Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Trần Quang Trung:

Quyết liệt nhất phải từ cơ sở

07:00 | 24/04/2014

554 lượt xem
|
“Chúng tôi nhận thấy rằng, mạng lưới quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ phía địa phương là quan trọng nhất bởi không ai giám sát tốt tình hình bằng các cán bộ cơ sở, bà con nông dân họ làm gì, làm như thế nào… Tôi tin cán bộ cơ sở họ nắm bắt được hết nên việc thanh, kiểm tra xử phạt cũng dễ dàng hơn” - ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết.

Năng lượng Mới số 314

PV: Được biết hiện không chỉ riêng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) quản lý về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn có Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng chia sẻ gánh nặng. Sau gần 3 năm, việc phối hợp liên ngành đã hoạt động và đạt hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Trung: Phối hợp cơ quan liên ngành giữa 3 bộ cùng quản lý về vấn đề VSATTP mới bước sang năm thứ 3 nên cũng chưa thể nói gì nhiều về những biến chuyển. Tuy nhiên, việc phân định hạng mục quản lý cụ thể và dễ dàng hơn nên mọi việc cũng đi vào nền nếp hơn. Hiện tại, chúng tôi phân chia hạng mục quản lý thành từng chuỗi, bộ nào quản lý sản phẩm nào thì giám sát nghiêm ngặt quy trình thông thương cũng như chất lượng của sản phẩm đó. Ví dụ quản lý chợ đầu mối là do Bộ NN&PTNT nhưng quản lý siêu thị thì lại của Bộ Công Thương. Còn Cục VSATTP có chức năng giám sát, nếu có phản ánh của cơ quan truyền thông hay bất ngờ kiểm tra đột xuất có vấn đề thì chúng tôi nghiên cứu thanh, kiểm tra sau đó báo cáo Chính phủ cũng như công bố đến đại chúng. 

Ông Trần Quang Trung

Hiện tại, Bộ Y tế thì có Cục Quản lý về VSATTP, Bộ Công Thương có Cục Quản lý thị trường, Bộ Nông nghiệp có Cục Chăn nuôi, Cục Thủy sản… Mỗi tháng chúng tôi đều có họp định kỳ tổ công tác của liên ngành. Tại mỗi cuộc họp đưa ra những vấn đề nóng về VSATTP để cùng bàn bạc phương pháp phối hợp, chuyên môn của anh nào thì anh đó làm, sẽ có đoàn liên ngành đi kiểm tra.

PV: Công bằng nhìn nhận thì nhiệm vụ của Cục VSATTP được ví như người kiểm tra chất lượng các món ăn trên mâm cơm, để thấy rằng mức độ cấp thiết càng cao. Vậy khó khăn từ phía Cục VSATTP đang gặp phải là gì?

Ông Trần Quang Trung: Cái khó khăn đầu tiên là kinh phí cho công tác thanh, kiểm tra. Khó khăn thứ 2 là lực lượng mỏng và thứ 3 là ở phía địa phương. Trước những khó khăn trên chúng tôi chủ động xây dựng những mô hình hoạt động, xây dựng mạng lưới quản lý VSATTP ngay từ địa phương. Chúng tôi nhận thấy rằng, mạng lưới này là quan trọng nhất bởi không ai giám sát tốt tình hình bằng các cán bộ cơ sở, bà con nông dân họ làm gì, làm như thế nào… tôi tin cán bộ cơ sở họ nắm bắt được hết nên việc thanh, kiểm tra xử phạt cũng dễ ràng hơn.

Hiện tại, có một số công việc mà chúng tôi giao cho UBND các quận, huyện cơ sở như quản lý tình hình về thức ăn đường phố, nhà hàng ăn uống nằm trên địa bàn... Và khẳng định, ở đâu có sự phối hợp tốt của liên ngành thì ở đó công tác VSATTP đạt hiệu quả. Đặc biệt, có sự phối hợp của địa phương và cả Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49 về phòng chống tội phạm thì càng thành công.

PV: Với sự quản lý của 3 bộ và có sự phối hợp từ phía địa phương tại sao vẫn mỏng, thưa ông?

Ông Trần Quang Trung: Quản lý được VSATTP không phải là việc dễ, nhất lại là một địa hạt lớn và nhiều vấn đề như hiện tại. Hằng năm chúng tôi phải quay cuồng với đủ các đợt thanh, kiểm tra. Những lịch cứng như dịp cuối năm không để hàng rởm quần thảo, cho bà con vui tết. Hết tết thì lại đến mùa lễ hội, rồi đến các ngày nghỉ lễ… đã rất vất vả. Trong khi đó, không phải địa phương nào cũng biết phối hợp với cơ quan liên ngành một cách hiệu quả.

