BS Nguyễn Đình Song Huy:

Ung thư gan - “sát thủ” thầm lặng

19:00 | 13/11/2014

6,989 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ung thư gan hiện có tỉ lệ mắc và tử vong cao nhất trong các loại ung thư ở nước ta. Để hiểu thêm về căn bệnh này, Petrotimes có cuộc trao đổi với BS. Nguyễn Đình Song Huy, Phó giám đốc Trung tâm Ung bướu, Trưởng khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy.

Virus viêm gan B là thủ phạm chính

PV: Ung thư gan thường xảy ra ở độ tuổi nào, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Đình Song Huy

BS Nguyễn Đình Song Huy: Lúc đầu, chúng tôi ghi nhận độ tuổi mắc ung thư gan chủ yếu là trung niên, khoảng 40 – 50 tuổi. Nhưng hiện nay số người trẻ bị ung thư gan đang tăng lên. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc ung thư gan ở độ tuổi rất trẻ chỉ từ 15 – 30 tuổi.

PV: Bác sĩ đánh giá như thế nào về tình hình mắc ung thư gan hiện nay ở nước ta?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Thống kê gần đây nhất của Việt Nam vào năm 2008 cho thấy, tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư ở nước ta, ở cả nam lẫn nữ. Ở nam giới, tỉ lệ mắc ung thư gan chiếm 27,6% tổng số các loại ung thư, tỉ lệ tử vong chiếm 32,5% tổng số ung thư. Ở nữ giới con số tương ứng là 14,3% và 20,8%. Ung thư gan hiện đang là một vấn nạn với tỉ lệ mắc và tử vong rất cao nhưng mức độ quan tâm đến bệnh này vẫn còn nhiều hạn chế.

Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 – 3.500 bệnh nhân ung thư gan mới được phát hiện. Đặc biệt, năm 2010 có đến 41,8% số bệnh nhân mắc mới đến bệnh viện vào giai đoạn muộn mà bác sĩ không thể can thiệp gì được, tỉ lệ này hiện có khuynh hướng giảm nhưng vẫn khá cao.

PV: Theo bác sĩ, vì sao tỉ lệ mắc ung thư gan ở nước ta lại cao như vậy?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu liên quan đến nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV). Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ khác nữa nhưng tỉ lệ rất thấp. Nếu như ở Mỹ, Nhật, châu Âu và các nước phát triển, ung thư gan đa phần liên quan đến virus viêm gan C thì phần còn lại của thế giới chủ yếu liên quan đến virus viêm gan B. Việt Nam đang nằm trong vùng dịch tễ của nhiễm virus viêm gan B với tỉ lệ nhiễm cao nên kéo theo tỉ lệ mắc ung thư gan cũng cao. Khoảng 60 – 70% ca ung thư gan ở nước ta có liên quan đến nhiễm virus viêm gan B, 20% liên quan đến nhiễm virus viêm gan C, còn lại là liên quan đến các yếu tố khác.

Virus viêm gan B lây truyền theo đường máu, qua quan hệ tình dục và từ mẹ sang con trong khi sinh. Nếu không được điều trị thì thường diễn tiến từ khi nhiễm cho đến khi mắc ung thư mất khoảng 10 – 15 năm. Trong khi đó, ở nước ta cách đây khoảng 10 – 15 năm gần như không quan tâm gì đến virus viêm gan B. Lúc đó, ngay cả ở các cơ sở y tế cũng chưa có ý thức phòng ngừa lây truyền virus viêm gan B, các chế phẩm máu truyền vào cơ thể không được sàng lọc virus viêm gan B và cũng chưa có vắc xin tiêm ngừa.

Vì không biết để phòng ngừa nên nguy cơ lây nhiễm cao. Hiện nay, ta đang phải đối phó với hậu quả của hàng chục năm trước và tình trạng này khó có thể giảm xuống trong khoảng chục năm nữa. Điều tương tự cũng đã xảy ra đối với việc lây truyền virus viêm gan C và cho đến nay thì vẫn chưa có vắc xin tiêm ngừa virus viêm gan C.

