Vì sao người ta lại "hăng hái" trùng tu di sản?

11:19 | 12/09/2012

2,769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Họ hô nhau “đánh sập” ngôi chùa cổ, vứt chỏng chơ những kèo, cột có giá trị. Và có lẽ, chờ khi sự việc lắng lại, họ “hô biến” những cấu kiện cổ ấy thành những tờ polime xanh đỏ, lòe loẹt như chính thứ sơn công nghiệp họ dùng để phủ lên ngôi chùa trăm tuổi.

>> Chùa Trăm Gian - Nghìn năm hóa lại một ngày!

>> Không thể phục dựng hoàn toàn chùa Trăm Gian

>> Sư trụ trì chùa Trăm Gian nhận hết lỗi về mình

>> Trùng tu hay phá hoại chùa chiền?

>> 'Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ…'

>> “Công đức” làm hại chùa (?!)

>> Vụ 'tháo dỡ' chùa Trăm Gian: Có thể tái sử dụng khoảng 30% cấu kiện cũ

 

Đâu chỉ có nhà Tổ, gác Khánh...

Sự việc một di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia như ngôi chùa Trăm Gian bị “bức tử” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận và các cơ quan quản lý.  Người dân vô cùng bức xúc về sự thiếu hiểu biết về Luật Di sản cũng như sự thiếu hiểu biết về giá trị của một công trình đặc biệt quý giá này của chính những người giữ trách nhiệm quản lý và gìn giữ di tích như sư thầy trụ trì Thích Đàm Khoa.

Một công trình được xây dựng từ đời Lý, nổi tiếng bởi kiến trúc cổ kính và độc đáo, nhưng hiện đã bị xâm hại đến mức khó bề khắc phục nổi. Hình ảnh gác Khánh và nhà Tổ bị xới tung, “san lấp mặt bằng” và nhanh chóng được thay thế bằng hai ngôi nhà gỗ mới khiến những người yêu vẻ đẹp truyền thống không khỏi xót xa.

Thế nhưng, dư luận càng đau đớn hơn khi nhìn thấy những cấu kiện cổ, những cột kèo, những bức phù điêu bị mất tích, lén lút bán, hay thậm chí còn bị vứt chỏng chơ dưới đất không ai thèm nhòm ngó, quan tâm.

Theo một cán bộ hưu trí của xã Tiên Phương, thì dù tượng cũ cũng còn nhiều, nhưng một số bức tượng quý đã mất đi như tượng đồng đen Thích ca (nằm trong toà Cửu Long Châu) trong các lần trùng tu “tự phát” trước đó. Người dân có thắc mắc thì nhà chùa chỉ trả lời đơn giản rằng chôn dưới bệ để không bị mất trộm.

Hay như toà Cửu long Châu  có 9 vị thánh cũng vừa được làm mới, Án gian (trước cửa gian Tiền đường)  cũng không thể tránh khỏi "số phận cũ kỹ" và thay bằng Ô Sa cải tiến của nước ngoài.

Những cấu kiện cổ bị vứt chỏng chơ

 

Người dân địa phương hoài nghi, không hiểu sao những giá trị vô giá như thế lại phải thay bằng cái mới để di tích càng ngày càng lai căng, lòe loẹt? “Như vậy làm gì còn là đồ cổ, còn gì là giá trị văn hóa nữa. Những cái đèn thắp nến cổ đồng và gỗ cũ bốn mặt kính, kiểu đèn lồng hộp cũng biến đâu mất, thay vào đó nhà chùa cho lắp đèn điện nhấp nháy xanh đỏ”.

Đặc biệt, trong chùa có một di vật vô cùng quý giá đó chính là Đài sen xếp bằng gạch đất không nung (nằm ở khu thờ Phật Thánh), khi xếp vào nhau sẽ ra hình 12 con giáp. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước thầy Khoa cũng cho đập đi và xây lại nhưng vẫn không thể được như cũ.

 

Đối xử sao với cổ vật?

Ừ, thôi thì những tượng, những giá nến, những đài sen, những phù điêu ấy đã bị đập đi, thay mới cũng coi như “khuất mắt trông coi” bởi việc cũng xảy ra đã rồi. Thế nhưng, sự việc cả hai hạng mục lớn và cổ kính như nhà Tổ và gác Khánh đồng loạt bị “đánh sập” và xây mới trong vòng vài tháng ngắn ngủi lại là chuyện khác.

