Tận mắt xem những tư liệu lần đầu công bố về "Đàm phán Paris"

15:43 | 24/01/2013

1,759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 23/1, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Triển lãm “Kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam”.

>> Đường đi đến bàn đàm phán Paris (Bài 1)

>> Đường đi đến bàn đàm phán Paris (Bài 2)

Toàn cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Ngày 27.1.2013, tròn 40 năm diễn ra sự kiện ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam - tiền đề dẫn tới đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Triển lãm gồm 140 bức ảnh, hơn 21 lời trích cùng nhiều hiện vật quý, tài liệu, sách...  đã tái hiện sinh động quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.

Tại triển lãm, công chúng được chiêm ngưỡng nhiều tư liệu, hiện vật quý, tái hiện quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Pa-ri, trong đó có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày như: Bản gốc Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; con dấu và biển tên của đoàn Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam; hai cây bút đã được đoàn Việt Nam sử dụng để ký Hiệp định và Định ước quốc tế công nhận Hiệp định; chiếc xoong nhôm dùng để quấy xi niêm phong bản Hiệp định...

Có những hiện vật rất đặc biệt như cuốn sổ tập hợp hơn 1.000 chữ ký của nhân dân Cu-ba phản đối chiến tranh và ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Triển lãm làm sống lại các hình ảnh và sự kiện của những năm tháng khốc liệt của cuộc đấu tranh phối hợp giữa ba yếu tố chính trị, quân sự và ngoại giao. Nó cũng là minh chứng “sống” rõ ràng nhất cho cuộc đấu tranh cam go trên mặt trận ngoại giao kéo dài 4 năm 8 tháng và 16 ngày, với 202 cuộc họp công khai, 36 cuộc gặp bí mật, 500 cuộc họp báo và hàng nghìn cuộc trả lời phỏng vấn báo để ký được Hiệp định Paris (27.1.1973), buộc Mỹ và các đế quốc, thực dân phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước ta, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi Việt Nam.

Triển lãm nhằm giúp người xem hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris về Việt Nam, về ý chí quật cường, khát vọng hòa bình, độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta và nghệ thuật ngoại giao.

Triển lãm kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam sẽ được trưng bày đến ngày 28/1/2013.

Dưới đây là một số hình ảnh tại triển lãm:

Đài nghe tin của đồng chí Lê Đức Thọ và cặp đựng tài liệu ký Hiệp định Paris.

Hai cây bút, con dấu và một số hiện vật đã được đoàn Việt Nam sử dụng để ký Hiệp định.

Bản trích nội dung Hiệp định Paris được trưng bày tại Triển lãm.

Cuốn sổ tập hợp 10.000 chữ ký của nhân dân Cu Ba phản đối chiến tranh và ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Kiều bào ta ở Pháp chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đến Paris ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Paris, 1973).

Trụ sở của Đoàn đàm phán Việt Nam DCCH tại Paris trong giờ phút lịch sử của dân tộc (tháng 1/1973).

Giữ liên lạc giữa đoàn ở Paris và Hà Nội.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình ký Hiệp Paris 27/1/1973.

Đại diện 4 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ; Cộng hòa Việt Nam) ký Hiệp định Paris (27/1/1973).

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem.

 

Video: Lần đầu công bố bản gốc Hiệp định Paris:

 

 

 

 

 

Nguyễn Hoan