Trồng người cũng "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra"

07:00 | 17/12/2012

925 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Vừa qua, thông tin một ngôi trường Trung cấp nghề tại tỉnh Bạc Liêu được đầu tư 100 tỷ để xây dựng nhưng chỉ dạy có 10 sinh viên khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Việc phân bố ngân sách cho việc xây trường có hợp lý?

Tiền tỷ bỏ hoang

Trường được xây khang trang tại xã Long Thạnh (H. Vĩnh Lợi) trên khuôn viên lên đến 7,2ha, tổng vốn đầu tư hơn 105 tỷ đồng. Mục tiêu đào tạo gồm các ngành kỹ thuật điện, sửa chữa máy lạnh, máy nổ, điều hòa không khí, may thời trang, thiết kế đồ họa...

Năm 2011, trường được Sở LĐ-TB&XH giao chỉ tiêu tuyển 1.000 học viên các ngành. Thế nhưng, mặc cho những thông báo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, trường vẫn không nhận được hồ sơ tuyển sinh. Chỉ có 15 người tham gia lớp thiết kế đồ họa hệ 2 và 3 năm.

Năm 2012, để đối phó với tình trạng èo uột học viên này, Sở chủ trương cho ban giám hiệu “tuyển được bao nhiêu dạy bấy nhiêu”, nhưng gần hết năm chỉ có 10 học viên đăng ký rải rác ở các ngành nên không thể mở lớp. Vì thế, trường đành tư vấn các em gộp lại mở được một lớp thiết kế đồ họa.

Trang thiết bị hiện đại bị bỏ không.

Do thời gian dài không hoạt động, chẳng có học viên để giảng dạy nên nhiều nhà xưởng, trong đó có các phòng lý thuyết và thực hành, lâm tình trạng cửa đóng then cài; trang thiết bị, máy móc phục vụ các lớp thực hành như: điện công nghiệp, may thời trang... xuống cấp, thiết bị “trùm chăn” chưa từng sử dụng nay bị bụi, gián, nhện... phủ đầy, trước khuôn viên nhà xưởng cỏ mọc um tùm. Chỉ có duy nhất một phòng trên tầng 1 được sử dụng để dạy môn thiết kế đồ họa cho... 10 học viên!

Hiện nơi đây có 26 cán bộ, giáo viên duy trì hoạt động trong thời gian mỏi mòn chờ đợi, trường đang mở thêm các lớp tập huấn ngắn hạn ở cơ sở nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời, có cả chục giáo viên ngồi chơi xơi nước chờ tới tháng lãnh lương.

Tình trạng bỏ hoang trường học không chỉ diễn ra đối với trường Trung cấp nghề tại tỉnh Bạc Liêu, còn rất nhiều ngôi trường bỏ tiền tỷ để xây dựng nhưng không được hoàn thiện và đưa vào sử dụng đúng mục đích. Điển hình như trường tiểu học Yên Hà (Quang Bình, Hà Giang); trường THCS Triệu Đông (huyện Triệu Phong, Quảng Trị); trường tiểu học Trần Văn Ơn ấp 10 (huyện Bù Đăng, Bình Phước), trường tiểu học A Dơi (Hướng Hóa - Quảng Trị) …

“Đứng học” … vẫn không bỏ con chữ

Trái ngược hẳn với những ngôi trường tiền tỷ chỉ xây rồi … để đó, không người dạy, không người học; rất nhiều học sinh vùng sâu vùng xa vẫn kiên cường “nuôi” chữ, bất chấp khó khăn, thiếu thốn.

Chắc hẳn không có ai có thể thờ ơ, bàng quan trước hình ảnh ngôi trường vùng cao, vùng sâu vùng xa xập xệ, rách nát và chực xiêu đổ trong cơn bão lũ. Chắc hẳn không ai có thể làm ngơ trước hình ảnh học sinh vượt cả chục km đường rừng, đường núi, lội qua sông suối để tới trường, tới với kiến thức và niềm tin.

Và cũng không ai không xúc động với những thầy giáo, cô giáo trèo đèo lội suối để “cõng” chữ lên non, mang ánh sáng đến những đứa trẻ chỉ biết làm nương, làm rẫy. Những giáo viên, học sinh ấy không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần một ngôi trường vững chắc để yên tâm dạy và học.

Tại nhiều nơi, trường học chỉ là những tấm phên nứa đan vào nhau.

Thế nhưng ước mơ nhỏ bé ấy của những thầy cô giáo và học sinh nghèo vùng cao vẫn chưa trở thành hiện thực, họ vẫn phải dạy và học trong những ngôi trường ọp ẹp, nhà tranh vách đất, bàn ghế lô xô cái cao cái thấp.

Tình trạng ấy càng đau đớn hơn khi ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, trường lớp hiện đại, khang trang với kinh phí hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được xây lên rồi bỏ xó; và để những trường lớp, bàn ghế, trang thiết bị mốc meo, bụi bặm phủ từng ngày.

Nghịch lý xây trường chỗ thừa, chỗ thiếu ấy đã diễn ra từ lâu, nhưng dường như các cơ quan chức năng ở địa phương lại quá thờ ơ, bỏ mặc. Họ chỉ biết lập dự án, lên kế hoạch, xây dựng rầm rộ mà không cần quan tâm tới nhu cầu xã hội và thực tế tại địa phương.

Vẫn biết rằng việc xây dựng, tu bổ cho trường học là điều nên làm và đáng làm, thế nhưng nếu những người làm công tác giáo dục tại địa phương vẫn tiếp tục vô tâm, thờ ơ thì số tiền ngân sách thất thoát sẽ rất lớn. Và đến lúc ấy, tiền thì vẫn mất, trang thiết bị vẫn bỏ hoang mà nhiều học sinh, giáo viên vẫn phải sống trong cảnh học… đứng, học… nhờ. 

 

Nhã Anh