Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí: Công khai và trắng trợn

08:20 | 11/10/2012

3,130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một kẻ móc túi, bẻ khóa xe máy bị bắt quả tang rất có thể sẽ phải ra tòa nếu giá trị tài sản tới ngưỡng pháp lý. Thế nhưng, tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực văn nghệ và cả trong báo chí một cách công khai mà không bị trừng phạt. Vấn đề bản quyền báo chí (nhất là báo điện tử) hiện nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Thời gian vừa qua, cả dân làm truyền thông lẫn độc giả liên tiếp được chứng kiến những pha “lột, gỡ - gỡ, lột” của hàng loạt các trang báo mạng lớn nhỏ liên quan đến những vụ đưa tin bịa đặt như vụ “Bố chồng tòm tem con dâu, cả hai dính nhau” rồi cả vụ thời sự đình đám “bầu” Kiên bị bắt… Đây không chỉ là minh chứng cho thói quen làm báo cẩu thả, vô trách nhiệm của một số “lều báo” mà còn cho thấy tình trạng cóp nhặt, sao chép, ăn cắp bài vở trên những trang báo mạng đã đến mức báo động và không thể chấp nhận được.

Baomoi.com là một trong những trang thông tin tổng hợp tự động cập nhật tin bài từ các báo khác

Theo quy định tại Nghị định 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ, hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí có thể bị xử phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 170a, Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan.

Ngay cả những trang báo mạng lớn cũng mắc phải sai phạm này, chứ đừng nói gì đến các chuyên trang thông tin, tổng hợp khác. Họ ngang nhiên đến trắng trợn lấy bài vở từ các tờ báo khác, để cắt, ghép, thay tít bài… biến một sản phẩm báo chí thành cái thể loại "không thể định hình". Sau đó, đẩy lên chính trang báo của mình để câu người xem. Tất nhiên hành động này không hề được xin phép, hỏi ý kiến tác giả bài báo hay tòa soạn nơi đầu tiên thông tin được đăng tải hoặc ghi rõ nguồn tin.

Thậm chí, một số tổ chức, cá nhân còn lập ra những trang thông tin điện tử, cập nhật liên tục và tự động các tin, bài của các tờ báo khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho độc giả vô cùng bức xúc. Bởi mở trang báo mạng nào ra cũng thấy hàng loạt các bài viết na ná nhau, cùng đưa tin về một sự kiện, chỉ có điều mỗi báo lại giật tít một kiểu, lại biến cải đi một kiểu, điểm tô thêm râu ria khiến cho dư luận hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là đúng, đâu là sai, từ đó mất dần niềm tin vào báo chí.

Sự vi phạm bản quyền trắng trợn trên đang dẫn đến cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các tờ báo để thu hút độc giả và việc lấy quảng cáo. Tờ báo làm chủ thông tin phải chi phí rất nhiều: từ tiền công tác phí, tiền nhuận bút, biên tập… để có được một bài báo hoặc một thông tin có giá trị. Tuy nhiên, các tờ báo điện tử khác chỉ việc copy về trang của mình. Đây cũng sẽ là điều bất lợi cho những tờ báo giấy chưa có trang điện tử hoặc có nhưng chưa được nhiều người biết đến. Lại thêm sự xuất hiện của hàng loạt trang tin tổng hợp tự động cập nhật từng giờ tất cả các tin bài gốc của các trang báo chính thống. Dù được đăng lại nguyên văn trên các trang tổng hợp, nhưng khi độc giả click vào xem thì lượng truy cập chỉ được tính cho các trang tổng hợp chứ không phải cho trang báo sản xuất tin tức ban đầu. Điều này ảnh hưởng lớn đến doanh thu quảng cáo và lượt truy cập của các trang báo gốc. Cho đến nay, vẫn rất hiếm tòa soạn báo giấy hay một trang báo điện tử nào đứng ra đòi bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm báo chí của mình. Phải chăng vấn đề bản quyền báo chí đã trở thành vấn đề… không cần nhắc tới ở thị trường báo chí Việt Nam!???

 

Bản quyền báo chí đang bị vi phạm nghiêm trọng, nhất là ở báo mạng

Về phía tác giả các bài báo, đa phần họ coi bài viết của mình bị các trang báo khác lấy lại là chuyện bình thường. Thậm chí, nhiều tác giả còn cảm thấy vui vì bài của mình được nhiều trang khác sử dụng. Bởi điều đó chứng tỏ rằng, bài báo của họ hay, chứa đựng giá trị thông tin lớn, nên mới được nhiều trang, tờ báo khác sử dụng. Họ hoàn toàn không quan tâm và không bao giờ cảm thấy khó chịu khi những bài viết tâm huyết của mình bị “xài chùa”. Pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định: Các tác phẩm đã công bố, khi được sử dụng lại thì tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm vẫn được nhận nhuận bút. Tuy nhiên, hầu như chưa có tác giả nào lên tiếng đòi trả nhuận bút cho những tác phẩm báo chí của mình được các tờ báo điện tử tự do lấy lại. Sự thờ ơ của tác giả với việc vi phạm bản quyền của các tờ báo khiến việc vi phạm ngày càng phổ biến và trở thành một chuyện đương nhiên của báo điện tử.

Điều đáng nói là đa số độc giả không quan tâm đến vấn đề quyền tác giả báo chí. Trang nào có nguồn thông tin phong phú, đáp ứng tốt nhất nhu cầu và sở thích của họ thì họ sẽ truy cập vào trang đó. Điều này dẫn đến một nghịch lý là các trang báo điện tử càng lấy tin tức của nhiều trang báo khác thì lượng độc giả càng đông. Đây sẽ là một con dao hai lưỡi đối với các toà soạn. Bởi khi độc giả có ý thức về bản quyền, họ sẽ ủng hộ những tờ báo tôn trọng bản quyền.

Có lẽ, ai cũng mong muốn xây dựng một nền báo chí lành mạnh, chuyên nghiệp, phản ánh được mọi mặt của đời sống. Để thực hiện mong muốn đó, việc làm cần thiết nhất lúc này là phải xây dựng ý thức tôn trọng bản quyền tác giả của các tòa soạn, các tác giả và đặc biệt là của độc giả. Hiện Bộ Thông tin & Truyền thông đã có văn bản yêu cầu, các tờ báo khi lấy lại thông tin của nhau phải có thỏa thuận bằng văn bản. Một số ý kiến cũng đề xuất việc các trang tin tổng hợp từ nay sẽ chỉ được đăng đoạn trích tóm tắt nội dung của tin bài, khi độc giả muốn đọc kỹ hơn bài báo sẽ được dẫn link đến bài báo gốc, trên báo điện tử gốc. Việc này sẽ giúp đảm bảo lượng truy cập được ghi nhận cho đơn vị sản xuất tin bài đầu tiên. Tuy nhiên, văn bản quy định vẫn chỉ là văn bản trên giấy bởi sự thiếu ý thức tôn trọng bản quyền tác giả của một số người làm báo. Thiết nghĩ, cũng cần phải có những chế tài xử phạt mạnh tay các đối tượng vi phạm. Chỉ khi các quy định, biện pháp, chế tài được thực hiện đồng bộ, quyết liệt mới mong có được một môi trường báo chí lành mạnh, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Ông Vũ Ngọc Hoan - Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bộ VH-TT&DL: Các cơ quan báo chí, ngoài việc gương mẫu thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với các chủ thể quyền tác giả, chủ thể quyền liên quan khi khai thác sử dụng tin, bài, chương trình phát sóng, cũng cần phải có ý thức tự bảo vệ mình. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về báo chí và bản quyền tác phẩm, mỗi cơ quan báo chí và nhà báo cần lên tiếng và hành động hiệu quả trước mỗi hành vi vi phạm bản quyền, vì chính giá trị đích thực của tác phẩm báo chí, cũng như vì sự phát triển lành mạnh, công bằng của nền báo chí nói chung.


Khánh Dương

(Năng lượng Mới số 162, ra thứ Ba ngày 9/10/2012)