi ở bụng của anh. Nhiều hạch nổi như vậy nhưng không thấy đau nên anh Tuấn chủ quan không đi khám bác sĩ ngay, một thời gian sau khi thấy hạch nổi quá nhiều, anh mới đến Bệnh viện K để khám và các bác sĩ kết luận anh bị ung thư hạch và đã di căn sang bộ phận khác sau khi có kết quả sinh thiết bác sĩ ra phác đồ điều trị cho anh là truyền hóa chất cùng với thuốc đặc trị. Nhưng đang truyền đợt thứ hai thì anh bỏ giữa chừng chỉ vì lời khuyên của một “thần y” chuyên trị bệnh theo phương pháp nhịn ăn và tập dưỡng sinh rằng: trị bệnh theo phương pháp dùng thuốc là “lấy độc trị độc”. Mà “lấy độc trị độc” thì khả năng “bệnh chồng bệnh” rất dễ xảy ra nhất là với ung thư, bởi hóa chất được truyền vào người hại cho sức khỏe, làm cho cơ thể không những không thể chống chọi với bệnh tật mà còn sinh ra nhiều bệnh khác. Chưa kể đến việc ăn uống tẩm bổ trong quá trình trị bệnh còn nuôi các khối u, làm cho nó phát triển mạnh hơn, nhiều hơn là nâng cao thể trạng. “Do đó, phương pháp điều trị “tốt nhất” là nhịn ăn cùng với tập dưỡng sinh thay vì dùng thuốc”, “thần y” khẳng định”.

“Tuân thủ” chỉ định của “thần y”, từ đó anh Tuấn ngày ba bữa chỉ uống nước trắng thay ăn và tập dưỡng sinh, thể dụng vào bất cứ lúc nào có thể. Anh đã tính mỗi ngày anh phải uống đến 4-5 lít nước và tập dưỡng sinh, thể dục gần 8 tiếng/ngày. Không biết bệnh “tiệt” được thế nào nhưng chỉ sau 4 tháng “khổ luyện” như vậy, anh suy sụp đến mức khủng khiếp: người chỉ còn da bọc xương, thần thái mệt mỏi, da tái xanh, nói không ra hơi… Hoảng quá, người nhà phải buộc anh quay trở lại bệnh viện điều trị theo phương pháp tây y thì đến lúc này, các bác sĩ thông báo: ung thư đã đi căn sang gan, dạ dày, ruột… khả năng kéo dài sự sống của anh là không thể. Và quả thật, chưa đến 1 tháng sau, anh mất trong sự tiếc nuối của nhiều người rằng: Với độ tuổi còn sung sức ấy, nếu dùng thuốc điều trị, sự sống của anh còn kéo dài hơn.

Sống vì biết cách trị bệnh không dùng thuốc

Khác hẳn với anh Tuấn thì ông Lương Tuấn Nghĩa, ở quận Ba Đình Hà Nội lại điều trị căn bệnh ung thư phổi của mình theo cả hai cách dùng thuốc và không dùng thuốc. Nghĩa là khoảng thời gian nào phải điều trị hóa chất thì ông không thể vận động ngay cả nhẹ nhàng nhất như tập dưỡng sinh. Bởi hóa chất làm cho ông nằm bẹp đến mức trở mình cũng khó khăn. Lại còn nôn thốc tháo vì thuốc. Còn sau khi truyền thuốc xong khoảng 1 tuần, cơ thể đỡ mệt, ông lại cố gắng “trị bệnh” bằng phương pháp tập thiền, yoga, đi bộ và hoàn toàn không dùng thuốc.

TS Vũ Thế Khanh: 

“Phải khẳng định: Chẳng có phương pháp nào là chữa được bách bệnh cả. Các đơn vị và các nhà khoa học trực thuộc UIA chưa bao giờ nói rằng, các biện pháp trị bệnh không dùng thuốc có thể chữa bách bệnh. Ai nói như vậy thì đó là sự hoang tưởng”.

Với phương pháp kết hợp này, gần 5 năm nay, ông Nghĩa chưa “gục ngã” vì bệnh tật, trái hẳn với  tiên lượng của bác sĩ trước đây khi phát hiện ông có một khối u ác tính nằm ở thùy trái phổi. Bác sĩ từng dự báo với người nhà ông Nghĩa: “Ngay cả khi đã cắt đi khối u nằm biệt lập nhưng nhiều nhất bệnh nhân cũng chỉ sống được 2 năm”. Nhưng như đã nói đến nay đã 5 năm, ông Nghĩa vẫn sống khỏe mạnh, thậm chí còn tăng cân, da dẻ hồng hào, đi lại nhanh nhẹn. Chỉ số ung thư của ông còn duy trì ở mức chấp nhận được, nghĩa là không tăng, không đến mức phải tiếp tục điều trị hóa chất hay dùng thuốc đặc trị. Nhìn bên ngoài, không ai nghĩ rằng ông Nghĩa đang mang trọng bệnh. Ông Nghĩa tâm sự: “Cái quyết định điều trị bệnh theo phương pháp nào của bệnh nhân rất quan trọng. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả chữa bệnh mà còn đến sức khỏe, tính mạng của mình. Vì vậy, không được cực đoan cũng như không được mang tính “một chiều” mà phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tế bản thân để lựa chọn phương pháp trị bệnh phù hợp. Tất nhiên phải dựa trên cả tư vấn của bác sĩ”.

Cần có hiểu biết!

Vậy ở đây trị bệnh không dùng thuốc thực tế là như thế nào và trong trường hợp nào thì nên sử dụng liệu pháp này?

Nhận định như TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), nơi đã từng 20 năm nghiên cứu và triển khai chương trình chữa bệnh không dùng thuốc: “Các biện pháp trị bệnh không dùng thuốc định nghĩa một cách dễ hiểu thì là các biện pháp dưỡng sinh, tập chung để tăng cường sức khỏe, phòng chống và đẩy lùi bệnh tật chứ không phải thay thế thuốc hoàn toàn trong điều trị bệnh. Dưỡng sinh cũng không thể điều trị được bệnh hay thay thế chức năng chữa trị chính quy của ngành y mà chỉ hỗ trợ quá trình này. Rất nhiều người đã nhầm lẫn vai trò này của phương pháp “trị bệnh không dùng thuốc nên đã phải chịu hậu quả rất nặng nề”. TS Vũ Thế Khanh còn nói thêm, những biện pháp dưỡng sinh sau khi trải qua thời gian dài nghiên cứu, khảo nghiệm đã chứng minh được tính khoa học của nó và rõ ràng đó là y học chứ không phải mê tín dị đoan như nhiều người quan niệm. Nó cũng là “thuốc” nhưng dưới một hình thức khác. Bởi “thuốc” hiện nay đã là khái niệm “mở”, không còn phải là đưa qua miệng vào cơ thể mới là thuốc. Bây giờ “thuốc” có thể vào cơ thể theo 9 cửa khẩu như: mắt (ánh sáng), tai (âm thanh), mũi (mùi vị), lưỡi (vị), thân (xúc tác, lỗ chân lông), tư tưởng (ý nghĩ)… Thậm chí, mỗi lỗ chân lông cũng là 1 “cửa khẩu”. Những “cửa khẩu” ấy đều có khả năng “nhập bệnh” và cũng có thể tiếp nhận các loại thuốc trị bệnh. “Thuốc trị bệnh” ở đây cũng được hiểu là tượng trưng cho những gì có thể đẩy lùi bệnh tật chứ không còn bị bó hẹp là dược chất nữa. Tuy nhiên, theo TS Khanh, hiện nay có một số trường hợp lợi dụng các liệu pháp trị bệnh không dùng thuốc để trục lợi như bà Phan Thị Tranh chữa bệnh bằng… hát ở Vĩnh Phúc. Trường hợp bà Tranh ông Khanh cho rằng thể hiện rõ vi phạm pháp luật ở chỗ: Là ngành kinh doanh có điều kiện nên muốn hoạt động trong ngành y phải có nhiều điều kiện như: tài chính, chuyên môn, trang thiết bị đảm bảo... Nhưng bà Tranh không có tất cả những điều kiện như vậy, lại còn không có chuyên môn về ngành y, không được cấp giấy phép hành nghề nên tùy tiện chữa bệnh như vậy là sai. “Do đó, tôi tuyệt đối không bao giờ đồng tình cách làm của bà Tranh”. TS Vũ Thế Khanh khẳng định.

Hiện nay có những phương pháp trị bệnh không dùng thuốc như: Phương pháp tập luyện khí công tĩnh, khí công động, khí công dưỡng sinh, dưỡng sinh tâm thể, dưỡng sinh tâm năng, năng lượng sinh học, năng lượng cảm xạ, thiền dưỡng sinh, yoga… (đặt tên theo đề nghị của người thiết lập (trưởng môn). Ngoài ra, còn những phương pháp: phương pháp vật lý trị liệu, hóa học, cơ học, quang học, nhiệt học, tâm lý trị liệu, năng lượng tâm thức… Theo TS Khanh, để chữa được bệnh dù theo phương pháp nào bao giờ cũng phải chẩn đoán bệnh trước tiên. Trên cơ sở đó mới đưa ra “phác đồ” điều trị. Bệnh nhân không nên tự ý quyết định phương pháp chữa bệnh để rồi dễ dẫn đến hậu họa. Phải có tư vấn, khuyến cáo của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế…

Duy Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.