Một điều rất quan trọng nữa là hầu như tất cả các trường hợp ung thư gan đều không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, đến khi có triệu chứng rõ thì bệnh đã tiến triển xa, không còn khả năng điều trị. Đó là lý do người ta ví ung thư gan là sát thủ thầm lặng. Do đó, việc tầm soát định kỳ ung thư gan trên các đối tượng có yếu tố nguy cơ (nhiễm virus viêm gan B, C, xơ gan) là rất cần thiết. Việc tầm soát này có thể thực hiện bằng cách làm siêu âm bụng, kiểm tra và đo nồng độ chất chỉ điểm ung thư gan AFP (Alpha FetoProtein) trong máu mỗi 6 tháng.

Ung thư gan có thể chữa được!

PV: Xin bác sĩ cho biết, ung thư gan có thể chữa khỏi được hay không?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Có hai nguyên tắc trong điều trị ung thư gan là giải quyết khối u đã có và điều trị yếu tố nguy cơ, tức bệnh gan nền tảng (viêm gan virus B, C, xơ gan...). Với việc điều trị khối u đã có, hiện nay thường áp dụng các phương pháp: phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u hoặc ghép gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần (RFA – RadioFrequency Ablation) hay vi sóng (MWA – MicroWave Ablation), làm nút mạch hóa chất hay thường gọi là TACE (TransArterial ChemoEmbolization), phương pháp kết hợp giữa việc tiêu diệt tế bào ung thư bằng hóa chất và cắt nguồn máu đến nuôi khối u. Ở nước ta, cũng như trên thế giới, trong số các trường hợp bệnh nhân bị ung thư gan còn khả năng điều trị thì khoảng 70% điều trị bằng phương pháp TACE, khoảng 15 – 20% có thể phá hủy khối u tại chỗ và khoảng 10 – 15% có thể phẫu thuật được.

Bằng những phương pháp điều trị như trên, có thể chữa hết những tổn thương đã được phát hiện (khối u). Tuy nhiên, việc tái phát khối u tại vị trí đã điều trị sẽ còn tùy thuộc vào mức độ triệt để của phương pháp điều trị đã áp dụng và việc xuất hiện u mới ở vị trí khác trong gan sẽ liên quan đến việc điều trị bệnh lý nền tảng của gan.

Một ca ghép gan thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy

PV: Hiện nay, có những phương pháp gì mới để điều trị ung thư gan, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Hiện đã có một số phương pháp mới điều trị ung thư gan, bước đầu cho kết quả cao hơn so với các phương pháp đang áp dụng nhưng vẫn chưa được đưa vào phác đồ điều trị chính thức vì về mặt y học vẫn phải chờ thời gian để thống kê, kiểm chứng, đánh giá. Bên cạnh đó, có một số phương pháp chứng tỏ có hiệu quả (như ở Nhật, có thể xạ trị khối ung thư gan bằng tia proton) nhưng chưa được áp dụng đại trà vì chi phí quá cao, khả năng chi trả của bệnh nhân cũng như của ngành y tế chưa đáp ứng được.

PV: Chúng ta thường nghe nói, bị ung thư nếu phát hiện sớm thì cơ hội điều trị sẽ cao hơn, vậy với ung thư gan khi nào được gọi là giai đoạn sớm, khi nào là giai đoạn muộn, thưa bác sĩ?

 BS Nguyễn Đình Song Huy: Đối với ung thư gan, giai đoạn liên quan đến kích thước khối u, số lượng u và tình trạng bệnh gan nền tảng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc xác định giai đoạn nào không có ý nghĩa bằng việc xem bệnh nhân có còn khả năng điều trị hay không và hiệu quả sau điều trị như thế nào? Trong nhiều trường hợp khối u lớn nhưng nằm ở vị trí có thể phẫu thuật được nhưng cũng có nhiều trường hợp khối u nhỏ nhưng đã có di căn xa thì lại không làm gì được. Ngoài ra, việc điều trị còn liên quan đến chức năng gan và nhiều vấn đề khác nữa. Bác sĩ sẽ đánh giá tất cả các yếu tố này để đề ra phương pháp điều trị phù hợp nhất, đem lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân.

PV: Tại sao ung thư gan được xem là loại ung thư mà bệnh nhân tử vong nhanh nhất trong các loại ung thư, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Đối với ung thư gan, bệnh nhân chịu ảnh hưởng của cả hai yếu tố là sự phát triển của khối u và sự tiến triển của bệnh gan. Do đó, trong một số trường hợp, bệnh nhân tử vong rất nhanh. Đôi khi bệnh nhân tử vong vì xơ gan nặng trước khi tử vong vì ung thư gan! Đó là điểm khác biệt của ung thư gan so với những ung thư khác mà khi điều trị cần lưu tâm vừa điều trị tổn thương (khối u) và vừa điều trị bệnh gan nền tảng như: viêm gan virus B, C, xơ gan.

PV: Hiện nay, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như một số cơ sở y tế khác trong nước đã có thể ghép gan. Nếu không còn khả năng điều trị theo các phương pháp bác sĩ nêu trên thì bệnh nhân vẫn còn giải pháp là ghép gan để sống?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Ghép gan cũng là một biện pháp điều trị ung thư gan nhưng không phải tất cả các trường hợp ung thư gan đều có thể ghép gan được. Ghép gan đem lại hiệu quả cao nhất đối với các bệnh nhân nằm trong tiêu chuẩn Milan, tức là (chỉ có một khối u, kích thước không quá 5cm, hoặc có tối đa là 3 khối u mà khối u lớn nhất không quá 3cm), khi đó, tỉ lệ sống sau 5 năm khoảng 80%. Nhiều nước vẫn tiến hành ghép gan cho bệnh nhân nằm ngoài tiêu chuẩn này, nhưng người ta thấy rằng khi số lượng u càng nhiều, kích thước u càng lớn thì sau ghép tỉ lệ tái phát ung thư trên gan mới sẽ càng cao.

Bỏ lỡ cơ hội điều trị vì quan niệm sai lầm

PV: Nhiều bệnh nhân bị ung thư gan có chỉ định phẫu thuật nhưng vẫn rất băn khoăn vì cho rằng ung thư mà đụng đến “dao kéo” sẽ nhanh chết?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Việc ung thư đụng đến “dao kéo” sẽ nhanh chết là chuyện từ xưa nhưng vẫn còn truyền cho tới tận bây giờ. Vì sao lại có chuyện như vậy? Cách đây khoảng 20 năm khi ở nước ta chưa có các phương pháp chẩn đoán hiện đại như: siêu âm, CT scan, MRI,... thì hầu như không có phương tiện gì để chẩn đoán ung thư gan. Người ta chỉ sờ bên ngoài và thấy có khối u thì nghĩ là ung thư.

Do đó, thời điểm này các bác sĩ cũng chỉ có cách phẫu thuật ra để vừa là chẩn đoán vừa xử lý khối u. Nhưng trong nhiều trường hợp khi mổ ra mới thấy không thể giải quyết được nên bác sĩ phải đóng ổ bụng lại. Thực tế, đây là những trường hợp đã không còn khả năng điều trị. Sau đó, khối u vẫn phát triển, rồi bệnh nhân tử vong và người ta truyền lại bị ung thư mà đụng đến dao kéo sẽ chết là như vậy.

Hiện nay, có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư từ rất sớm và không phải tất cả các trường hợp ung thư đều chỉ định phẫu thuật mà thông qua chẩn đoán các bác sĩ sẽ xác định trường hợp nào phẫu thuật được, trường hợp nào không. Thực tế chỉ có khoảng 10 – 15% trường hợp bệnh nhân ung thư gan có thể điều trị được bằng phương pháp phẫu thuật. Không chỉ riêng với ung thư gan mà đối với các loại ung thư có thể áp dụng phương pháp điều trị phẫu thuật thì hiện nay y học đã khẳng định phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để nhất, bởi khối u đã được lấy ra khỏi cơ thể.

Riêng đối với ung thư gan, chúng tôi khuyên các bệnh nhân nếu có chỉ định phẫu thuật thì nên làm vì hiện nay đây là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả cao nhất so với các phương pháp khác. Cho nên, nếu người dân vẫn giữ quan niệm sai lầm như trên đến tận bây giờ thì có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội điều trị triệt để ung thư gan.

PV: Đối với ung thư gan nói riêng và các loại ung thư khác nói chung, hiện nay người dân vẫn chưa tin tưởng rằng y học hiện đại có thể chữa khỏi được. Do đó bên cạnh điều trị Tây y nhiều bệnh nhân vẫn kết hợp sử dụng thêm các loại cây cỏ và các bài thuốc không chính thống khác, bác sĩ đánh giá như thế nào về việc này?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào về việc các loại cây cỏ có thể chữa được ung thư gan. Việc bệnh nhân uống cây cỏ cũng giống như đưa hóa chất vào cơ thể với mong muốn hóa chất này có thể diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, riêng đối với ung thư gan thì đến nay chưa tìm ra được một hóa chất nào chứng minh có thể điều trị lui bệnh như các phương pháp tôi đã nêu trên. Các phác đồ điều trị ung thư gan trên thế giới cho đến nay vẫn không đặt vấn đề sử dụng hóa chất trong điều trị ung thư gan.

Chỉ mới có một loại thuốc chống ung thư là Sorafenib được công nhận, nhưng cũng chỉ được dùng cho các bệnh nhân đã quá chỉ định điều trị bằng những phương pháp nói trên hay nói cách khác là bệnh đã tiến triển xa, không điều trị được nữa mà chỉ nhằm làm chậm đi sự phát triển của khối u, với điều kiện chức năng gan còn khá. Do đó, trong thực tế, dùng cây cỏ sẽ khó có tác dụng đối với bệnh nhân ung thư gan.

Đã có nhiều bệnh nhân đến khám tại Khoa U gan và có chỉ định điều trị nhưng bệnh nhân không chịu mà ra ngoài trị bằng cây cỏ. Sau một thời gian, bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân vào bệnh viện kiểm tra lại khối u đã phát triển nhiều, đã có di căn hoặc đã suy gan, bác sĩ đành phải bó tay. Đây là những trường hợp rất đáng tiếc vì đáng lý có thể điều trị được. Rất nhiều bài thuốc chữa ung thư từ cây cỏ thật ra chỉ là lời đồn thổi, chưa có chứng cứ rõ ràng. Ngay cả, nếu thật sự có một hay hai người điều trị khỏi thì về mặt thống kê y học mà nói cũng không đủ bằng chứng.

Ngoài ra, có một số rất ít bệnh nhân ung thư, thầy thuốc “chê” nhưng trong quá trình diễn tiến của bệnh, bệnh nhân rơi vào trường hợp hiếm là bệnh tự khỏi. Lúc đó vô tình bệnh nhân uống một cây cỏ nào đó và truyền cho mọi người, thì rất sai, vì có thể cây cỏ đó không tác động mà là do bệnh thoái triển tự nhiên. Đó cũng những trường hợp vô cùng hiếm, không đủ độ tin cậy để áp dụng cho mọi người.

Xáo tam phân là một trong những loại cây được “đồn” là thần dược chữa ung thư gan

PV: Nhưng nếu bệnh nhân vừa theo điều trị Tây y vừa uống thêm cây cỏ thì sao, thưa bác sĩ ?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Chúng ta hãy hình dung gan giống như một nhà máy, hầu như tất cả những thứ ta ăn vào, uống vào, sau khi tiêu hóa sẽ được hấp thu qua thành ruột rồi về gan để chuyển hóa thành những chất cần thiết cho cơ thể và loại trừ những chất không cần thiết để thải ra ngoài. Khi bị ung thư gan, trên gan đã có bệnh, tức nhà máy đã yếu mà chúng ta bắt gan phải làm việc quá sức sẽ dễ hư hỏng. Trong khi đó, nhiều bài thuốc từ cây cỏ có thể là những chất gây hại đến gan. Thậm chí, cứ cho đó là những chất không có tác hại nhưng nếu bắt gan phải làm việc thêm để chuyển hóa những chất đó thì nguy cơ suy gan cao hơn.

Rất nhiều trường hợp chức năng gan đang bình thường, sau khi uống cây cỏ vào thì men gan tăng vọt lên, có hiện tượng hủy hoại tế bào gan,... Vì vậy, theo tôi đừng nên dùng thêm các loại cây cỏ, vì thực tế không có tác dụng mà lại rất nguy hiểm. Nhất là ở nước ta, các thuốc Nam, thuốc Bắc pha trộn rất nhiều, khó xác định được nguồn gốc, chưa kể nhiều trường hợp còn tẩm các chất độc hại.

PV: Cũng có một số quan niệm cho rằng khi bị ung thư thì không nên ăn chất bổ, thậm chí nhịn ăn, nhịn uống để khối u không có chất nuôi dưỡng mà chết đi?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Đó là quan niệm sai lầm, phản khoa học. Nếu nói như vậy, phải chăng để chữa tất cả các loại ung thư chỉ cần nhịn ăn? Về mặt sinh học, một tế bào bình thường sẽ trải qua các giai đoạn gồm: sinh ra, lớn lên, phát triển rồi chết đi và được thay thế bằng một tế bào bình thường khác. Tế bào ung thư phát triển không theo quá trình đó, mà chỉ theo một quy luật là phát triển liên tục và không chết đi, vì thế mới hình thành nên khối u. Khi phát triển như vậy, các tế bào ung thư cần năng lượng để nuôi dưỡng.

Nguồn năng lượng này được lấy từ cơ thể người bệnh. Đó là lý do chúng ta thấy những người bị ung thư ngày càng ốm o gầy mòn đi. Cho nên, nếu bệnh nhân ung thư không ăn uống gì thì tế bào ung thư cũng lấy dinh dưỡng từ cơ thể để nuôi nó. Việc nhịn ăn, nhịn uống thật chất không có tác dụng mà làm cho cơ thể suy kiệt. Riêng với bệnh nhân ung thư gan, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân phụ thuộc vào tình trạng chức năng gan, trong quá trình điều trị bác sĩ sẽ khuyến cáo dinh dưỡng tùy theo từng trường hợp cụ thể.

PV: Xin bác sĩ đánh giá về kết quả điều trị ung thư gan hiện nay tại Bệnh viện Chợ Rẫy ?

BS Nguyễn Đình Song Huy: Khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy là trung tâm điều trị chuyên về ung thư gan lớn nhất và duy nhất trên cả nước hiện nay, tiếp nhận hầu hết bệnh nhân ung thư gan từ miền Trung và miền Nam Việt Nam. Do đó, số lượng bệnh nhân ung thư gan điều trị tại đây cũng nhiều nhất nước. Ở các cơ sở y tế khác, tùy theo bệnh nhân ung thư gan đến khám tại chuyên khoa nào (nội khoa, ngoại khoa) mà việc chẩn đoán và điều trị sẽ theo khả năng của chuyên khoa đó nên việc điều trị và theo dõi tình trạng của bệnh cũng bị phân tán.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tất cả bệnh nhân u gan đều đến khám, chẩn đoán và điều trị tại khoa U gan. Việc chẩn đoán và điều trị được thực hiện thông qua hội chẩn. Do đó, bệnh nhân được xác định chẩn đoán rõ ràng, được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất và được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị. Vì vậy, kết quả điều trị ung thư gan tại bệnh viện khá tốt. Qua thống kê từ năm 2009, số lượng bệnh nhân ung thư gan điều trị tại bệnh viện có tỉ lệ sống sau 2 – 3 năm lên đến 70 – 80%, tương đương hiệu quả điều trị bệnh này ở các nước trong khu vực châu Á.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Mai Phương (thực hiện)