Tết nghèo ở "phố ngân hàng"

07:00 | 05/02/2013

511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họ sống ở ngay trung tâm Q.1 (TP.HCM), tại khu vực toàn những ngân hàng lớn. Sáng chưa tới 5g họ đã lui cui dậy đi làm. Làm riết, làm riết, vậy mà tết cũng y như ngày thường: không bánh, không hoa, không quần áo mới...
Bà Lê Thị Út lau chùi bộ lư hương - tài sản có giá trị nhất của gia đình - để chuẩn bị đón tết - Ảnh: M.Hương

 

Năm nào nhín lắm thì mua được 10kg gạo, 2kg thịt với ít rau. Năm nay nợ nhiều, nhưng chắc cũng ráng kiếm nồi thịt kho cho con cháu ăn dần lấy hương vị tết. Mấy thứ như bánh chưng, thịt luộc thì hổng dám mơ” - bà Nguyễn Thị Nga, 53 tuổi, ở trên gác phía sau căn nhà 63/47 Phó Đức Chính, Q.1, nói.

Những người bán “chạy”

Căn gác vá chằng vá đụp mà bà Nga ở vốn là của mấy người: vợ chồng bà Nga, vợ chồng ông anh ruột, hai đứa con gái, một con trai, hai đứa cháu ngoại và một đứa cháu nội. Mười người ở trong diện tích 12m2. Để có đủ chỗ ngủ, ngay dưới mái nhà phải cơi thêm một cái gác nhỏ nữa. “Chồng tui làm thợ điện tự do, ai kêu gì làm đó. Thằng con trai chạy xe ôm, con gái lớn đi bán vé số, còn mấy đứa nhỏ đi học cả. Trưa tụi nó mới về chỗ quán tui ăn cơm” - bà Nga duỗi thẳng chân, bóp bóp mấy cái cho đỡ mỏi, nói.

“Cái quán” của bà Nga thật ra là cái xe bán trà đá, nước ngọt nhỏ xíu, đậu ngay phía trước công trình xây dựng còn dở dang trên đường Phó Đức Chính. Bà xin người ta cho bán nhờ phía trước. Trưa, bà nấu nồi cơm bằng cái bếp gas di động ở ngay đó rồi cả nhà tụ lại ăn cơm. “Gạo tui mua ngày hai lần, mỗi lần nửa ký, nấu cơm ngày hai bữa. Đồ ăn thì mấy nhà gần đó ăn cái gì không hết, người ta cho. Bữa nào không ai cho thì kho nước mắm, mua hột vịt về luộc là xong bữa. Ăn thì không lo, chỉ lo trả nợ. Mấy tháng trước tui bệnh phải đi mổ, mượn tiền người ta hơn 4 triệu đồng, giờ phải ráng kiếm dư mỗi ngày vài chục ngàn đồng để trả dần” - bà Nga lo lắng.

Nỗi lo của bà Nga không chỉ gói trong khoản nợ do lần trước phải đi bệnh viện, mà còn ở khoản nợ vay quỹ xóa đói giảm nghèo trả hoài chưa hết, cả những nỗi lo đau yếu, bệnh tật, rồi lo cơm lo áo hằng ngày. Mỗi ngày bà Nga đều phải hai lần uống thuốc bệnh tim, thuốc cao huyết áp. Bệnh vậy mà ngày nắng, ngày mưa, ngày tết, bà vẫn đều đặn đẩy xe nước ra đường...

Ở chung căn gác với bà Nga là gia đình một “đồng nghiệp” bán nước “chạy” lề đường gồm tám nhân khẩu. “Ba mẹ em đi bán cà phê bên vỉa hè đường Lê Thị Hồng Gấm” - Trần Đoàn Bảo Trân để cuốn sách tiếng Anh đang xem dở xuống đất, mời khách ngồi, nói. Trân năm nay 19 tuổi, đang học hệ cao đẳng ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, là con gái thứ tư trong gia đình ông Trần Quốc Bảo và bà Đoàn Thị Thu Lan. Ba đứa con đang đi học, một học ĐH, một học CĐ, một học cấp III, cả gia đình mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào xe bán nước vỉa hè.

