Sức sống trên đảo Cù lao Ré

07:05 | 15/09/2014

714 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lý Sơn (tục danh: Cù lao Ré) không chỉ nổi tiếng với hai ngư trường lớn, với đặc sản tỏi vang danh cả nước mà nơi đây còn chứa nhiều tầng văn hóa kế tiếp nhau: Sa Huỳnh - Chăm Pa - Đại Việt. Đặc biệt, đến với Lý Sơn, không thể bỏ qua một địa điểm văn hóa lịch sử vô cùng quan trọng và thiêng liêng của Tổ quốc, đó là Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Tôi đến Lý Sơn trong niềm háo hức đợi chờ được đặt chân lên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc. Xúc động biết bao khi thấy Cù lao Ré đang thay đổi từng ngày cùng với nhiệm vụ lịch sử giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc ở Biển Đông.

Năng lượng Mới số 355

Có lần trò chuyện với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về vai trò của các bản đồ cổ trong việc khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Khi nói về “An Nam đại quốc họa đồ” (ANĐQHĐ) (1838) do một thừa sai phương Tây là Taberd vẽ, đã khẳng định “Bãi Cát Vàng” (tức Hoàng Sa) là của Việt Nam cùng “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (ĐNNTTĐ) (1840) - một bản đồ chính thức của triều Minh Mệnh cũng có khẳng định tương tự, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu phân tích: “Về dạng thức bản đồ, Taberd vẽ ANĐQHĐ theo các bản đồ phương Tây cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến. Nhưng khi ghi địa danh, Taberd sử dụng chính xác tài liệu của Việt Nam. Hầu như ông chỉ phiên âm từ Hán Nôm sang Latinh những bản đồ do Quốc sử quán triều Nguyễn cung cấp.

Địa danh của ta thường có hai hình thức: Địa danh hành chính và tục danh. Thí dụ: Biên Hòa là địa danh hành chính có tục danh là Đồng Nai; Gia Định có tục danh là Sài Gòn; đảo Lý Sơn có tục danh là Cù lao Ré… Đặc biệt với quần đảo giữa Biển Đông có địa danh hành chính là Hoàng Sa (chữ Hán), Taberd đã ghi tục danh là Cát Vàng (Nôm) mà người phương Tây gọi là Paracel. Địa danh Cát Vàng là tiếng Việt chỉ có ở Đại Việt xưa và Việt Nam nay, không thể ở đâu khác. Qua đó chứng tỏ rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, không thể xuyên tạc được.

Sức sống trên đảo Cù lao Ré

Ngư dân trên đảo Lý Sơn chuẩn bị ngư cụ ra khơi

Hỏi cư dân trên đảo vì sao có tên Cù lao Ré thì được biết rằng, xưa kia vùng đất này có nhiều cây ré. Cù lao Ré giờ đây có ba xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình; còn ba đảo là đảo lớn, đảo bé và đảo Mù Cu. Khoảng 22 nghìn dân/10km2 được xem là đảo có mật độ dân số cao nhất cả nước. Sắp tới, khi dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm có tổng vốn đầu tư 652 tỉ đồng, trong đó 85% nguồn vốn huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, 15% vốn của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung thì kinh tế Lý Sơn phát triển mạnh hơn và không còn cảnh thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.

˜ Từ cảng Sa Kỳ, TP Quảng Ngãi, tàu cao tốc Sa Kỳ - Lý Sơn đã rút ngắn hải trình ra đảo chỉ còn 1 giờ 15 phút thay cho 4 giờ trước đây. Nhờ thời gian ra đảo nhanh hơn nên nhu cầu đi lại giữa đảo và đất liền ngày càng tăng. Giờ đây mỗi ngày có 2 chuyến đi và về, vào khoảng 7-9 giờ sáng và chiều từ 15-17 giờ. Mỗi chiếc tàu cao tốc có sức chứa 200-300 khách thay cho 1 chuyến chỉ chở 80-90 hành khách như trước đây. Chúng tôi ra đảo vào cuối tháng 8, mới 6 giờ sáng tại cảng Sa Kỳ tấp nập khách. Chợt nhớ những câu thơ trong bài “Buổi sáng Sa Kỳ” của thi sĩ người Quảng Ngãi Nguyễn Kim Ngân: “Buổi sáng xuống Sa Kỳ/ Thu dịu mát/ Hình như trời mới mưa đêm trước/ Ly cà phê uống vội mắt đăm đăm/ Nhìn con tàu và nôn nao Lý Sơn”. Cảng Sa Kỳ đang được mở rộng và nâng cấp với bộn bề gạch ngói, sẽ trở thành cảng có quy mô lớn để chuyên chở lượng khách lớn hằng ngày từ đất liền ra Lý Sơn và ngược lại. Sau 1 giờ 15 phút tàu chạy, ra đến cảng Lý Sơn cũng thế, cảng cũng trong quá trình sửa chữa, nâng cấp và mở rộng. Để thấy tốc độ phát triển kinh tế của huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn đang rất khẩn trương.

Trên hành trình chở đoàn chúng tôi đi tham quan và thực hiện công tác an sinh xã hội trên đảo, anh tài xế bảo: “Đoàn ra đợt này may đó. Mấy hôm rồi trời nắng khủng khiếp, hanh khô, mọi người trên đảo còn không chịu thấu nói chi du khách từ xa đến”. May mắn thật, đảo đón chúng tôi bằng một trận mưa rào, dù không lâu nhưng cũng đủ xua tan cái nóng bức trong những ngày dài của mùa hè.

Đi đến đâu trên huyện đảo với diện tích chừng 10km2 này đều thấy những ruộng tỏi. Vì đất đai ít, hiếm, dân lại đông nên người dân tận dụng mọi khoảnh đất trống để trồng tỏi. “Vương quốc tỏi” được người dân cả nước dành cho Lý Sơn. Nhìn tỏi Lý Sơn cũng không khác tỏi ở đất liền là mấy nhưng kích thướt có lẽ nhỏ hơn, củ tròn trịa, có mùi thơm. Nếm thì thấy có vị cay đặc trưng nhưng dịu ngọt hơn. Điểm đặc biệt là tỏi Lý Sơn có hàm lượng tinh dầu khá cao nên được người dùng ưa chuộng làm gia vị chế biến thực phẩm. Không những thế, tỏi Lý Sơn còn là nguồn dược liệu quý chữa được một số bệnh, nhất là bệnh tiêu hóa và tim mạch. Đêm ở lại đảo duy nhất, chúng tôi trò chuyện với ông chủ nhà nghỉ, bảo rằng tỏi Lý Sơn quý lắm, ông kể cho tôi bí quyết ngâm tỏi với rượu để chữa bệnh. Tỏi bóc vỏ ngoài, để lại lớp vỏ mỏng bên trong, một ký tỏi ngâm với một lít rượu, sau khoảng một tháng có thể dùng được. Rượu tỏi chữa được bệnh đau lưng, nhức mỏi, đầy hơi, đau bụng… Ngoài ra còn có bài thuốc nhờ tỏi trị được bệnh gout và bệnh cao huyết áp. Và tỏi là gia vị không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân trên đảo Lý Sơn.

Sức sống trên đảo Cù lao Ré

Đặc sản tỏi một tép (tỏi cô đơn) Lý Sơn

Hiện nay, trồng hành, tỏi, bắp là hoạt động nông nghiệp chính của cư dân trên đảo. Theo bà Trần Thị Bình (70 tuổi) sinh sống trên đảo nhỏ (xã An Bình) thì mỗi sào tỏi có diện tích khoảng 500m2 thì cần 35 ký tỏi giống, khi thu hoạch được vài trăm ký tỏi. Tỏi được mùa thì có lời nhưng mùa nào tỏi bị sâu bệnh hay thời tiết khắc nghiệt quá, tỏi mất mùa, bà con đành chịu lỗ tiền tỏi giống, tiền phân bón... Nghề nông là vậy, phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết mà thời tiết ở Lý Sơn thì không hề thuận lợi chút nào, mùa nắng thì khô hạn, thiếu nước ngọt còn mùa mưa bão thì tàu thuyền không thể ra khơi, hoặc phải nằm bờ hoặc phải đi xa đánh bắt.

Cũng theo nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn, đặc biệt tỏi cô đơn chỉ có nhiều khi nào thời tiết càng khắc nghiệt. Giờ đây, có dịch vụ du lịch thì hành, tỏi trên đảo Lý Sơn được du khách rất ưa chuộng mua với số lượng nhiều để làm quà ở đất liền. Đặc biệt, tỏi cô đơn (tỏi một tép) có giá cao gấp gần 20 lần so với tỏi nhiều tép. Thời điểm cuối tháng 8-2014, giá tỏi một tép 1 triệu đồng/kg. Nhà thơ Phan Kim Ngân viết về đặc sản tỏi quê mình: “Đất tỏi, trải ba tầng: thảm đỏ/ Giữa trắng và đen/ Củ tỏi thì nhỏ và tròn, trắng như cát/ Nhiều tép xếp ken dày, khít chặt/ Hương thơm nồng như tình người và đất Lý Sơn”. Nghề trồng tỏi đang được chính quyền địa phương đầu tư, để Lý Sơn tiếp tục giữ vững thương hiệu vương quốc tỏi và đây cũng là sinh kế quan trọng của bà con nông dân trên đảo bên cạnh nghề đánh bắt hải sản.

˜ Trao đổi với chúng tôi, Phó bí thư thường trực Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn Nguyễn Tài Luân cho rằng: Kinh tế trên đảo, nông - ngư nghiệp giữ vai trò chủ đạo, trong đó kinh tế biển là mũi nhọn, sau nữa là dịch vụ du lịch. Đồng thời, ông nhấn mạnh, trong một năm trở lại đây, hoạt động du lịch trên đảo phát triển mạnh vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Lý Sơn là vùng biển đảo, nổi danh từ ngàn xưa với tên gọi Cù lao Ré, có khí hậu trong lành, người dân hiền hòa, dễ mến nên du khách muốn đến Lý Sơn để nghỉ ngơi, tham quan, nghỉ dưỡng là chính. Đồng thời, trong những năm gần đây, Đảng - Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến vùng biển đảo, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về chính sách, đầu tư, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế nên đời sống người dân ngày một khấm khá hơn. Thêm nữa, phương tiện di chuyển cũng là một lợi thế để ngành du lịch ở Lý Sơn cất cánh. Thay vì đi ra đảo bằng tàu gỗ, mất 4 giờ thì giờ đây đội tàu cao tốc chạy Sa Kỳ - Lý Sơn và hành trình ngược lại mỗi lần chỉ hơn 1 giờ, mỗi chuyến chở được 300 khách.

Ông cũng phân tích thêm, từ khi có Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn ra đời đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngư dân trên đảo Lý Sơn an tâm bám biển. Hiện trên đảo có khoảng 426 tàu đánh cá. Trong đó, đánh bắt xa bờ có gần 200 tàu có công suất 90CV. Tuy nhiên, nghề khai thác hải sản xa bờ rủi ro rất cao, bất trắc nhiều, nhân tai và thiên tai luôn rình rập. Do đó, từ tập quán đánh bắt riêng lẻ, với nhiều rủi ro, hiểm nguy, nay Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn ra đời đã tạo thành những tổ đánh bắt cá xa bờ giúp bà con khắc phục những hạn chế trước đây. Nhờ có Nghiệp đoàn mà tình cảm giữa các ngư dân gắn bó sâu hơn, ý thức đoàn kết bảo vệ lẫn nhau cao hơn như khi có một tàu gặp nạn hay bị hư hỏng thiết bị thì ngư dân trong Nghiệp đoàn giúp nhau sửa chữa, hỗ trợ xăng dầu, lai dắt tàu về bờ... Đồng thời, Nghiệp đoàn còn là nơi giúp ngư dân trên đảo cùng đoàn kết chống lại những tàu lạ, nhất là tàu Trung Quốc hay xua đuổi, cướp phá đánh đập rất hiểm nguy. Đoàn viên trong Nghiệp đoàn khi đời sống gia đình gặp khó khăn sẽ được kịp thời động viên, hỗ trợ tinh thần và vật chất. Và Nghiệp đoàn còn là nơi phổ biến thông tin pháp luật cho ngư dân, hỗ trợ thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân, đồng thời giúp ngư dân hiểu rõ về Luật Biển. Hiện Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn đã kết nạp hơn 1.000 đoàn viên.

Gặp ngư dân Hùng Thoại với gương mặt rám nắng trong ngày anh đến Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đảo (thôn Tây, xã An Hải) thay mặt ngư dân của nghiệp đoàn nhận quà do Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) trao tặng nhân chuyến hành trình an sinh xã hội trên đảo, tâm sự: “Ngày trước mỗi lần đánh bắt, cá đầy tàu, còn giờ khó khăn lắm, không đánh bắt được nhiều cá vì cứ ra ngư trường Hoàng Sa là bị tàu Trung Quốc quậy phá, đuổi chạy, cực lắm”. Tôi hỏi mình không phản ứng lại sao, anh bảo: Tàu Trung Quốc đông lắm và chúng rất hung dữ, ngạo mạn nhưng anh cũng chia sẻ niềm vui là từ khi có Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời thì đi biển có thuận lợi hơn, an tâm hơn khi đi đánh bắt xa bờ. Những ngư dân cùng với con tàu dạn dày sương gió, dầm mưa dãi nắng hằng ngày, hằng đêm là những cột mốc chủ quyền quan trọng và thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông. Chợt nhớ đến những câu thơ trong bài “Quê hương” của Tế Hanh: “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm/ Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”.

Gặp ngư dân trên đảo rồi thì không thể không đến thăm Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa rộng gần 400m2, trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh quý và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.

Sức sống trên đảo Cù lao Ré

Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa

Toàn bộ hình ảnh, tư liệu trưng bày được chia làm ba nội dung chính: Lý Sơn - Tịnh Kỳ - Quảng Ngãi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa - sự tôn vinh của nhân dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; và nhân dân Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bước vào khuôn viên Nhà trưng bày bảo tàng, hình ảnh đầu tiên khiến bất cứ ai cũng phải chú ý là cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa làm bằng chất liệu đá xanh, sừng sững, uy nghiêm, vĩnh cửu, bất chấp sự khắc nghiệt của nắng mưa bão tố. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, chép rằng từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua nhiều năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu của Bộ Công ngày 12-2-1836 rằng “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng năm tấc, dày một tấc làm cột mốc”. Cụm tượng đài này là hóa thân của các vị chỉ huy nổi tiếng một thời như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện... đã được sử sách lưu danh cùng hàng vạn binh phu trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa.

Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa chính là những người đầu tiên xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII cho đến những năm 50 của thế kỷ XIX và đến nay vẫn còn lưu danh trong sử sách và đọng lại trong trí nhớ dân gian. Với những kỳ tích đó, các vua nhà Nguyễn đã ban sắc truy phong cho những Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và cho những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là những “Hùng binh Hoàng Sa.”.

˜ Trước đây đảo chỉ có hai xã là An Hải và An Vĩnh, cách đây 3 năm xã An Bình được thành lập trên đảo nhỏ, cách đảo lớn khoảng 4 hải lý. Chúng tôi thuê con tàu đi ra đảo nhỏ giữa buổi trưa nắng Lý Sơn rất đẹp, trời thoáng rộng mênh mông, từng đàn cá chuồn lượn lờ trên mặt nước. Cảnh đó ở đất liền bao giờ thấy được. Thế mới biết, càng đi càng thấy quê hương mình đẹp biết bao.

Vừa cầm tay lái vừa trò chuyện trong tiếng kêu vang của động cơ, tài công Võ Minh Thông bảo, hằng ngày đưa người dân và khách du lịch từ đảo lớn ra đảo nhỏ từ một đến hai chuyến, giá vé cho cả đi về là 40.000 đồng/người. Tuy nhiên, theo anh Thông vì tàu có công suất nhỏ nên khi động trời, gió cấp 6 trở lên thì phải nằm bờ chờ khi biển êm, sóng lặng. “Mùa này cũng đỡ, mỗi ngày có khách chạy một, hai chuyến chứ mùa biển động có khi nửa tháng chỉ chạy được một chuyến”. Nói rồi tài công Thông tiếp tục đưa con tàu thẳng tiến đến đảo nhỏ. Đập vào mắt chúng tôi là hòn đảo xinh đẹp, thanh bình như chính tên xã An Bình. Đảo có 116 hộ với 516 người dân, trong đó 80% sống bằng nghề nông, chủ yếu làm nghề trồng hành, tỏi. Bà Trần Thị Quê (78 tuổi), nét mặt hằn bao nếp thời gian vì sự nhọc nhằn vất vả bảo đã về sống ở đảo 55 năm nay từ sau khi cưới chồng. Ngày xưa, từ đảo lớn ra đảo nhỏ không có tàu chỉ đi bằng thuyền thúng mất cả nửa ngày trời. Cư dân trên đảo ngày đó chủ yếu trồng ngô, khoai lang để ăn độn với cơm. Có bệnh tật phải chở về đảo lớn, nếu gặp hôm thời tiết xấu, gió bão không đi được thì phải giã lá thuốc nam uống đỡ. Rất vất vả.

Nữ hộ sinh Phạm Thị Hải Âu công tác trên đảo bảo rằng ở đây có trạm y tế, mỗi người dân đều có chế độ bảo hiểm toàn dân nhưng cũng chủ yếu phát thuốc chữa những bệnh đơn giản như cảm, nhức đầu, sổ mũi còn những bệnh phức tạp hơn như đau ruột thừa thì phải chuyển về đảo lớn chứ trên đảo nhỏ không có đủ phương tiện để chữa trị. Dáng người nhỏ, da nhăn nheo, ốm nhom, chỉ khoảng 35 ký, cụ bà Đặng Lũy (70 tuổi) tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Giờ có chút điện để xài chứ ngày xưa làm gì có. Nhưng điện gió cũng thiếu lắm, chủ yếu dùng cho học sinh học và xem tivi. Mùa nắng còn có ít điện để xài chứ mùa mưa thì rất cực, thiếu điện dữ lắm”.

Chúng tôi đến thăm trường tiểu học trên đảo, lớp học ít, học sinh không đông, thầy cô nhiệt tình, vui vẻ. Hôm vào chỉ có hai lớp đang học buổi chiều, lớp 4 chỉ có 6 em. Thầy Phó hiệu trưởng Nguyễn Hữu Phước cho biết, học sinh ở xã đảo, tuy còn nhiều khó khăn, thử thách vì xã mới thành lập được 3 năm còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng giáo viên, học sinh vẫn quyết bám trường, bám lớp, hạn chế đến mức thấp nhất việc học sinh bỏ học. Trao đổi với chúng tôi, anh Tùng - Chánh Văn phòng UBND xã An Bình cho biết: Hiện trên đảo nhỏ có tổng cộng 37 học sinh, trong đó có 8 trẻ đang học mầm non, còn lại là học sinh tiểu học và 10 giáo viên. Theo chính sách của Nhà nước dành cho học sinh vùng sâu vùng xa, vùng bãi ngang thì các em được miễn phí hoàn toàn học phí và có thêm phụ cấp. Sau khi học hết cấp I, các em về đảo lớn học cấp II và rất ít trường hợp bỏ học giữa chừng. Đó cũng là niềm vui và hạnh phúc của nhà trường, thầy cô và chính quyền địa phương trên xã đảo An Bình khi bao công sức bỏ ra được người dân ghi nhận và ủng hộ.

Đúng là so với đảo lớn thì cư dân trên đảo nhỏ còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh tế cũng hạn hẹp vì cư dân ít có điều kiện để sắm tàu lớn ra khơi, trên đảo lại thường xuyên thiếu nước ngọt và điện. Tuy nhiên, với những chính sách hỗ trợ lớn của Đảng và Nhà nước thì đảo nhỏ cũng đang dần thay da đổi thịt, phát triển nhanh hơn.

Tiếc là hôm ra đảo không đúng dịp có “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” (còn có tên gọi khác: “Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa) để tận mắt chứng kiến. Theo tìm hiểu thì “thế lính, tức là làm các hình nhân thế mạng, thầy pháp cúng để cầu mong sự trở về bình yên cho người lính. Còn tế lính là tế sống người đi biển, vì từ xưa, người dân Lý Sơn đã lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”. Vừa tế sống người đi lính vừa tưởng nhớ những người đã bỏ xác nơi biển khơi mênh mông. Trong lễ khao lề, có bao nhiêu người đi lính thì có bấy nhiêu hình nhân thế mạng và bài vị. Khi cúng tế, người lính đứng cạnh hình nhân thế mạng và bài vị của mình để cầu thần với niềm tin là lời nguyện cầu sẽ thấu suốt đấng linh thiêng. Sau lễ cúng, những con thuyền sẽ được thả xuống biển cùng với những người lính thế. Như vậy, mọi người vững tin là đã có hình nhân thế mạng thì mình sẽ bình an.

Giờ đây, lớp lớp cư dân trên đảo Lý Sơn viết tiếp trang sử vàng. Và trong bao năm qua, những con tàu đánh cá của ngư dân và giờ đây là Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn tiếp tục ra khơi, bám biển, giữ vững vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc ở Biển Đông.

 Thiên Thanh