Vì sao "thánh địa" Mỹ Đình bị "xẻ thịt"?

08:44 | 05/10/2012

1,181 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với chủ trương xã hội hóa, năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý để Khu Liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình thí điểm thực hiện liên danh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất để tăng nguồn thu. Chỉ chờ có thế, Ban Quản lý Khu liên hợp bằng mọi cách cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, kinh doanh phi thể thao.

>> Mỹ Đình - từ “thánh địa” trở thành nơi... nhộm nhoạm

Năm 2012, Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình chính thức trở thành đơn vị tự chủ tài chính. Để kiếm tiền, từ đó đến nay Ban quản lý khu liên hợp  tìm cách cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, kinh doanh phi thể thao như: mở quán café, nhà hàng, rạp xiếc, massage, trường học… Việc này đã khiến cho không gian tổ hợp thể thao quốc gia hiện đại đang trở nên lộn xộn, thiếu mỹ quan và văn minh đô thị, không phù hợp chức năng công trình.

Nhiều người lo ngại khi sân Mỹ Đình bị biến dạng vì hoạt động kinh doanh.

Liên kết  tùy tiện

Được xây dựng từ năm 2001, sân vận động Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước là hai công trình trọng điểm thuộc Khu LHTTQG được hoàn thành trong giai đoạn một của dự án. Tuy nhiên, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình với kinh phí xây dựng gần 1.000 tỉ đồng, có sức chứa hơn 40.000 người, được xem là một trong những công trình thế kỷ của Việt Nam. Cung thể thao dưới nước quốc gia với tổng vốn xây dụng 240 tỉ đồng, có 3 bể bơi: hai trong nhà dùng để thi đấu và một bể bơi ngoài trời dùng để khởi động. Với vốn đầu tư ban đầu như vậy, trung bình mỗi năm, sân Mỹ Đình chỉ phục vụ khoảng mười trận đấu quốc tế.


Ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc khu liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình cho biết: “Một trận bóng đá quốc tế, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chỉ thanh toán 100-120 triệu đồng. Số tiền trên không đủ cho công tác chăm sóc cỏ, điện, nước, vệ sinh... Còn các môn điền kinh, bơi, lặn lợi nhuận thu về trong tổ chức thi đấu càng không có. Thế thì thu bằng cái gì trong khi các công trình sau 10 năm đi vào hoạt động đã bắt đầu xuống cấp, hằng năm cần hàng chục tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng?”.

Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn phê duyệt chủ trương thí điểm kêu gọi đầu tư vào Khu LHTTQG. Theo đó, đơn vị quản lý được phép sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất của mình thực hiện liên doanh, liên kết nhằm huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác để phát triển thể thao cùng các loại hình dịch vụ liên quan, nhưng các hoạt động này cần phù hợp chức năng và quy hoạch trước mắt cũng như lâu dài của khu liên hợp.

Hiện nay khu liên hợp hiện  có trên 30 đơn vị liên doanh, liên kết với các dự án khác nhau. Ông Nghĩa cho biết: “Các dự án lớn đều được báo cáo và phải được Bộ Tài chính chấp thuận về chủ trương, Bộ VH-TT&DL phê duyệt. Còn việc tận dụng cơ sở vật chất, quỹ đất xen kẹt, đất chờ dự án cho thuê ngắn sáu tháng đến một năm thì chúng tôi tự chủ”.

Năm 2012 là năm đầu tiên khu LHTTQG tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Kế hoạch năm 2012, khu LHTTQG phấn đấu thu 35 tỉ đồng, sau sáu tháng đầu năm đã thu được 19 tỉ đồng. Trong số nguồn thu về trong năm 2012, 7 tỉ đồng dành ra cho việc duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình, trả lương cán bộ, công nhân viên.

Bar O2, nằm chính giữa khán đài B sân Mỹ Đình.

 

‘Xã hội hóa’ không phải là tư nhân hóa!

Theo ông Nghĩa: “Các dự án liên doanh, liên kết mọc lên chỉ làm cảnh quan đẹp hơn chứ không bị biến dạng. Cơ sở vật chất công trình văn hóa thể thao phải gắn với tổ hợp dịch vụ phục vụ con người, sự kiện. Sân bóng đá không chỉ để đá bóng mà còn phải có công năng khác, có khách sạn, dịch vụ đi kèm. Thế mới phát triển được chứ”.

Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cũng đã có ý kiến tương tự: “Những dịch vụ này mở ra sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân và thu hút được nhiều người đến sinh hoạt và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở Khu Liên hợp Thể thao quốc gia”.

Ông Thắng nhấn mạnh: “Thực tế ở các nước phát triển, tại các công trình lớn phục vụ thi đấu thể thao đều có các tổ hợp dịch vụ đi kèm để đáp ứng các nhu cầu của người dân khi đi xem hoặc tập luyện TDTT ở đó. Tôi cho rằng việc triển khai thực hiện một số dự án liên doanh, liên kết không thể làm biến dạng được Khu LHTT quốc gia vì các dự án trên đều nằm ở các khu đất xen kẹt hoặc ở tương đối xa so với công trình đã được xây dựng”.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao): “Xã hội hóa là huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm phát triển một mục tiêu, lĩnh vực nào đó. Ví dụ các doanh nghiệp vào liên kết với khu LHTTQG làm lợi cho thể thao như: Làm sân quần vợt, sân đua xe đạp lòng chảo, hồ bơi, sân bóng đá mini... theo đề án đã có thì quá tốt.

Tuy nhiên việc sử dụng các công trình được đầu tư xây dựng từ tiền của Nhà nước để phục vụ mục đích thu tiền qua việc cho thuê loạn xạ quán cà phê, bãi đỗ xe, siêu thị nội thất... mà Mỹ Đình đang làm là cách tận dụng công trình nhà nước để kiếm tiền chứ không phải bản chất của xã hội hóa. Tôi nghĩ có sự nhầm lẫn về khái niệm xã hội hóa ngay trong các nhà quản lý thể thao nên mới để xảy ra tình trạng như ở Mỹ Đình”.

Khu Liên hợp Thể thao không chỉ là hạng mục công trình phục vụ thi đấu thể thao mà còn là một điểm nhấn văn hóa của Thủ đô hiện đại đang trên con đường hội nhập, phát triển, đồng thời cũng phản ánh sự quan tâm đầu tư, chăm lo cho thể thao của Đảng, Nhà nước và sự phát triển của thể thao nước nhà. Vì thế không nên và không đáng có những hoạt động khai thác kinh doanh dịch vụ làm xấu đi hình ảnh, diện mạo văn hóa, tạo nên sự bừa bộn, nhếch nhác như thực trạng hiện nay.

Trước sự lộn xộn trên và bức xúc của xã hội, Ban quản lý Khu LHTTQG cần nhất quán và có sự quy hoạch, lựa chọn trong liên kết kinh doanh, khai thác, đưa vào hoạt động các dịch vụ chứ không thể liên kết một cách tùy tiện, buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng như hiện nay. Trong đó phải tính đến khả năng đáp ứng, mức độ phù hợp giữa dịch vụ liên kết với chức năng, nhiệm vụ của Khu LHTTQG, sử dụng công trình, mặt bằng và không gian trong khu vực đúng mục đích, bảo đảm mỹ quan của một công trình thể thao văn hóa quốc gia.

Thiết nghĩ, việc liên kết kinh doanh để thu hút đầu tư, tạo dựng nguồn kinh phí hoạt động là điều quan trọng, song khai thác và liên kết như thế nào để vừa giải quyết vấn đề về kinh tế, vừa bảo đảm yếu tố văn hóa và mỹ quan, nếp sống văn minh đô thị, không xa rời mục đích hoạt động của một công trình mang tính cộng đồng, nhất là của một công trình thể thao quốc gia.

Nguyễn Hoan