Hiện, nhà Tổ và gác Khánh tại chùa Trăm Gian gần như sắp hoàn thành, chỉ còn một vài hạng mục nhỏ chờ thi công nốt. Nằm sát bên ngoài công trình "một vài ngày tuổi" này là những cột gỗ lim vững chắc, tảng đá xanh, đá gạch cổ viền quanh, cấu kiện cũ, rui, kèo... nằm ngổn ngang. Đống ngói hai mặt âm dương cũng bị xếp vào một đống không khác gì rác vật liệu xây dựng đang chờ để vứt đi.

 

Ngôi chùa ngổn ngang gạch, đá và ngói cổ

 

Cùng với đó là những người không hiểu vì kém hiểu biết về di sản hay đồng tình với nhà chùa để được "chân râu ria" quanh chùa như trông xe, bán nước hay bán hương, đồ lễ,  sẵn sàng "khai tử", rũ bỏ những giá trị văn hóa nghìn năm tuổi này.

Không biết rằng những người chịu trách nhiệm quản lý và lên kế hoạch “phá dỡ” ngôi chùa này có hiểu biết về lịch sử và cổ vật không, nhưng hành động chà đạp, rũ bỏ những cấu kiện có giá trị hàng trăm năm tuổi này thật đáng phải suy nghĩ. Tất nhiên, trong những kèo, những cột đó, có cái đã mối mọt, tiêu tâm gần hết, nên thay thế để bảo đảm an toàn cho nhà chùa và người lễ Phật, thế nhưng rất nhiều cấu kiện bị tháo dỡ ra vẫn còn tái sử dụng được. Nhưng không, họ vẫn vứt bỏ, lăn lóc như khúc gỗ mục chẳng đáng tiền.

Có thể, nếu các cơ quan truyền thông không vào cuộc lên án dữ dội, các nhà quản lý không họp bàn xử lý và dư luận không phẫn nộ, thì những vật liệu cổ này rất có thể sẽ bị tẩu tán đi nhanh chóng. Cái đã hỏng thì vứt đi không thương tiếc, cái đáng giá thì sẽ bị bán với giá cao ngất ngưởng để làm giàu cho một số người tư lợi bất chính.

Có thể liên tưởng đơn giản, ngôi chùa Trăm Gian như một người đang ốm, nhưng sức khỏe còn khá dẻo dai, chỉ cần chẩn đoán kỹ là chữa được. Nhưng không, họ bắt “người ốm” này phải mổ, phải chết, để rồi những bộ phận của “người ốm” ấy lại được chuyền tay, bán tháo đi với giá hời.

Hai bức phù điêu “Thập điện diêm vương” bằng gỗ "thoát nạn" trùng tu

 

Với những thứ không bán được, cũng không vứt được thì họ sơn bóng, đánh vecni, thậm chí là phun sơn công nghiệp xanh đỏ để “mới” và hiện đại. Có lẽ cổ vật may mắn nhất trong chùa Trăm Gian chính là mấy bức phù điêu “Thập điện diêm vương” bằng gỗ. Những bức phù điêu này đã từng bị kẻ trộm lấy mất, lưu lạc cả chục năm giời, vừa được Bộ Công an và Công an Hà Nội phối hợp tìm được, đem về trao trả nhà chùa… thì may thay, nhờ ơn bị “trộm cắp” mà nó không bị sơn sửa, trùng tu, cũng chẳng bị vứt đi hay bán tháo!

Trùng tu, tôn tạo là điều tất nhiên phải làm đối với một di tích cổ đã có hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng việc loại bỏ hoàn toàn cái mới để thay bằng cái cũ thì không khác gì việc “ép” một thực thể đang sống phải chết và làm giàu trên chính cái chết tang thương đó. Những con người ấy tự nhận là văn hóa, mà sao vô văn hóa làm vậy?

Thôi thì mượn tạm câu thơ xưa của nữ sĩ họ Hồ: “Ai về nhắn bảo phường lòi tói/ Muốn sống đem vôi quét trả đền!”, dù rằng tất cả những nỗ lực cứu vãn các hạng mục cổ chỉ là thu vén cho cái “việc đã rồi”.

 

Vương Tâm