Vấn nạn ăn cắp điện

06:40 | 27/11/2012

4,372 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trộm cắp điện đang ngày một phổ biến với những hình thức hết sức tinh vi, gây thất thoát điện năng, tài sản của Nhà nước, làm tăng nguy cơ mất an toàn trong cung ứng và sử dụng điện và có thể nguy hiểm đến tính mạng người dân. Trong khi đó việc phát hiện và xử lý đang vấp phải nhiều vướng mắc.

Thất thoát tiền tấn

Thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp điện ở nhiều nơi diễn ra ở mức báo động và có chiều hướng gia tăng. Gần đây nhất là hai vụ được phát hiện trong tháng 9, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (EVN Hải Phòng) trong khi kiểm tra sử dụng điện tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ điện năng Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, huyện An Dương đã phát hiện trộm cắp điện xảy ra tại hai trạm biến áp: Dụ Nghĩa 1 và Dụ Nghĩa 2. Kẻ gian đã phá chì niêm phong công tơ điện tử để tác động vào bên trong làm sai lệch đo đếm, sau đó kẹp chì lại bằng chì giả.

Kết quả giám định của Viện Đo lường Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho thấy, chỉ số sai số tại công tơ của hợp tác xã này là 87,5%, tức sản lượng điện mất trung bình khoảng 87,5%. Tổng sản lượng điện thất thoát do hành vi cắp điện là 161.590kWh, tương ứng gần 260 triệu đồng.

Cũng tại xã Lê Thiện, huyện An Dương, qua kiểm tra, EVN Hải Phòng đã bắt quả tang Hợp tác xã Dịch vụ Lê Thiện tháo chì niêm phong, thay bánh răng bên trong công tơ cơ khí để trộm cắp điện. Hành động này đã được lập biên bản xử phạt vi phạm vì giá trị tiền điện bị ăn cắp khoảng 170 triệu đồng.

Cũng tại Hải Phòng, EVN Hải Phòng đã kiểm tra phát hiện Nhà máy Sản xuất sắt xốp thuộc Công ty TNHH Nhật Phát, Khu Công nghiệp Cầu Vàng 2, huyện An Lão có hành vi thay chì niêm phong, tác động các công tơ điện tử đo đếm phía cao thế làm sai lệch đo đếm để trộm điện. Sau khi ký biên bản thừa nhận hành vi trộm điện, đơn vị này đã tạm thời bồi thường cho bên bán điện 151 triệu đồng để được đóng điện tiếp tục sản xuất. Ông Trần Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc EVN Hải Phòng cho biết, đây là hành vi trộm điện lớn, tinh vi và phức tạp nhất từ trước đến nay vì công tơ này là loại công tơ điện tử công nghệ cao và lại đo đếm phía cao thế 35kV.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong thời gian qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đã phối hợp với Ban Chuyên án Công an tỉnh Hải Dương phát hiện và đưa ra truy tố trước pháp luật vụ trộm cắp điện tại các huyện Tứ kỳ, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện và Chí Linh. Tòa án Nhân dân huyện Tứ Kỳ và Bình Giang đã đưa ra xét xử 22 đối tượng trộm cắp điện; trong đó có 10 đối tượng bị xử phạt tù giam từ 42 tháng trở xuống còn lại 12 đối tượng bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã kiểm tra và phát hiện 2.355 vụ trộm cắp điện, xử lý bồi thường trên 4 triệu kWh, tương đương với hơn 9 tỉ đồng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, 8 tháng năm 2012, ngành điện đã lập 1.341 biên bản kiểm tra sử dụng điện, xử lý 1.319 biên bản và truy thu 947 trường hợp khách hàng gian lận sử dụng điện. Tổng lượng điện năng bị gian lận là 7,53 triệu kW, tương đương số tiền gần 15,5 tỉ đồng. Trong năm 2010, TP HCM cũng phát hiện và truy thu 2.653 trường hợp, tương ứng điện năng bồi thường 15,84 triệu kW và số tiền 31,3 tỉ đồng.

Thủ đoạn tinh vi

Các hình thức trộm cắp điện như câu móc điện trực tiếp vào đường dây điện hạ áp, phá khóa, phá chì hoặc làm giả chì niêm phong của cơ quan kiểm định đo lường chất lượng, thậm chí còn tác động trực tiếp làm công tơ chạy chậm tại các khu vực lưới điện nông thôn vẫn còn hình thức bán điện qua “cai thầu” điện.

Rất nhiều trường hợp sử dụng rờ-mốt để ăn cắp điện từ xa, khi bị kiểm tra là lập tức ngắt nguồn, hoặc giấu thiết bị ăn cắp điện trong tủ, dưới giường, chôn dưới đất, đặt trên mái nhà... Thậm chí, thời gian qua, còn có nhiều trường hợp thiết bị ăn cắp điện được đặt âm trong tường nhà, nghĩa là người dân đã tính tới việc ăn cắp điện từ trước khi xây nhà. Lưới điện tại một số khu vực chưa hoàn chỉnh (nhánh dây kéo ngang gần ban công nhà, nhánh dây mắc điện có mối nối...) cũng tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng để câu móc sử dụng. Ngoài ra, có một số hình thức lấy cắp điện khác như dùng nam châm có từ trường lớn để làm đứng điện kế, phá chì niêm phong để tác động vào cơ cấu đo đếm bên trong vỏ của điện kế, khoan lỗ vỏ để chặn đĩa của điện kế…

Chưa kể đến, hiện nay trên thị trường bày bán nhiều loại thiết bị được cho là “tiết kiệm điện” nhưng thực chất là để hỗ trợ việc lấy cắp điện, trong đó phổ biến nhất là máy tạo dòng. Về hình dạng, máy tạo dòng giống như máy ổn áp, biến áp gia dụng, có nguyên lý hoạt động là tạo ra dòng điện ngược pha với nguồn điện sản sinh ra nó, từ đó có tác động làm quay ngược hoặc đứng điện kế.

Khó xử lý

Theo đánh giá của EVN NPC, mặc dù các chi nhánh điện lực có nhiều cố gắng trong việc kiểm tra sử dụng điện tại khách hàng nhưng hiện tượng vi phạm sử dụng điện vẫn gia tăng và tập trung chủ yếu ở khu vực mới tiếp nhận với hình thức vi phạm phổ biến là câu móc điện trực tiếp trên lưới. Trong khi việc xử lý những trường hợp trộm cắp điện vẫn còn hạn chế thì đối với trường hợp trộm cắp điện có sản lượng lớn, từ 3.000kWh trở lên, rất ít đơn vị chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng hình sự để truy tố theo pháp luật.

Để hạn chế tình trạng trộm cắp điện, EVN NPC chú trọng kiểm tra hệ thống đo đếm giao nhận điện giữa các đơn vị, nhất là nhóm đối tượng khách hàng có nguy cơ trộm cắp điện cao như: khách hàng sản xuất tư nhân, khách hàng mà chi phí điện năng chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, những khu vực có tổn thất cao, tổn thất biến động bất thường... và khu vực nông thôn mới tiếp nhận, để kịp thời phát hiện các sai lệch, hư hỏng về hệ thống đo đếm và các vi phạm sử dụng điện.

Ông Trần Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng cho biết, một số quy định hiện hành gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp ăn cắp điện. Chẳng hạn, nhân viên điện lực không có thẩm quyền khám xét nhà khách hàng nên rất khó khăn trong việc bắt quả tang hành vi gian lận. Trong quá trình tác nghiệp, nhân viên điện lực thường xuyên bị khách hàng vi phạm làm khó dễ, thậm chí đã có trường hợp bị khách hàng hành hung.

“Theo quy định, mọi hành vi gian lận đều phải được bắt quả tang. Các trường hợp khách hàng cắt niêm chì, đục lỗ điện kế để gian lận điện nếu không bắt tận tay thì cũng chỉ có thể xử phạt khách hàng về việc không bảo quản tốt điện kế”, ông Quỳnh chia sẻ.

Một bất cập khác là, theo quy định, những trường hợp trộm cắp điện với số lượng trên 500kW, ngành điện sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thời gian qua, tất cả các trường hợp này đều được trả về với lý do không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp ăn cắp điện với giá trị từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng vẫn chưa được xử lý đúng mức.

Để nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra trong sử dụng điện, từ nay đến cuối năm, EVN NPC đang xây dựng và ban hành Quy trình kiểm tra giám sát mua bán điện áp dụng thống nhất trong toàn Tổng Công ty; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng kìm kẹp chì, niêm chì tại các công ty điện lực theo quy định; đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát trình tự thay thế công tơ định kỳ, cháy kẹt nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm trong quá trình thực hiện và ngăn ngừa những hành vi tiêu cực xảy ra.

Thái Bình

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc