Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng qua đời:

Vĩnh biệt một ngọn lửa hiệp sĩ!

07:00 | 02/01/2013

1,700 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – 16h ngày 31/12/2012, chàng hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng đã đột ngột qua đời khi đang trên đường đi công tác tới miền Tây Nam bộ. Thế nhưng, tấm gương vượt khó của anh, những thành quả anh đóng góp cho cộng đồng người khuyết tật nói riêng và xã hội nói chung vẫn in đậm mãi trong trái tim chúng ta.

Tuổi thơ với bệnh tật và cô độc

Nguyễn Công Hùng sinh năm 1982, là con một gia đình nhà nông ở xã Đoài, Nghi Lộc, Nghệ An. Năm lên 2 tuổi, Nguyễn Công Hùng bị một căn bệnh quái ác khiến cậu trở thành người bại liệt toàn thân, cơ thể teo quắt, mất khả năng vận động.

Cơ thể anh chỉ gần 12 kg, mỗi một lần ốm đau gần như là một lần chiến đấu sinh tử với thần chết. Đến năm lớp 7, Nguyễn Công Hùng phải ngậm ngùi giã từ bạn học ở mái trường phổ thông để vật lộn với cơn trọng bệnh nay đây mai đó trên giường bệnh của mọi bệnh viện xa gần. Sau Nguyễn Công Hùng có hai em gái, cô em út Thảo Vân cũng bị bại liệt.

Không có điều kiện học lên nữa, bản thân thường xuyên ốm đau, anh trở nên khép kín, mang trong lòng nhiều nỗi buồn và mặc cảm, không có bạn bè gì và như lời anh nói, “chỉ quanh quẩn trong nhà cả ngày, u uất và ốm bệnh liên miên”.

Ngày 3/9/2001 là dấu ấn quan trọng làm thay đổi cuộc đời Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng - lần đầu tiên anh “được sờ vào” bàn phím máy vi tính.

Anh chia sẻ: “Gần một năm sau đó, vào đầu mùa hè 2002, tôi biết đến Internet. Hồi ấy mạng được nối bằng công nghệ dial-up, một phút mất 200 đồng. Trang web đầu tiên tôi vào là trang phổ biến kiến thức của Lê Hoàn – tôi là fan của ông ấy mà. Cả trang của Phạm Hồng Phước nữa”. (Lê Hoàn và Phạm Hồng Phước, sinh năm 1957, cũng đều là Hiệp sĩ CNTT).

Chỉ với 1 ngón tay, Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người khuyết tật.

Trong tiếng Anh, có khái niệm “cyber fear” (sợ mạng) để chỉ tâm lý của những người bị choáng ngợp, hoang mang khi lần đầu tiếp xúc với Internet. Ở Việt Nam, không có thống kê chính thức, song theo một nhà xã hội học ở Hà Nội thì một số người (đặc biệt thuộc thế hệ 5x-6x) cũng rơi vào tình trạng này, ngại và sợ Internet, từ đó dẫn tới việc lảng tránh Internet và cuối cùng bị tụt hậu. Nhưng Nguyễn Công Hùng chẳng hề có cảm giác đó, trái lại, anh thấy rất vui ngay từ lầu đầu tiên lên mạng.

Anh nhanh chóng học được vô vàn kiến thức từ Internet, nhất là trong lĩnh vực anh yêu thích là tạo web. Không bao lâu sau, anh trở thành chuyên gia (tự học) về web, lấy việc thiết kế web làm nghề chính để kiếm sống. Không chỉ tự nuôi mình, anh còn mở một trung tâm dành cho người khuyết tật, thường xuyên mở các khóa đào tạo về tin học cho các bạn cùng hoàn cảnh.

Anh đã từng tâm sự: “Trước khi có Internet, tôi rất hay ốm đau, vì cuộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhưng bước vào thế giới ảo, mình gặp gỡ nhiều và cảm thấy vui tươi, khỏe khoắn, tinh thần thoải mái hẳn lên và thế là sức khỏe cũng tốt hơn hẳn”.

Với Hùng, Internet mang lại cho anh quá nhiều: công việc, bạn bè, tình cảm. Mạng còn là một người thầy, khi mà mọi thứ anh học đều hoàn toàn từ Internet. “Tôi không có điều kiện đến lớp này đi lớp kia để học những gì mình muốn. Chỉ có Internet thôi. Nó đúng là thầy. Nếu không có Internet thì tôi chết rồi, chết thật sự, chết nghĩa đen chứ không chơi đâu”.

Điều kỳ lạ, Nguyễn Công Hùng chỉ có vỏn vẹn 1 ngón tay và cũng từ ngón tay duy nhất này, anh dùng để di chuột, thao tác bàn phím ảo trên màn hình. Chỉ với một ngón tay, anh soạn giáo án, thiết kế website, cập nhật thông tin lên mạng, giao lưu với bạn bè. 

"Ngọn lửa sáng" cho những con người khuyết tật

Năm 2003, Hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng đã đứng ra mở một trung tâm tin học dành cho người khuyết tật và các học tại quê nhà. Trung tâm của Công Hùng đã giúp nhiều người khuyết tật tại Nghệ An xóa bỏ mặc cảm, mở ra cơ hội việc làm và tương lai tươi sáng hơn cho họ.

Cũng trong tháng 08/2006: Một website mang tên: www.nghilucsong.net chính thức ra đời với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới, 100 nghìn bài viết được sẻ chia.

Hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng mãi mãi là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực.

Cảm thông sâu sắc với những người khuyết tật, Nguyễn Công Hùng đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc giúp người khuyết tật khẳng định được mình trong cuộc sống. Nguyễn Công Hùng đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại khi gánh vác trọng trách của một Giám đốc Trung tâm đào tạo tin học và ngoại ngữ nhân đạo, và rồi sau này là Trung tâm Nghị lực sống.

Năm 2008, Nguyễn Công Hùng và nhóm bạn bè mở trung tâm Nghị lực sống để giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật với hai nội dung chính là Ngoại ngữ và CNTT, đào tạo việc làm cho hơn 600 học viên, thu hút khoảng 600 thành viên là bạn đồng hành cùng website. Anh là Giám đốc Công ty cổ phần Nghị Lực Sống và là Uỷ viên ban cố vấn Hội tin học trẻ Việt Nam.

Từ Trung tâm của Giám đốc Nguyễn Công Hùng, rất nhiều người khuyết tật đã được khơi dậy niềm tin, nghị lực sống, đã tự mình kiếm sống để nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Đến năm 2010, Trung tâm Nghị lực sống đã vinh dự đoạt giải thưởng đặc biệt về “Cơ sở đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật tốt nhất” trong cuộc thi Victa Awards 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Với những nỗ lực phi thường ấy, anh đã được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2005, được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trao bằng khen Thanh niên tiêu biểu của Hội Liên hiệp Thanh niên VN, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2006, được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng kỷ niệm chương “15 năm - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2011...

Và đặc biệt, Nguyễn Công Hùng đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi vào "Danh mục đề xuất kỷ lục về ý chí của Việt Nam" và "Người khuyết tật đầu tiên làm giám đốc”.

Nguyễn Công Hùng đã trở thành một “ngọn lửa ấm” đối với cộng đồng người khuyết tật Việt Nam. Thế nhưng ngày 31/12/2012, “Ngọn lửa” ấy giờ đây đã tắt.  song rất nhiều ngọn lửa khác đã được nhen lên và bùng cháy, làm sáng mãi cái tên Nguyễn Công Hùng.

Hiện di hài của Nguyễn Công Hùng đang đặt ở số 79/24/1 đường Âu Cơ, phường 14, quận 11, TPHCM. Sau đó, Nguyễn Công Hùng sẽ được chuyển về quê nhà TP Vinh trong nay mai.

 

Công Khanh