Bán rong, bán “chạy” gần như là nghề chung của nhiều phụ nữ nghèo ở khu vực này. Gần chục căn nhà nhỏ xíu bên hẻm 30 Calmette, Q.1 cũng vậy. “Con gái tui bán hàng rong, bánh đa... bên trường học. Đi từ gần 6g, hôm nào bán hết sớm thì 8g tối về, hôm nào trễ thì 10g đêm mới về tới” - bà Lê Thị Út, 72 tuổi, sống ở hẻm 30 Calmette hơn 60 năm nay, nói. Căn nhà rộng chưa được 8m2, một mái nhà, hai hộ gia đình chen chúc: bốn người nhà bà Út ở dưới, còn căn gác phía trên là chỗ trú ngụ sáu mẹ con bà cháu của bà Lê Thị Đặng, chị ruột bà Út. Ông Huỳnh Văn Thành - tổ phó tổ dân phố 44, khu phố 3 - giới thiệu: “Nhà này thuộc loại rộng nhất khu này rồi. Mấy căn khác diện tích được chừng 5-6m2 thôi. Ở hẻm này dài vào trong có 8 cái nhà nhưng có đến 13 hộ nghèo sinh sống”.

Ước có... nhà vệ sinh

Bà Đặng, bà Út với bà Hoa là ba bà bạn nghèo, làm chòm xóm với nhau đã được hơn 60 năm nay ở hẻm 30 Calmette này. Bây giờ già, bà thì bệnh, bà thì té gãy xương chẳng đi đâu xa được. Tết đến nơi rồi mà năm nay xem ra còn cực hơn năm ngoái. Mấy đứa cháu lớn thêm một chút, mấy bà già thêm một chút, mấy đứa con bán rong, thợ đụng lại càng vất vả hơn. “Không có áo mới cho hai đứa nhỏ, cũng không sắm cái gì ăn tết đâu. Con Nở bán rong, kiếm còn chưa đủ tiền nuôi một mẹ hai con, tiền đâu mà lo tết”- bà Út thổ lộ.

Với Bảo Trân, có cố lục tìm trong ký ức, ngày tết của gia đình em vốn dĩ rất nhạt nhòa. Tết thì cũng ăn cơm ngoài đường, cũng đẩy xe đi bán. Bán nước lề đường, thu nhập cả ngày được chừng hơn 100.000 đồng mà cả nhà 5-6 miệng ăn, ba người đang đi học trông vào đó. Chẳng dám nghỉ ngày nào. Đang ngồi học bài tự nhiên mắt Bảo Trân bỗng nhòa nước: “Ba mẹ ngày càng yếu, em lo lắm. Ba không còn sức chạy xe ôm, giờ đi phụ mẹ bán hàng mà than nhức đầu hoài. Nói đi khám thì ba sợ tốn tiền. Nếu có một điều ước đầu năm, em chỉ mong cho ba mẹ em đừng đau bệnh”.

Nói chuyện tết, bà Nga đang ngồi buồn bỗng mắt sáng lên, chạy ra nắm tay ông Lê Đình Cây, bí thư chi bộ khu phố 3: “Tết năm ngoái phường cho nhà em 500.000 đồng ăn tết, bác Cây nhớ không? Nhờ có tiền đó mấy đứa có thịt ăn. Em còn mua một chậu phát tài giá 10.000 đồng về chưng nữa đó”. Nhìn ánh mắt khấp khởi của bà Nga, ông Lê Đình Cây báo tin mừng cho bà con trong hẻm: “Năm nay cũng có tiền, có quà. Danh sách lên rồi, tiền cũng đã vận động...”. “Tui ước gì có được cái chòi dưới đất, có đồng hồ nước, có cái nhà vệ sinh cho mấy đứa nhỏ. Mấy đứa không có chỗ tắm đàng hoàng, từ nhỏ tới lớn đi nhà vệ sinh công cộng hoài, tội lắm” - năm nay bà Nga không mơ áo, mơ quần hay nồi thịt kho ngày tết.

Ước có... nhà vệ sinh

Bà Đặng, bà Út với bà Hoa là ba bà bạn nghèo, làm chòm xóm với nhau đã được hơn 60 năm nay ở hẻm 30 Calmette này. Bây giờ già, bà thì bệnh, bà thì té gãy xương chẳng đi đâu xa được. Tết đến nơi rồi mà năm nay xem ra còn cực hơn năm ngoái. Mấy đứa cháu lớn thêm một chút, mấy bà già thêm một chút, mấy đứa con bán rong, thợ đụng lại càng vất vả hơn. "Không có áo mới cho hai đứa nhỏ, cũng không sắm cái gì ăn tết đâu. Con Nở bán rong, kiếm còn chưa đủ tiền nuôi một mẹ hai con, tiền đâu mà lo tết"- bà Út thổ lộ.

Với Bảo Trân, có cố lục tìm trong ký ức, ngày tết của gia đình em vốn dĩ rất nhạt nhòa. Tết thì cũng ăn cơm ngoài đường, cũng đẩy xe đi bán. Bán nước lề đường, thu nhập cả ngày được chừng hơn 100.000 đồng mà cả nhà 5-6 miệng ăn, ba người đang đi học trông vào đó. Chẳng dám nghỉ ngày nào. Đang ngồi học bài tự nhiên mắt Bảo Trân bỗng nhòa nước: "Ba mẹ ngày càng yếu, em lo lắm. Ba không còn sức chạy xe ôm, giờ đi phụ mẹ bán hàng mà than nhức đầu hoài. Nói đi khám thì ba sợ tốn tiền. Nếu có một điều ước đầu năm, em chỉ mong cho ba mẹ em đừng đau bệnh".

Nói chuyện tết, bà Nga đang ngồi buồn bỗng mắt sáng lên, chạy ra nắm tay ông Lê Đình Cây, bí thư chi bộ khu phố 3: "Tết năm ngoái phường cho nhà em 500.000 đồng ăn tết, bác Cây nhớ không? Nhờ có tiền đó mấy đứa có thịt ăn. Em còn mua một chậu phát tài giá 10.000 đồng về chưng nữa đó". Nhìn ánh mắt khấp khởi của bà Nga, ông Lê Đình Cây báo tin mừng cho bà con trong hẻm: "Năm nay cũng có tiền, có quà. Danh sách lên rồi, tiền cũng đã vận động...". "Tui ước gì có được cái chòi dưới đất, có đồng hồ nước, có cái nhà vệ sinh cho mấy đứa nhỏ. Mấy đứa không có chỗ tắm đàng hoàng, từ nhỏ tới lớn đi nhà vệ sinh công cộng hoài, tội lắm" - năm nay bà Nga không mơ áo, mơ quần hay nồi thịt kho ngày tết.

Thăm tết, chúc thọ bốn cụ già 100 tuổi ở Củ Chi

Chiều 3-2, đoàn đại biểu do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM, dẫn đầu đã đến thăm và chúc thọ bốn cụ già 100 tuổi ở hai xã Phước Thạnh và An Nhơn Tây (H.Củ Chi) nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013. Đoàn đã tặng mỗi cụ một khánh mừng thọ, thiệp chúc mừng và một phần quà. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng gửi tặng mỗi cụ một tấm vải lụa để may áo mặc trong dịp mừng thọ.

* Trước đó, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã đến thăm, chúc tết lãnh đạo và công nhân Tập đoàn Pouchen VN tại Q.Bình Tân. Tập đoàn đã gửi tặng Quỹ học bổng Vừ A Dính số tiền 100 triệu đồng để chăm lo đời sống cho các em học sinh là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

M.HOA - B.THỦY


Giúp người nghèo đón xuân

Bà Lê Thu Huyền, phó chủ tịch UBND P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, cho biết hiện P.Nguyễn Thái Bình còn 16 hộ nghèo và 100 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn của TP.HCM. Tuy nhiên, trước tình hình vật giá sinh hoạt đắt đỏ, mức sống ở khu vực trung tâm TP như Q.1 khá cao thì thực tế vẫn còn nhiều hộ gia đình có đời sống chật vật, khó khăn dù thu nhập của họ trên mức hộ nghèo hoặc cận nghèo. Tết năm nay, ngoài mức hỗ trợ chung của TP, của quận là 500.000 đồng/hộ nghèo và 200.000 đồng + phần quà trị giá 100.000 đồng/hộ cận nghèo, phường còn trích thêm ngân sách và huy động các nguồn xã hội hóa khác để chăm lo tết cho người nghèo, gia đình khó khăn, các diện chính sách trong sáu khu phố. Năm nay kinh tế khó khăn chung, số tiền phường vận động được không nhiều nhưng cũng đảm bảo lo tết cho 569 hộ khó khăn với số tiền 129 triệu đồng và 60 phần quà, mỗi phần trị giá 200.000-300.000 đồng.

Theo Tuổi Trẻ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc