Trợ giá nghìn tỉ nhưng xe buýt không mang lại hiệu quả

11:10 | 01/08/2013

1,694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Không riêng gì TP HCM, đối với vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng, nếu không có trợ giá của Nhà nước thì chỉ có chết” là ý kiến của TS Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM tại hội thảo “Vấn đề trợ giá xe buýt, tồn tại và các giải pháp định hướng”.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố (HIDS) tổ chức ngày 31/7, đã bàn về thực trạng kinh phí trợ giá xe buýt tăng nhưng hiệu quả mang lại không cao; tìm kiếm nguồn thu như thế nào để bổ sung vào tiền trợ giá.

Hiện nay, trên địa bàn TP HCM tổng cộng khoảng 3.000 xe buýt với tỉ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại khoảng 6-7% trong tổng số nhu cầu của người dân thành phố. Tuy nhiên, số tiền trợ giá xe buýt hàng năm là khá lớn và tăng dần trong 5 năm trở lại đây. Nếu như tổng kinh phí trợ giá xe buýt năm 2005 chỉ đạt 500-600 tỉ đồng, đến năm 2012, số tiền trợ giá đã lên đến hơn 1.400 tỉ đồng. Số tiền trợ giá cho xe buýt ngày càng gia tăng, đã tạo áp lực rất lớn cho ngân sách thành phố.

Ý kiến của một số đại biểu là hạn chế các tuyến xe buýt ngắn, tăng cường nhiều tuyến đường dài

Trong thời gian tới, theo dự báo thì tổng số lượng đầu xe buýt sẽ gia tăng lên gần 6.000 chiếc vào năm 2015, cùng với tuyến Metro số 1 dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm 2018, nên tổng kinh phí trợ giá cho vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nói chung từ ngân sách cũng sẽ tăng theo.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND TP HCM, tiền trợ giá thì không hề giảm mà ngày càng tăng cao lên đến 21,24 lần, trong khi số tuyến xe và số đầu xe buýt tăng thấp 1,42 lần (từ 2002-2010).

Ông Lâm còn ví rằng: “Trợ giá xe buýt của TP HCM hiện nay giống như hình ảnh của một đứa trẻ yếu đuối thay vì theo thời gian càng ngày càng lớn, việc bú mẹ giảm dần. Nhưng ngược lại ở đây là càng lúc càng phải cho bú mớm nhiều hơn và đứa trẻ không mạnh khỏe tự lực được mà dần dần bị yếu đi”.

Còn Sở GTVT TP HCM cho biết kinh phí trợ giá hàng năm đều tăng chủ yếu do hai yếu tố là tiền lương nhân công (chiếm 40-60% chi phí) và nhiên liệu (chiếm 20-30% chi phí). Cụ thể, từ năm 2008 đến 2012, mức lương đã tăng 5 lần, từ 620 nghìn/tháng lên 2,35 triệu/tháng, tăng 379%; giá nhiên liệu năm 2013 tăng 213% (giá dầu), 182% (giá xăng) so với giá bán năm 2008. Tóm lại, chi phí xe buýt hoạt động cho 1km vận doanh tăng bình quân 18% mỗi năm và năm 2012 chi phí tăng gần 2 lần so với năm 2008.

Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP HCM phân tích, song song với việc tăng tiền trợ giá, sản lượng hành khách đi lại bình quân hàng ngày của hệ thống cũng đã tăng đáng kể, từ 100 nghìn hành khách/ngày ở thời điểm khởi đầu (năm 2002) đến năm 2010 đạt cột mốc 1 triệu lượt hành khách/ngày. Còn hiện nay lượng hành khách đã vượt 1,1 triệu lượt/ngày.

“Tuy nhiên, khi phân tích kỹ, việc trợ giá cho hệ thống xe buýt TP HCM cũng còn nhiều tồn tại như tỉ lệ của hành khách đi lại không tương ứng với tỉ lệ tăng tiền trợ giá. Đặc biệt là những năm gần đây, số lượng hành khách đã khựng lại khá nhiều, thậm chí năm 2011, số lượng còn thấp hơn so với năm trước. Mức độ trợ giá bình quân của hệ thống đã kéo về được tỉ lệ 50/50 chi phí, chủ yếu là do chi phí tăng cao nên trợ giá thấp chứ không phải do phấn đấu thực sự của ngành”, ông Tính cho biết thêm.

Hiện tại ở TP HCM rất nhiều tuyến xe buýt không mang lại hiểu quả do lượng khách thấp

Nhưng bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Đại học Giao thông Vận tải cơ sở 2 lại có ý kiến là khi xem xét hiệu quả của hoạt động VTHKCC không nên chỉ xem xét hiệu quả tài chính của đơn vị khai thác vận tải, cần xem xét các hiệu quả kinh tế - xã hội do hoạt động vận tải mang lại. Trên hết, hiệu quả này được phản ánh thông qua việc góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đang ngày càng trở nên nhức nhối hiện nay như ùn tắc giao thông, ô nhiễm, tai nạn...

“Trong khi thành phố và các đơn vị có liên quan nỗ lực tìm cách giảm trợ giá xuống bằng nhiều giải pháp khác nhau thì trợ giá vẫn ngày càng tăng lên. Lý do của hiện tượng này là doanh thu từ vé ngày càng chênh lệch so với chi phí khai thác vận tải. Cùng với lạm phát và các vấn đề khác của nền kinh tế, tốc độ tăng chi phí đã vượt xa tốc độ tăng doanh thu” bà Hằng cho biết.

Vậy giải quyết thực trạng trên như thế nào? Bà Hoàng Thị Kim Chi (HIDS) đưa ra giải pháp: tổ chức lại các đơn vị vận tải, giảm bớt đầu mối và phải tiến tới tổ chức quản lý tậm trung; đa dạng các nguồn thu cho hoạt động VTHKCC. Ngoài nguồn thu từ bán vé cần có các nguồn thu khác như quảng cáo trên phương tiện VTKHCC, từ phí giao thông, phí đậu xe trung tâm...; không nên có kế hoạch mở rộng quá nhiều tuyến, cần bỏ bớt các tuyến ít khách, hoạt động không hiệu quả...

Nguyễn Hiển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc