Viêm kết mạc cấp ở trẻ em: Cẩn thận kẻo mù

07:14 | 08/12/2014

27,725 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Viêm kết mạc là một bệnh đang bùng phát gần đây. Tuy có những triệu chứng giống bệnh về mắt thông thường, nhưng để lại hậu quả hết sức nặng nề. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về bệnh viêm kết mạc.

Năng lượng Mới số 379

Kết mạc là một màng mỏng, trong, bóng che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt, đảm bảo cho mi mắt không dính chặt vào nhãn cầu đồng thời để có thể trượt dễ dàng trên bề mặt đó mà không gây tổn thương cho giác mạc. Kết mạc rất dễ viêm do tác động của các nhân tố bên ngoài.

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nếu không được phát hiện sớm, bệnh có thể biến chứng thành viêm lậu cầu và não mô cầu, dẫn đến mù lòa.

Nguyên nhân gây bệnh thường là do virus, thủy đậu, cúm, vi khuẩn lậu cầu, tụ cầu, liên cầu, heamophilus influenza và ký sinh trùng chlamydia...

Thời gian đầu khi bị viêm kết mạc, trẻ thường bị chảy nước mắt, thấy chói khi có ánh sáng, hay dụi mắt do ngứa, đỏ mắt do kết mạc cương tụ đỏ, sưng mắt sau đó là bị tiết nước mắt xuất hiện dịch nhầy, mủ nhầy... Đó là những triệu chứng thường gặp, tuy nhiên để biết nguyên nhân chính xác mắc bệnh do đâu để có cách xử trí hợp lý, kịp thời, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung phải dựa trên các thể lâm sàng cụ thể như sau: Viêm kết mạc do ký sinh trùng chlamydia gây ra, thường có thời gian ủ bệnh 5-14 ngày với các triệu chứng lâm sàng như: Trẻ chảy nước mắt nhiều, mi và kết mạc phù nhẹ, xuất tiết dạng mủ, mủ nhầy, nhú gai trên kết mạc...

Để điều trị phải rửa sạch mắt bằng natrichlorid 0,9% khi có nhiều dử mắt, tra mắt bằng thuốc mỡ tetracycline 1% ngày 2-4 lần, uống erythromycine 25mg/kg cân nặng, 2 lần/này trong 2 tuần...

Viêm kết mạc do lậu cầu thì bệnh nhân sẽ có triệu chứng như mi sưng húp, kết mạc nề mọng, dử mắt dính chặt hai mi, có nhiều chất tiết màu vàng, loét giác mạc và nội nhãn... Đối với bệnh này cần khai thác tiền sử hoa liễu ở bố mẹ để có biện pháp phòng lây nhiễm tiếp tục và điều trị dứt điểm tận gốc. Trong giai đoạn đầu cần tra 15 phút/lần với quinolol và cephalosporin. Về sau là 30 phút và kéo dài đến 1 tiếng và 3 tiếng/lần. Sau đó sử dụng ceftriaxone 20-50mg/kg cân nặng để tiêm bắp, liều duy nhất, không quá 125mg.

Viêm kết mạc do vi khuẩn thông thường gây ra như tụ cầu, liên cầu, haemophilus influenza, trực khuẩn moraxella... sẽ có những triệu chứng: Cộm mắt, bỏng rát, mắt có nhiều tiết tố, mi mắt sưng nề và đóng vảy khô, chất xuất tiết ban đầu thường có dạng nước loãng sau chuyển sang mủ nhầy, kết mạc cương tụ đỏ rõ nhất ở cùng đồ và nhạt dần khi ra vùng rìa… Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung cho rằng, để điều trị: Trước khi dùng thuốc tra mắt phải rửa mắt thường xuyên bằng nước muối natriclorid 0,9% để loại bỏ tối đa chất xuất tiết và những vi khuẩn trong túi kết mạc. Sau đó mới sử dụng thuốc tra ban ngày và thuốc mỡ ban đêm khoảng 7-10 ngày. Sử dụng chloramphenicol 0,4% tra liên tục 1-2 giờ/lần kết hợp với lau rửa tiết tố đối với trường hợp viêm nhẹ. Ngoài ra, mọi người nên sử dụng thêm một số kháng sinh khác như tobramicin, neomicin, ciprofloxacin, ofloxacin, cobemyxin. Trong trường hợp bệnh diễn biến nặng, chúng ta mới sử dụng đến nhóm quinolol để điều trị.

Viêm kết mạc do adenovirus (chiếm 20-40% số trẻ bị viên kết mạc). Bệnh thường xuất hiện ở một mắt sau nhanh chóng lây sang mắt thứ 2. Bệnh thường do lây lan trực tiếp qua tiếp xúc với tiết tố từ mắt người bệnh hoặc qua đường hô hấp, có thể truyền bệnh do dùng chung khăn mặt hoặc các dụng cụ khám mắt. Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài khoảng 4-10 ngày. Phân loại lâm sàng có thể là viêm kết mạc họng hạch và viêm kết giác mạc dịch.

Viêm kết mạc họng hạch thường do adenovirus type 3 và 7 gây ra với cách triệu chứng như sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau họng, nổi hạch trước tai. Mi mắt sưng, nặng mi, cộm mắt và sưng nề nhanh, tiết tố nước trong nhưng dính, kết mạc rực đỏ nhiều khi xuất hiện phù mọng nhiều hột to xếp thành dây...

Thể viêm kết giác mạc dịch thường do virus type 8 và 19 thường ít kèm theo triệu chứng toàn thân. Biểu hiện lâm sàng tại mắt giống như các bệnh ở trên. Viêm giác mạc thường gặp ở 80% các trường hợp, biểu hiện giác mạc thường nặng với 3 giai đoạn sau: Giai đoạn I: Trong vòng 7 ngày sau khi bệnh khởi phát trên giác mạc xuất hiện những chấm viêm biểu hiện mô trả lan thường khỏi sau 2 tuần; Giai đoạn II: Sau khi bệnh khởi phát một tuần, biểu hiện bới viêm giác mạc đốm tạm thời, có thể mất hoàn toàn sau khi điều trị; Giai đoạn III: Xuất hiện các ổ thậm lậu giác mạc dạng đốm dưới biểu mô, nếu không được điều trị các ổ viêm này sẽ rồn tại hằng tháng hoặc hằng năm sau khi gây giảm thị lực... Cách điều trị thể này sẽ là: Chủ yếu điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, với việc sử dụng kháng sinh tra mắt để phòng bội nhiễm, dùng vitamin để nâng cao thể trạng, các thuốc kháng virus thường không có hiệu quả trong trường hợp này, tra mắt steroid, bệnh tự rút lui trong vòng hai tuần nếu không có biến chứng đặc biệt...

Để phòng bệnh viêm kết giác mạc lây lan, bùng phát thành dịch, mọi người cần tuân thủ một số khuyến cáo: Khi trẻ bị nhiễm bệnh phải cách ly không cho trẻ đến trường, công viên, nơi đông người trong vòng 2 tuần; Nhân viên y tế bị bệnh không nên đến nơi khám mắt cho trẻ ít nhất 2 tuần; Khi khám bệnh nhân nhiễm adenovirus, cán bộ y tế phải rửa tay và sát trùng dụng cụ sau khi khám. Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ, tránh sử dụng chung khăn mặt…

Vân Linh