UBND Bình Dương “phân biệt đối xử” giữa các doanh nghiệp

14:22 | 24/11/2014

1,838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ kiện của Công ty Đại Nam đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, giới đầu tư ở Bình Dương thì không quá bất ngờ. Sự lùm xùm này dường như chỉ là “giọt nước tràn ly” vì những chính sách phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp của UBND tỉnh Bình Dương lâu nay.

Năng lượng Mới số 374

Nhiều bê bối đất đai

Cách đây 6 năm, ngày 26/11/2008, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận về Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị Bình Dương hình thành và phát triển là cần thiết, đúng đắn, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói riêng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung.

Tính ra đã có 65 nhà đầu tư thứ cấp đang đầu tư vào các khu công nghiệp, 3 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào khu dịch vụ trong khu liên hợp này.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trong quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Dương đã bộc lộ nhiều yếu kém và sai phạm trong công tác quản lý. UBND tỉnh Bình Dương chưa thực hiện đầy đủ các quy định về thu hồi đất, về bồi thường giải tỏa, không thành lập hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, chưa phát huy hết chức năng tham mưu của các sở, ngành chức năng cấp tỉnh.

Khu công nghiệp Becamex IDC được UBDN tỉnh Bình Dương “ưu ái” cho phân lô bán nền

Trong quá trình thực hiện việc giao đất, UBND tỉnh Bình Dương thực hiện chưa đúng với trình tự thủ tục và căn cứ giao đất theo Nghị định của Chính phủ, giao đất cho Công ty TNHH Phú Gia và Công ty CP An Hòa mà chưa thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động kinh doanh dẫn đến việc không đủ năng lực tài chính để triển khai thực hiện phải chuyển nhượng dự án, thu lợi hàng chục tỉ đồng, gây dư luận xấu trong xã hội.

UBND tỉnh Bình Dương và các ban, ngành có liên quan cho phép chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp cho thuê lại đất khi chưa đủ điều kiện cho thuê, nhất là chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung là vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2003.

Kết luận nêu rõ, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên Môi trường và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương.

UBND tỉnh Bình Dương giao đất dịch vụ cho các nhà đầu tư mà không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định cho phép chuyển đổi chủ đầu tư Ban Quản lý dự án Khu liên hợp trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương cho Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) trước khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý là chưa đúng trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.

UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ban, ngành liên quan chưa thực hiện nghiêm chỉnh quy chế quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định. Chỉ định thầu thi công khi chưa có hồ sơ thiết kế dự toán được duyệt, dẫn đến việc Ban Quản lý Khu liên hợp nghiệm thu, tạm ứng cho đơn vị thi công các công trình tạo lực chưa đúng với định mức, đơn giá và chưa đúng chế độ của Nhà nước. Thiếu kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các hợp đồng đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư các công trình tạo lực ký giữa Ban Quản lý Khu liên hợp với các nhà đầu tư dẫn đến việc Ban Quản lý Khu liên hợp hạch toán thiếu nợ phải thu, không tiến hành đối chiếu các khoản nợ phải thu lên đến hơn 49 tỉ đồng (Công ty CP An Hòa và Công ty TNHH Phú Gia). Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Bình Dương, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương và Ban Quản lý Khu liên hợp.

Việc tính tiền sử dụng đất đối với các nhà đầu tư trong Khu liên hợp của cơ quan thuế chưa chính xác, không áp đúng đơn giá đất theo bảng giá đất hằng năm do UBND tỉnh đã ban hành là trái với Nghị định của Chính phủ.

 Thanh tra đã xác định phải truy thu số tiền 4,9 tỉ đồng tiền sử dụng đất mà cơ quan thuế còn thu thiếu của Công ty CP Truyền thông Trí Việt do áp dụng sai đơn giá đất.

Nhất bên trọng nhất bên khinh

Căn cứ vào các quyết định và công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dự án Khu liên hợp, khẩn trương xây dựng quy chế quản lý dự án, chế độ quản lý sử dụng đất, thông qua Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Thủ tướng xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện, quản lý dự án, nhất là đối với phần diện tích dự án do Becamex IDC đang tiến hành đầu tư.

UBND tỉnh phải tổ chức thực hiện việc kiểm soát chi đối với các khoản của Ban Quản lý Khu liên hợp trong giai đoạn bàn giao cho Becamex IDC làm chủ đầu tư.

Những tưởng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thì UBND tỉnh Bình Dương phải khắc phục những sai phạm trong quá trình quản lý trên đại bàn. Nhưng không, UBND tỉnh Bình Dương “đặc cách” cho phép UBND TP Thủ Dầu Một giải quyết cấp phép xây dựng tạm, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên hiện trạng sử dụng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 8/10/2013, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Thông báo số 241/TB-UBND cho phép Tổng Công ty Becamex IDC được tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các khu dân cư, khu tái định cư do tổng công ty làm chủ đầu tư từ năm 2008 trở về trước. Văn bản này ban hành đã gây nhiều bức xúc cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và có tính “phân biệt đối xử” của UBND tỉnh Bình Dương.

Dự án khu dân cư do Becamex IDC làm chủ đầu tư chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng vẫn được UBND tỉnh “xé rào” để triển khai thực hiện.

UBND tỉnh ưu ái cho Becamex không phải bổ sung Bản sao quyết định chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ, “mở đường” cho Becamex IDC chuyển nhượng hàng loạt đất dự án và cấp phép xây dựng trên khu đất tái định cư Phú Chánh rộng 125,7ha.

UBND tỉnh Bình Dương cũng “đặc cách” cho phép UBND TP Thủ Dầu Một giải quyết cấp phép xây dựng tạm, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên hiện trạng sử dụng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trên thực tế, ông Huỳnh Uy Dũng là “đại diện” cho 5 doanh nghiệp khác còn lại dám nói lên tiếng về cách hành xử “bất bình đẳng” của lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Tháng 10/2009, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND tỉnh Bình Dương về việc 6 doanh nghiệp, gồm: Đại Nam (71,3ha), Đồng An 2 (6ha), Kim Huy (16,7ha), Việt Nam - Singapore (13,7ha) và Phú Gia (8,9ha) cần được đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

Các Khu liên hợp này đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương, cho phép dành một số diện tích đất để xây dựng khu hành chính, dịch vụ, thương mại, nhà ở chuyên gia, nhà công nhân và khu ở.

Theo Quyết định số 522/QĐ-BXD ngày 27/3/2006 của Bộ Xây dựng ban hành về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng “Thành phố mới” Bình Dương thì chủ trương của lãnh đạo tỉnh UBND tỉnh Bình Dương là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng từ khi ông Lê Thanh Cung về giữ chức Phó chủ tịch rồi làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã “bác bỏ” hoàn toàn và chỉ dành sự ưu ái đặc biệt cho Becamex IDC.

Ngày 21/10/2009, ông Lê Thanh Cung ban hành Văn bản số 3184/UBND chỉ đạo: “Trong quá trình lập và chờ cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với khu chức năng (hành chính - dịch vụ, kho bãi và khu ở), không cho phép chuyển nhượng khu đất ở trong khu công nghiệp dưới bất kỳ hình thức nào”.

“Tức nước vỡ bờ”, ông Huỳnh Uy Dũng mới bắt đầu lên tiếng giành lại sự công bằng cho các doanh nghiệp bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với lá đơn tố cáo đích danh ông Lê Thanh Cung lên Thủ tướng Chính phủ.

Hưng Long