Thầy Hải nhân đạo

07:04 | 03/09/2014

1,575 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần nửa cuộc đời ông Trần Duyên Hải “gắn” mình với công việc cưu mang những mảnh đời bất hạnh, trẻ em sống lang thang... Ông đã giúp hàng ngàn người vượt lên số phận, sống có ích.

Năng lượng Mới số 352+353

Bỏ nghề giáo, đi dạy trẻ lang thang

Ẩn sâu trong ngõ Linh Quang, phố Khâm Thiên, Hà Nội, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được Trung tâm Nhân đạo Linh Quang của người cựu giáo chức Trần Duyên Hải. Nơi đây là mái ấm tình thương của những trẻ em khuyết tật, lang thang, không nơi nương tựa, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ở đây mọi người đều gọi ông bằng cái tên đầy yêu thương “Thầy Hải nhân đạo”. Ông Hải vừa là người thầy, vừa là người cha chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy các em biết cách sống, cách làm việc... trở thành người có ích cho xã hội.

Vóc dáng thanh mảnh, lời nói nhẹ nhàng nên ít ai đoán ông Hải năm nay đã ở tuổi 76. Trò chuyện với chúng tôi về cơ duyên hình thành của Trung tâm Nhân đạo Linh Quang đến hôm nay, ông Hải chia sẻ: “Gian nan lắm cháu ạ!”.

Thầy Hải nhân đạo

Ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Linh Quang

Thầy Hải nhớ lại, đầu năm 1983, có lẽ là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của thầy, xin nghỉ việc, từ bỏ công danh vì những mảnh đời bất hạnh. Nghĩ là làm, thầy Hải mở lớp, gọi là mở lớp nhưng ban đầu chủ yếu thầy vận động các em tập trung về một nơi thầy thuê trọ ở phố Tạ Hiện để các em không phải ngủ ở hè phố, gầm cầu. Lâu dần thành lớp học nghề quy củ... Thầy nói: “Ngày ấy chưa có nhiều trung tâm nhân đạo, từ thiện như bây giờ. Tôi phải giấu vợ con, dành dụm ít tiền để mua 3 máy  khâu và thuê một căn phòng nhỏ làm chỗ dạy nghề may cho các em. Không ngờ, các em học nghề rất nhanh”.

Các em thạo nghề, thầy Hải xin cho các em làm việc tại các cửa hàng may ở phố Khâm Thiên và đồng thời nhận may gia công lấy tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Lúc đầu chỉ có 5 em, dần dần số trẻ tìm đến lớp học may của ông tăng lên 12 rồi 20 em.

Thấy nhiều trẻ tàn tật, lêu lổng, lang thang thường xuyên hay lui tới căn phòng của ông với ánh mắt khao khát có một chỗ nương thân, có người thân, bạn bè khuyên nhủ ông nên tránh xa để khỏi gặp phiền phức. Có người còn nói ông hết việc, bị dở hơi. Còn Công an thì lại nghi ông cầm đầu đám trộm cắp, bụi đời nên đã nhiều lần gọi ông lên chất vấn về việc tụ tập trẻ em bụi đời hư hỏng. Khi biết ông trước là giáo viên, họ chỉ nhắc nhở và yêu cầu ông phải giải tán nhóm trẻ em bụi đời.

“Nhìn vào hoàn cảnh như vậy nên ai cũng trách và nghi ngờ tôi. Cuộc sống còn khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền của mình còn chưa lo xong thì nghĩ gì đến việc đi giúp đỡ người khác” - đôi mắt hiền từ thầy Hải nhớ lại.

Ðến năm 1990, ông vận động, thuyết phục vợ mua mảnh đất trong con ngõ Linh Quang (phường Văn Chương) để cưu mang các em, được sự đồng thuận và chia sẻ của vợ, ông Hải đem hết số tiền tiết kiệm, dành dụm lâu nay để mua đất. Vợ chồng ông đã dựng tạm chỗ ở cho các em và làm nơi dạy nghề.

Qua thời gian, những việc làm của ông Hải được xã hội ghi nhận. Tiếng lành đồn xa, năm 2000, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu đến thăm đã rất xúc động và ông đã khóc vì không tin câu chuyện của ông Hải là có thật. Năm 2001, Giáo sư Nguyễn Tài Thu ra quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật Việt Nam. Ông Hải được phân công làm Giám đốc trung tâm kể từ đó đến nay.

“Ngôi nhà tình thương” những phận đời

Với lòng yêu thương, nhiệt huyết với công việc, thầy Trần Duyên Hải đã giúp đỡ, cưu mang hàng ngàn đứa trẻ mồ côi, khuyết tật. Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật, hàng nghìn trẻ em bất hạnh, khuyết tật đã được nuôi dưỡng, dạy nghề và có được việc làm.

Các em khi thạo nghề được giới thiệu việc làm ở nơi khác hoặc làm tại Trung tâm với thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/tháng. Nhiều sản phẩm mà các em làm ra được xuất khẩu. Không những thế, trung tâm còn là nơi thầy Hải cưu mang và giúp đỡ những hoàn cảnh khác như phụ nữ bị bạo hành, người già không nơi nương tựa, người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn, bị gia đình bỏ rơi…

Thầy Hải nhân đạo

Thầy Hải hướng dẫn học trò may

Trung tâm nhân đạo Linh Quang không chỉ là mái ấm tình thương mà nơi đây là sự gắn kết nên những mối duyên vợ chồng. Họ đến từ nhiều nơi với những hoàn cảnh na ná giống nhau rồi nên nghĩa vợ chồng, xây dựng hạnh phúc dưới mái nhà tình thương ấy.

Ðến giờ ông không thể nhớ đã tổ chức đám cưới cho bao nhiêu đôi ở trung tâm này. Em Thơm (Hưng Yên) đến trung tâm từ năm 12 tuổi, hiện giờ đã có gia đình hạnh phúc và tạo dựng cho mình được một tiệm may. Những ngày lễ, tết Trung thu Thơm thường mang quà đến cho các em ở trung tâm.

Thầy Hải vẫn nhớ chuyện về bé Sùng A Lự (10 tuổi, ở xã Mông Ân, Bảo Lâm, Cao Bằng) bị bỏ đói trong 3 ngày: “Tôi đọc được bài báo nói về hoàn cảnh cha con Lự đói khát, sống trong hang nên đã tìm đến tận nơi liên hệ với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng và đưa cha con A Lự về trung tâm nuôi dưỡng. Sau 2 năm, tôi kiếm việc làm cho bố cháu để họ tự lo cho bản thân. Hiện Lự được trung tâm nuôi cho ăn học. Lự đang học lớp 2 Trường tiểu học Văn Chương, năm vừa qua Lự đạt học sinh Giỏi”, thầy Hải vui mừng kể.

Ðến từ hai miền quê khác nhau là Thái Nguyên và Hưng Yên, nhưng chị em Trần Thị Mai và Ðặng Ngọc Phương cùng chung một suy nghĩ: “Chúng em rất biết ơn thầy Hải vì thầy đã tạo cho chúng em một công việc và cuộc sống như bây giờ. Từ lâu, chúng em đã coi đây như gia đình thứ 2 của mình. Ở trung tâm, thầy như một người cha thứ hai của chúng em. Thầy thường xuyên chăm sóc, hỏi thăm tình hình sức khỏe, động viên chúng em”.

Hiện nay, Trung tâm đang cưu mang giúp đỡ gần 100 em, trong đó có 60 em khuyết tật đang học và làm ở các cơ sở của trung tâm như cơ sở làm búp bê nghệ thuật hay cơ sở chuyên may quần áo ấm, váy cưới... các em có việc làm với mức thu nhập 2-4 triệu đồng/tháng. Với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trung tâm nuôi ăn ở toàn bộ.

Các em đến học nghề tại trung tâm dưới sự dìu dắt, dạy dỗ và chỉ bảo tận tâm của thầy Hải và các cán bộ trung tâm, sau khi học nghề, các em có thể tự làm để nuôi sống bản thân và có lương. Anh Trần Văn Kiên, người phụ trách ở trung tâm cho biết: “Chúng tôi dạy các em học may quần áo. Các em ở đây với nhiều dạng khuyết tật khác nhau, điều quan trọng nhất là phải biết được điểm mạnh điểm yếu của từng em để có những bài giảng phù hợp. Khi các em biết nghề chúng tôi sẽ liên hệ với các cơ sở xin việc làm cho các em”.

Hỏi về những trăn trở của thầy Hải hiện giờ, thầy bảo: “Sức khỏe có hạn, không biết mình còn làm được bao lâu. Chỉ hy vọng sau này sẽ có nhiều nhà hảo tâm xây dựng những ngôi nhà dành cho người khuyết tật hoặc hỗ trợ phần nào đó để cuộc sống của họ bớt khó khăn”.

Mong ước của thầy Hải là có người kế nhiệm công việc ông đang làm để tiếp tục làm chỗ dựa cho các em khuyết tật, những em sống lang thang, bụi đời, mở cánh cửa tương lai tươi sáng cho các em.

Nguyễn Hoan

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc