Vì sao những "bóng ma tiền tỷ" tồn tại trên biển?

16:37 | 21/02/2013

2,316 lượt xem
|
(Petrotimes) - Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện có hàng chục tàu biển của chủ tàu Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài đang neo đậu dài ngày, không còn khả năng khai thác. Tuy nhiên nhưng cũng không thể tháo dỡ để thu hồi được vốn vì cơ chế không cho phép nên đành bỏ rơi trên biển.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay cả nước có 41 tàu biển, trong đó có 10 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài, 31 tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam neo đậu dài ngày tại các cảng biển, không đảm bảo đủ các điều kiện an toàn, an ninh hàng hải.

Ngoài ra, đội tàu biển thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam neo đậu dài ngày ở nước ngoài hiện có 54 tàu biển với trong tải tàu hơn một nghìn DWT (đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn - PV) chiếm 14% tổng trọng tải đội tàu nước ta. Toàn bộ số tàu trên có tuổi tàu quá quy định, không được phép hoạt động. Trong đó có 12 tàu gồm cả 7 tàu biển của Vinashinlines đang neo chờ dài ngày ở các cảng biển nước ngoài trong tình trạng không được chủ tàu cung cấp kinh phí duy trì, bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, do không đủ khả năng tài chính nên một số chủ tàu không thể duy tu bảo dưỡng, đảm bảo điều kiện an toàn, kỹ thuật cho tàu theo quy định nên đã bỏ rơi ngoài biển.

 

Vì "trót" treo cờ nước ngoài, chủ tàu không thể tháo dỡ tại Việt Nam.

 

Theo ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, việc tàu biển Việt Nam và tàu biển mang quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam, không được đưa vào khai thác nên neo đậu dài ngày là do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm vừa qua. Nhiều tàu không được đưa vào khai thác, không có việc làm nên phải nằm chờ dài ngày.

“Theo quy định hiện hành, kể cả trong trường hợp tàu neo chờ, chủ tàu vẫn phải cung cấp đầy đủ nguyên nhiên vật liệu và bố trí thuyền viên để duy trì hoạt động của tàu, bảo đảm các điều kiện về an toàn an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đồng thời phải đóng các loại phí, lệ phí liên quan” - Ông Nhật cho hay.

Ông Nhật cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nhiều chủ tàu đã lách Nghị định số 29/2009/NĐ – CP của Chính phủ quy định về đăng ký và mua bán tàu biển đã qua sử dụng không quá 10 tuổi đối với tàu khách và không quá 15 tuổi với các loại tàu biển khác. Nhưng vì tàu mới giá thành cao, tàu đã qua sử dụng giá thành thấp nên nhiều chủ tàu đã mua tàu cũ rồi đăng ký quốc tịch nước ngoài và đưa về Việt Nam hoạt động. Khi không còn nhu cầu khai thác hoặc do tàu quá cũ không đủ điều kiện hoạt đông nên chủ tàu muốn phá dỡ để thu hồi vốn.

Để phá dỡ tàu thì chủ tàu lại vướng cơ chế xử lý vì tàu biển đang treo cờ nước ngoài. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (Điểm b, Khoản 2 Điều 42) quy định cấm nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ. Các chủ tàu muốn thanh lý tàu sẽ phải đưa tàu ra nước ngoài phá dỡ, tốn kém chi phí rất lớn và thường bị phía nước ngoài ép giá hoặc lừa đảo. Chính điều này đã gây ách tắc trong việc bán, phá dỡ tàu cũ của các doanh nghiệp Việt Nam làm phát sinh tình trạng chủ tàu bỏ rơi hoặc neo đậu dài ngày chờ giải quyết.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn này, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có kiến nghị với Chính phủ cho phép tàu biển mang cờ nước ngoài của chủ tàu Việt Nam được phá dỡ trong nước. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi quy định Điểm b, khoản 2 điều 42 Luật Bảo vệ môi trường để phù hợp với thực tế hoạt động phá dỡ tàu cũ hiện nay.

Cục Hàng hải cũng đề xuất các cơ quan liên quan nghiên cứu đưa Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế Hồng Kông về tái chế tàu biển 1992, nhằm duy trì hoạt động phá dỡ tàu cũ, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các Cảng vụ hàng hải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát qua hệ thống VTS, AIS, yêu cầu đưa tàu về các vị trí neo đậu an toàn và có các phương án xử lý phù hợp (bố trí thuyền viên làm việc trên tàu, đảm bảo trực ca theo quy định, ban đêm phải thắp đèn hiệu, đèn chiếu sáng và tăng cường trực ca, cảnh giới nhằm kịp phản ứng nguy cơ bị trôi neo, đứt lỉn neo, đứt dây buộc phao, cung cấp nguyên nhiên liệu để xử lý kịp thời các sự cố…)

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải phối hợp với các cơ quan hữu quan liên quan để giải quyết. Cảng vụ Hàng hải phải thực hiện cưỡng chế di chuyển một số tàu tới vị trí an toàn, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải tại khu vực.

 

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc