Xót lòng những công trình thể thao "biến thái"

16:00 | 19/12/2012

1,678 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong những năm qua ngành thể thao đã liên tục đầu tư lớn để xây dựng những công trình phục vụ các sự kiện quốc tế. Tháng 11/2012, Hội đồng Olympic châu Á công bố Việt Nam là chủ nhà của ASIAD 2019. Cùng với việc đăng cai ASIAD 19, chúng ta cũng sẽ phải bỏ ra thêm hàng trăm triệu USD cho những công trình thể thao. Nhưng làm thế nào để những công trình thể thao tiêu tốn bạc tỉ sẽ không bị biến thành rạp chiếu phim, nhà hàng, điểm phục vụ ăn uống, cơ sở massage...

>> Mỹ Đình - Từ "thánh địa" trở thành nơi...nhôm nhoạm

>> Vì sao"thánh địa" Mỹ Đình bị xẻ thịt?

>> Nhếch nhác bệnh viện thể thao 'hàng đầu Đông Nam Á'

Tại Hà Nội, để đăng cai tổ chức SEA Games 22 (năm 2003), nhà nước đã chi mạnh hàng ngàn tỉ đồng xây dựng Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Đây cũng là công trình thể thao được đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Hoành tráng nhất tại liên hợp này là Sân vận động Mỹ Đình, có tổng mức đầu tư  xây dựng lên tới gần 1.000 tỉ đồng với sức chứa 40.000 chỗ ngồi phục vụ cho môn bóng đá. Nhưng sau 9 năm đưa vào sử dụng, công trình thể thao lớn nhất nước này đã bị xâm hại đến đau lòng. 

Sân vận động... lẩu gà, massage

Các dịch vụ nở rộ ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại khu vực trước Sân vận động này mọc lên rất nhiều dịch vụ không liên quan đến hoạt động thể thao. Phía trái Sân vận động là khu “ẩm thực phố cổ” rộng hàng ngàn mét vuông với những dãy nhà cấp 4 phục vụ ăn uống. Từ bên ngoài đi vào, ngay dưới tấm biển “Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình” là băng rôn quảng cáo “Lẩu gà 3 chén, lẩu dê khoai sá...”.

Vào những buổi trưa hay chiều, rất đông các thực khách tới đây thưởng thức.

Tầng 2, khu khán đài B sân vận động được cho thuê làm tiệm massage.

Trước mặt tiền Sân vận động, tầng 2 khu thuộc khán đài B được trưng dụng thành điểm massage với ánh đèn màu nhấp nháy đặc trưng. Khách đến massage được phi thẳng xe vào trước sân. Tại tầng hai, các phòng ốc của Sân vân động được cải tạo để biến thành bể sục, phòng xông hơi khô, xông hơi ướt.

Theo một nhân viên ở đây cho biết: Chủ dịch vụ thuê lại của Ban Quản lý khu liên hợp nhiều năm nay với giá trên chục triệu đồng/tháng.

“Ngoài phục vụ khách bên ngoài, chúng tôi còn phục vụ cho các vận động viên với giá ưu đãi hơn, chỉ 50% so với bên ngoài”. Ngay bên cạnh điểm massage này còn có cả quầy bar và rạp chiếu phim.

Khu “Cung thể thao dưới nước” thành khu liên hiệp dịch vụ

Đối diện Sân vận động Mỹ Đình là Cung thể thao dưới nước quốc gia với tổng vốn xây dụng 240 tỉ đồng, có 3 bể bơi: hai trong nhà dùng để thi đấu và một bể bơi ngoài trời dùng để khởi động. Tuy nhiên, từ ngoài đường Lê Đức Thọ nhìn vào thì “cung” này đã bị hàng chục loại hình dịch vụ kinh doanh che lấp.

Nhà hàng thủy sản “Aquaria” trước khu thể thao dưới nước.

Trước tiên phải kể đến nhà hàng Landscape rộng hàng ngàn mét vuông. Những khoảng trống tạo tiểu cảnh trước mặt tiền “cung” và đường Lê Đức Thọ đã bị biến thành điểm phục vụ ăn uống, tổ chức tiệc cưới. Sắp tới nhà hàng thủy sản  Aquaria sẽ mọc lên và đi vào hoạt động.

Cạnh đó là gara sửa chữa ô tô, dịch vụ vui chơi trẻ em, câu lạc bộ Patin Ben10... Còn phía sau thì được Trường phổ thông Newton thuê làm địa điểm giảng dạy.

Trái với vẻ sầm uất bên ngoài, trong “cung thể thao” vắng hoe. Theo nhân viên bảo vệ tại đây, mỗi năm chỉ tổ chức một vài giải đấu bơi và nhảy cầu, thời gian còn lại thì bỏ không. Từ năm ngoái, “cung” cũng mở dịch vụ dạy bơi cho trẻ em nhưng chỉ hoạt động được vào mùa hè, còn mùa đông đóng cửa. Ngoài ra trong khuôn viên “cung” còn mở cả dịch vụ trông giữ xe ô tô ngày và đêm.

Toàn bộ khu đất hàng ngàn mét vuông ngay cạnh quảng trường Mỹ Đình hiện nay được dùng làm chỗ bán cây cảnh, đá cảnh… cùng rất nhiều dịch vụ đan xen khác không liên quan gì đến thể thao.

Nhà hàng ‘Cung văn quán’ nằm  trong  khu sân vận động C500.

Không chỉ khu liên hiệp thể thao quốc gia Việt Nam, Ngay tại nhà thi đấu trường C500 Học viện An Ninh, nơi tổ chức môn Pencak Silat ở SEA Games 22. Hiện nay, Nhà hàng “Cung Văn Quán” cũng được mọc lên nằm ngay sát sân vận đông C500. Hàng ngày nơi đây luôn diễn ra các cuộc tổ chức sinh nhật, họp lớp... thực khách cụng ly “zô zô” vang cả một góc gây ảnh hưởng không nhỏ tới cả một khu vực dân cư, trường học gần đó.

Nhà hàng kinh doanh dịch vụ Karaoke giữa hồ.

Đối với công viên Tuổi Trẻ "điểm hẹn văn hóa của giới trẻ Thủ đô". Hiện nay, hàng loạt các công trình phi thể thao như nhà hàng, quán karaoke và bãi trông giữ xe ô tô đã đua nhau “xẻ thịt” khuôn viên của công viên Tuổi Trẻ.

Cụ thể, tầng hầm của nhà thi đấu có mái che 1.500 chỗ là siêu thị và nhà hàng Vạn Tuế, hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm. Nhà hàng Queen Bee ở tầng hai chuyên kinh doanh ăn uống, phục vụ đám cưới vẫn hoạt động. Nhà hát ngoài trời có mái che (Cung Xuân) cũng đang tổ chức hội nghị, tiệc cưới.

Rất nhiều các công trình, dịch vụ phi thể thao khác đang tiếp tục mọc lên như nấm tại khu liên hợp thể thao quốc gia và các trung tâm thể thao, nhà thi đấu khác… gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan và chức năng vốn có của nó.

Đây là điều mà các cơ quan chức năng nên tính toán: Trong tương lai, có nên chi thêm tiền để xây các công trình thể thao như thế này nữa hay không.

Nguyễn Hoan