Mất mạng vì truyền dịch tùy tiện

07:05 | 04/08/2014

4,733 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lâu nay dịch truyền được sử dụng một cách rất tùy tiện cả ở người dân và nhiều cơ sở y tế ở nước ta. Ðánh giá lợi hại của việc truyền dịch, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ nhiệm Bộ môn Thận - Niệu Ðại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM.

Năng lượng Mới số 334

PV: Hiện nay, dịch truyền được sử dụng rất tùy tiện. Nhiều người dân không có bệnh tật gì chỉ cần thấy hơi mệt là tự đến các phòng mạch, hiệu thuốc xin “truyền nước” cho khỏe, bác sĩ đánh giá như thế nào về tình trạng này?

PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi: Hiện tượng này là do lỗi ở cả hai phía. Thứ nhất là quan niệm sai lầm của người dân, cứ nghĩ truyền dịch rất có lợi cho sức khỏe và không hại gì. Thứ hai, là lỗi ở y, bác sĩ vì lợi ích kinh tế mà không tư vấn đầy đủ cho người dân. Tôi biết ở một số phòng mạch cứ bệnh nhân đến chưa cần biết bệnh gì cứ cho truyền dịch trước rồi bác sĩ mới khám, cho thuốc. Vì vậy, hầu hết các trường hợp thấy mệt đi truyền dịch đều không đúng chỉ định. Ðây là điều rất nguy hiểm.

Dịch truyền có nhiều loại, phổ biến nhất hiện nay là muối sinh lý. Ngoài ra, còn có nhiều loại như: lactate là dung dịch chứa các ion; đường hay còn gọi là dung dịch ngọt với tỷ lệ 5%, 20%, 30%; dung dịch mỡ, dung dịch đạm, dung dịch hồi sức... Gần đây, còn có dung dịch hỗn hợp gồm 3 loại: đường, mỡ và đạm. Các loại dịch truyền này phải dùng đúng thì mới có ích lợi.

Mất mạng vì truyền dịch tùy tiện

PGS. TS.BS Phạm Văn Bùi

PV: Vậy thưa bác sĩ, dịch truyền mà nhiều phòng mạch hay sử dụng cho người dân khi người dân thấy mệt yêu cầu truyền là loại dịch truyền nào?

PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi: Thường là người dân thấy mệt đi “truyền nước” hay “vô nước biển” thì chỉ có 2 loại là dung dịch muối hoặc dung dịch ngọt. Nhưng theo tôi nhận định dung dịch ngọt có lẽ được dùng phổ biến hơn vì đường khi vào cơ thể sẽ cung cấp thêm năng lượng, làm người ta cảm thấy khỏe hơn. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, những dịch truyền này không thể thay thế cho ăn uống. Người dân cảm thấy khỏe hơn sau truyền dịch phần nhiều là do tâm lý. Ngoài ra, khi họ thấy mệt thường ăn uống kém nên truyền dịch cũng có tác động ở chỗ sẽ cung cấp một lượng nước uống và lượng đường nhất định vào cơ thể làm cho con người cảm thấy khỏe hơn.

PV: Ðược biết, có nhiều trường hợp bị biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong do truyền dịch không đúng chỉ định. Mới đây, một bệnh nhân ở Hà Nội cũng nguy kịch vì bị sốt xuất huyết nhưng thay vì đến cơ sở y tế điều trị thì lại ra phòng mạch tư xin truyền dịch? Như vậy, việc truyền dịch tùy tiện sẽ dẫn đến những tác hại như thế nào, thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi: Nguy hiểm nhất của truyền dịch không đúng là nguy cơ bị sốc dịch truyền, có thể dẫn đến tử vong. Sốc này sẽ nguy hiểm hơn ở trẻ em, người lớn tuổi và người có nhiều bệnh đi kèm. Tôi thấy các thầy thuốc mà dám truyền dịch cho bệnh nhân ở các phòng mạch hoặc tại nhà là hơi “liều” vì chúng ta sẽ không tiên lượng được những biến chứng có thể xảy ra để có thể xử lý kịp thời.

Người bệnh thận và người có bệnh tim mạch thì khi truyền dịch phải đặc biệt cẩn trọng. Như với bệnh nhân suy tim thì quả tim đã bóp yếu mà truyền dịch vào nhanh quá thì tim không bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp, bệnh nhân tử vong. Còn với người bị suy thận, đặc biệt ở thể thiểu niệu hay vô niệu mà đưa dịch truyền vào nhanh quá, thận sẽ không thải nổi, cũng gây ứ nước trong cơ thể, gây phù, làm phù phổi, suy hô hấp và cũng có thể gây tử vong.

Còn nhiều trường hợp truyền dịch không đúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Cụ thể, nếu một bệnh nhân choáng do chạy bộ đổ mồ hôi, mất nước nhiều vô truyền dịch thì cơ thể bệnh nhân mất cả muối lẫn nước. Nếu thầy thuốc lúc này lại truyền một chai dung dịch ngọt thì chỉ bù nước mà không bù ion. Lượng nước này vô cơ thể có thể khiến bệnh nhân bị ngộ độc nước, gây phù não làm bệnh nhân lên cơn co giật mà chết. Do đó, chuyện truyền dịch không phải là dễ, xét về khoa học thì đây là việc rất khó.

Mất mạng vì truyền dịch tùy tiện

Rất nhiều bệnh nhận được truyền dịch không đúng chỉ định

PV: Nhưng có phải do truyền dịch tỷ lệ biến chứng quá thấp nên mọi người dễ bỏ qua những biến chứng này?

PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi: Ðúng là trong truyền dịch tỷ lệ sốc không cao nhưng không phải không xảy ra. Ở một số phòng mạch nhiều bác sĩ có “mánh” là sẽ tiêm trước cho bệnh nhân một liều thuốc ngừa sốc trước khi truyền dịch để phòng ngừa việc này. Nếu lâu lâu truyền một chai, tiêm một ống thuốc chống sốc thì không sao nhưng nếu truyền thường xuyên thì tương lai sẽ chết vì thuốc này. Bởi các thuốc chống sốc nếu dùng nhiều sẽ gây giữ nước, giữ muối, làm mục xương, suy thận, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Tôi cũng biết có một số thầy thuốc thiếu lương tâm, dùng một chai dịch truyền ngọt rồi chích vào một ống vitamin B, làm chai dịch có màu vàng. Bệnh nhân truyền dung dịch này vào thấy khỏe nhưng các thầy thuốc này thực tế không vững y khoa, bởi vitamin nhóm B không phải là nhóm luôn luôn an toàn. Có những bệnh nhân dị ứng 1 hoặc 2 loại vitamin B hoặc chất nào đó trong ống thuốc, truyền vào bệnh nhân sẽ gây sốc rất nguy hiểm.

PV: Truyền dịch có nhiều nguy cơ như vậy nhưng tại sao việc truyền dịch lại thực hiện quá dễ dàng ở các cơ sở y tế, ngay cả ở nhiều hiệu thuốc Tây cũng làm dịch vụ này, thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi: Ðó là chuyện quản lý. Ngành y tế phải quản lý bán và sử dụng dịch truyền. Tôi cho rằng nên kiểm soát chặt chẽ chỉ định truyền dịch trong các phòng mạch tư. Vì việc này không có lợi cho người bệnh. Nếu bệnh nhân tới phòng mạch mà thấy có chỉ định truyền dịch thì nên giới thiệu bệnh nhân vô các bệnh viện để thực hiện cho an toàn và hiệu quả hơn. Trước khi truyền các bác sĩ phải đánh giá rất nhiều thông số để lựa chọn dịch truyền phù hợp với tình trạng bệnh nhân. Trong quá trình truyền dịch cũng phải có nhân viên y tế theo dõi, xử lý kịp thời khi có biến chứng xảy ra. Tôi rất khắt khe với chỉ định truyền dịch, vì nguyên tắc chung trong y khoa là không có gì tốt hơn là cung cấp các chất kể cả nước qua đường tự nhiên. Còn truyền dịch chỉ là bắt buộc trong trường hợp đúng chỉ định mà thôi.

PV: Như vậy, dịch truyền được sử dụng trong những trường hợp nào là đúng, thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi: Trong y khoa, chỉ dùng dịch truyền trong những trường hợp bất khả kháng. Thứ nhất là truyền với tính chất hồi sức cho bệnh nhân bị choáng do mất máu hoặc mất nước cấp như bệnh nhân choáng do mất máu nhiều bởi xuất huyết tiêu hóa hay mất nước do tiêu chảy ồ ạt kèm theo nôn ói. Trường hợp thứ hai là truyền dịch có tính chất nuôi ăn. Dùng cho những trường hợp bệnh nhân không thể cung cấp thức ăn bằng đường tự nhiên được. Trường hợp thứ ba là cho những bệnh nhân bị rối loạn kiềm toan - điện giải nặng mà chúng ta không thể cung cấp qua đường tiêu hóa kịp thời thì có thể dùng dịch truyền để điều chỉnh rối loạn này nhanh và hiệu quả hơn. Và dịch truyền có thể sử dụng để đưa một số loại thuốc vào cơ thể nhằm mục đích điều trị bắt buộc theo chỉ định của từng chuyên khoa. Ngoài ra, không có chỉ định cho bất cứ bệnh nhân nào nhằm bồi bổ sức khỏe!

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

M.P

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.