Vì sao không kỷ luật 31 trường lạm thu học phí?

10:40 | 06/12/2012

735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chiều 5/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nói đến tình trạng lạm thu, nhiều đại biểu đề nghị UBND báo cáo kết luận thanh kiểm tra danh sách các trường và cá nhân vi phạm và đưa ra câu hỏi: “Năm 2012 có 34 trường lạm thu học phí, tại sao chưa có hiệu trưởng nào bị kỷ luật về vấn đề này?”.

Cuối phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời về nhóm vấn đề thứ 4: Giáo dục - Đào tạo. Các đại biểu và cử tri tập trung nêu câu hỏi về tình trạng “lạm thu” trong các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn Hà Nội đang diễn ra phổ biến, dưới nhiều hình thức và đã kéo dài trong nhiều năm. Các cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra nhưng tình trạng này không những không giảm mà còn biến tướng sang hình thức khác, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, thực hiện công tác kế hoạch năm, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc tại 10 trường tiểu học, Ban Văn hóa - xã hội HĐND đã làm việc với 30 cơ sở đào tạo và khảo sát sâu tại 10 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT về việc thu chi và các khoản thu khác. UBND chỉ đạo  Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội  tổ chức 5 đoàn kiểm tra tại 89 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên 24 quận huyện thị xã.

Kết luận kiểm tra, thanh tra của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định công tác chỉ đạo của UBND TP kịp thời, quyết liệt, theo đúng hướng dẫn của Bộ. Công tác triển khai của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện thị xã, các phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ và của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số hạn chế, sai sót về quy trình và thủ tục khi thu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc.
 

Theo kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND, hầu hết các trường đã tổ chức thu ngay sau khi triển khai nhiệm vụ đầu năm học với 6 khoản thu theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đa số các trường thu ở mức tối đa của mức trần, một số trường thu dưới mức trần quy định. Các khoản thu này đều được công khai, có văn bản thỏa thuận với cha mẹ học sinh, có sự thống nhất với ban giám hiệu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó tồn tại một số hạn chế: một số trường thu theo các khoản không có trong quy định như hỗ trợ tiểu học, thu 10.000 đồng/học sinh/năm (Trường Tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy); tiền học phẩm đối với trường Tiểu học 50.000 đ/học sinh/năm; tiền ghế chào cờ 40.000 đ/học sinh/năm của trường THPT Ngô Quyền (Sơn Tây); tiền photo đề thi, tiền giấy thi của trường THCS Giáp Bát (Hoàng Mai), trường THCS Sơn Tây (Tây Sơn). Hầu hết các trường thu một số khoản chưa rõ ràng, có biểu hiện trùng lặp, ví dụ như thu tiền học môn tự chọn, tin học đối với bậc THCS và THPT mà theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo khoản này đã được ngân sách bảo đảm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng: “Tình trạng lạm thu các khoản thu khác ngoài học phí không giảm, nguyên nhân phải kể đến do Ban giám hiệu nhà trường không thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi xảy ra lạm thu, chỉ có duy  nhất quận Thanh Xuân trả lại tiền cho phụ huynh, các trường khác không có động thái nào. Tại sao chưa có hiệu trưởng bị kỷ luật khi họ thực hiện lạm thu?”.

Về thắc mắc của đại biểu Thạch, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay: Kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo có ghi rõ, một số trường thu đã một số khoản ngoài quy định. Theo đó, có 31 trường trên địa bàn Hà Nội thực hiện thu học phí bị thanh tra kết luận có lạm thu trong năm 2012. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo ngành giáo dục và các trường hoàn trả lại tiền cho phụ huynh”.

Qua kiểm tra về tình trạng lạm thu, Đoàn thanh tra chủ yếu phát hiện vi phạm xảy ra ở các trường mần non, tiểu học, trung học cơ sở. Về việc kỷ luật các trường lạm thu, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: “Việc xử lý thuộc thẩm quyền của UBND các quận huyện. Chúng ta phải phát huy triệt để vai trò quản lý của cấp cơ sở. Có những nơi làm rất tốt, khi xảy ra vi phạm đã trả lại tiền ngay. Nhưng nhiều nơi dù đã có văn bản yêu cầu nhưng họ còn không thực hiện. Thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm học thêm thuộc UBND các quận huyện. Vì thế từng quận huyện phải thực hiện giám sát, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, nếu đúng trách nhiệm thuộc hiệu trưởng, quận huyện cần xem xét, xử lý theo đúng quy định”.

“Khi triển khai đã yêu cầu các đơn vị thực hiện theo quy trình các khoản thu. Qua đó các trường phải lên kế hoạch và xin ý kiến trước khi thực hiện thu học phí. Sau khi thu phải công khai quyết toán. Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu văn bản để thực hiện cho tốt, đồng thời phản ánh chính xác, kịp thời những sai phạm để các cấp có thẩm quyền xử lý” – bà Bích Ngọc nói.

Đối với đề án dạy ngoại ngữ, nhiều đại biểu phản ánh chất lượng giáo viên vừa thiếu vừa yếu. Lý do gì cho phép dạy Tiếng Anh hai buổi trong một tuần ở cấp 1 và cấp 2. Đại biểu Đỗ Trung Hai cho rằng: “Có bao nhiêu cơ sở đủ điều kiện dạy và học ngoại ngữ? Kinh phí các trường công lập sẽ thực hiện như thế nào trong điều kiện dạy hai buổi tiếng anh mỗi tuần?”.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thùy - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP phản ánh thực trạng chương trình dạy thêm không thống nhất, có trường còn đưa người nước ngoài vào dạy. Đặc biệt nhiều trường đang áp dụng mức thu học phí rất cao, chỉ học có 2 buổi mỗi tuần nhưng có nơi thu tới 600 nghìn đồng mỗi tháng. Bà Thùy nêu, những nơi chưa đủ cơ sở vật chất sẽ huy động ngân sách nhà nước hay phụ huynh phải đóng góp?

Trước những câu hỏi của các đại biểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: “Với đề án dạy ngoại ngữ, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến 2020, 100% số học sinh phổ thông phải tự tin khi giao lưu bằng ngoại ngữ. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội phải đi đầu trong lĩnh vực này. Bộ Giáo dục và Đào tạo khi về làm đã đánh giá rất cao đề án của Hà Nội".

Thiên Minh