PV: Tình hình ngộ độc thực phẩm hằng năm vẫn tăng đều cả về số vụ, số người mắc và mức độ thiệt hại? Ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Trần Quang Trung: Không phải bây giờ mới xuất hiện những trường hợp ngộ độc về VSATTP, trước đây là có cả đấy chứ. Bây giờ nóng hơn là vì cơ quan truyền thông quan tâm, bà con cũng theo dõi vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe… Chứ thực sự trước đây vấn đề VSATTP chưa được quan tâm nhiều như bây giờ. Nên càng nhiều những vụ việc bị phát hiện, phanh phui càng chứng tỏ sự quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng.

PV: Mỗi khi báo chí phản ánh về vấn đề chất lượng thực phẩm thì Cục lại vào cuộc. Phải chăng ở đây có sự thụ động?

Ông Trần Quang Trung: Những vụ việc báo chí phanh phui chỉ là một phần và thiện ý của chúng tôi là luôn phản ứng nhanh bằng cách kiểm nghiệm thông tin mà báo chí cung cấp. Thực tế chúng tôi vẫn có những đợt thanh, kiểm tra định kỳ và phát hiện sai phạm đấy chứ. Đơn cử như bắt giữ hàng chục vụ gà nhập lậu, thanh kiểm tra chất lượng các làng nghề… Nhiệm vụ trực tiếp của chúng tôi là kiểm nghiệm chất lượng của phụ gia, thực phẩm, nước đóng chai, thực phẩm chức năng… Còn như đã nói, với các ngành khác chúng tôi tiến hành thanh kiểm tra khi có kết quả của cơ quan liên ngành.

PV: Phải chăng những việc chỉ làm cho có phong trào, điển hình như Thông tư 30/2012 TT-BYT về an toàn thức ăn đường phố đã được mấy năm nhưng khi được hỏi thì vẫn chẳng mấy người biết về thông tư này?

Ông Trần Quang Trung: Họ biết cả đấy nhưng họ sợ trách nhiệm thôi. Ngay từ khi thông tư ra đời chúng tôi đã triển khai đến từng phường, lên kế hoạch tập huấn và dạy miễn phí cho bà con. Nhưng người thì đi học chống đối, người thì không đi vì không thể bỏ một buổi bán hàng… đó mới chỉ là một ví dụ. Ngay như trường hợp sử dụng nhiều hóa chất trong bán hàng cũng vậy thôi. Ở đâu mà không có hóa chất, nền công nghiệp hiện đại là phải có hóa chất, nhưng nó ở mức nào thôi. Tôi nói những công ty lớn họ không bao giờ sử dụng hóa chất tầm bậy vì họ sợ mất thương hiệu. Nhưng bà con thì dùng vô tội vạ, phun thuốc cũng sai quy định hay sử dụng loại hóa chất không trong danh mục cho phép… Nói thực, bảo quản lý nhưng càng quản càng chống đối như vậy thì rất khó khăn.

PV: Thưa ông, hay là chế tài xử phạt chưa đúng tầm?

Ông Trần Quang Trung: Có chế tài xử phạt cả đấy chứ, hiện tại chúng tôi cứ theo Nghị định số 38 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành điều luật với VSATTP mà làm. Hiện chúng tôi cũng tham mưu với Chính phủ về luật xử phạt hành chính, mức phạt bây giờ gấp 7 lần giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, xét cho cùng thì trong cái lý vẫn phải có cái tình. Trước nay, các cơ sở lớn thì không nói làm gì nhưng rất ít trường hợp những gánh hàng rong bị xử phạt, bởi những người làm nghề đó thì chẳng ai dư giả. Họ sống mức nghèo quá mới làm nghề này nên các cơ quan chức năng cũng nương tay hơn. Điều đáng nói là, số lượng thức ăn đường phố lại chiếm phần nhiều trong vấn đề về VSATTP.

PV: Là người đứng đầu Cục VSATTP, ông nói gì trước những vấn đề đang nhức nhối về VSATTP?

Ông Trần Quang Trung: Chúng tôi vẫn làm hết sức có thể, nhưng điều cần thiết nhất vẫn phải là sự hỗ trợ từ phía các cơ sở địa phương và hợp tác từ nhân dân. Bên cạnh đó cũng cần truyền thông hỗ trợ để tuyên truyền cho bà con hiểu đúng về cách làm cũng như tầm quan trọng trong VSATTP.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Anh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

(PetroTimes) - Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA) cho biết hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó.