Tương lai trai Việt Nam khó lấy vợ?

13:48 | 23/09/2014

1,430 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời về tình trạng mất cân bằng giới tính như hiện nay thì dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3- 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

Con số mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đưa ra tại cuộc họp báo sáng nay (23/9) về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam khiến nhiều người phải giật mình. Bởi tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của nước ta những năm gần đây tăng vọt. Từ 106 lên 120 bé trai/ 100 bé gái. Nếu vấn đề này không được giải quyết hiệu quả thì chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam sẽ dư thừa 2,3-4,3 triệu nam thanh niên.

Những địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính lại chủ yếu xảy ra ở miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến lo lắng: Nhiều khi chúng tôi phải giật mình khi tiến hành khảo sát một số địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, có những xã tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng, lên đến gần 150 trẻ trai/100 trẻ gái. Sự chênh lệch rõ ràng với con số khủng khiếp như vậy thì hậu quả này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào? Nếu xảy ra tình trạng thiếu nữ, thiếu cô dâu thì sẽ càng nhiều bất lợi. Sẽ có tình trạng buôn bán phụ nữ trái phép, chưa kể chúng ta chưa phải là nước có điều kiện tốt để “nhập khẩu” cô dâu như các nước khác.

Nhận định về tình hình này Thứ trưởng cũng nêu rõ chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị của trẻ gái, khi mà ý nghĩ này đã "ăn sâu bám rễ" trong các quan niệm văn hóa của nhiều người dân. 

Họp báo Công bố chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính ở Việt Nam

Vì vậy, theo Thứ trưởng thì biện pháp can thiệp như chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... có tính khả thi không cao. Cho đến nay, cơ quan chức năng xử lý được rất ít, có 2 trường hợp ở Hưng Yên và Kiên Giang cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính là bị phát hiện.

Vì vậy, điều cơ bản vẫn phải là thay đổi về mặt nhận thức, tư tưởng của người dân. Bằng cách tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành giữa các tổ chức xã hội. Cần có những biện pháp thiết thực như vận động, giải thích cho người dân hiểu để tránh thực trạng còn phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái như hiện tại.

Điều này cũng được ngài Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đồng tình. Phát biểu tại cuộc họp báo, ngài Arthur Erken khẳng định: Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối lo ngại tại một số quốc gia châu Á, nơi có nhiều phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích” chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tình trạng mất cân bằng giới tính đáng báo động nên thách thức còn khá nặng nề.

Theo ngài Arthur Erken thì: “Để giải quyết vấn đề này thì cần phải nhìn nhận trong một bối cảnh rộng lớn của phát triển, kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới. Khi phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới mong đợi, thậm chí có thể làm tốt hơn. Tất nhiên, để giải quyết được vấn đề này thì mình phụ nữ cũng không giải quyết được vấn đề mà cần có sự giúp đỡ của nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác”.

Như vậy, rõ ràng việc ngăn chặn mất cân bằng giới tình đã và đang là vấn đề bức thiết. Nhận rõ tình trạng khẩn cấp cần thay đổi cục diện này, sắp tới đây Bộ Y tế sẽ khởi động chiến dịch truyền thông chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính. Chiến dịch gồm một chuỗi sự kiện như hội thảo, tọa đàm, diễu hành tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh. Với thông điệp: Dù bạn là ai, ở nông thôn hay thành thị, không phân biệt độ tuổi, vùng miền, nghề nghiệp giới tính hãy “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Huyền Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc