Xuất bản sách sai: Ai phải chịu đây?

07:00 | 24/10/2014

972 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hàng loạt sai phạm của các nhà xuất bản trong công tác biên tập, đặc biệt trong mảng sách truyện thiếu nhi và từ điển, người ta càng thấy rõ hơn lỗ hổng trong “dây chuyền” xuất bản sách ở Việt Nam…

Năng lượng Mới số 366

Bài 1: Lỗi biên tập, kiểm duyệt

Từ điển cũng sai

Gần đây, hình ảnh được cho là chụp từ cuốn “Từ điển tiếng Việt” dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất do Nhà xuất bản (Nxb) Hồng Đức phát hành bị phát tán trên mạng với nhiều chỗ giải nghĩa sai lệch bản chất từ ngữ. Ví dụ: từ Quản giáo được giải thích là: “Người coi một giáo đường hay tu viện”; Tao đàn là “chỗ nằm của tao nhân thi sĩ”; Tù trưởng là “người đứng đầu trông coi tội nhân”; Bia là “tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả”; Bồ bịch là “bạn bè thân thích” ... Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện lưu giữ một cuốn Từ điển tiếng Việt của Nxb Trẻ, ra mắt năm 2001 nhưng có nội dung giống hệt với bản của Nxb Hồng Đức nói trên.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho biết, ông không hề biết đến tác giả Vũ Chất và cũng chưa nghe thấy tên trong làng từ điển bao giờ. Ông nói: “Gần như không thấy xuất hiện ở tất cả các loại từ điển và đây là cuốn từ điển đầu tiên mà tôi thấy đứng tên tác giả này. Vũ Chất có thể là tên tác giả thật trên đời này nhưng không ngoại trừ khả năng có thể là chỉ bút danh của một ai đó”.

Tin nhap 20141016230843

Cuốn “Từ điển tiếng Việt” dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất mắc lỗi nghiêm trọng

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Tình, khi gặp vấn đề thì đầu mối trách nhiệm đầu tiên là các Nxb, vì đó là xuất bản phẩm của họ tung ra thị trường. Tuy nhiên vẫn có trường hợp, thậm chí các Nxb cũng không biết được tác giả cụ thể là ai bởi do quá trình làm việc chỉ thông qua đối tác liên kết (như nhà sách, công ty nào đó…).

Ông phân tích, bản thảo của tác giả đến Nxb không chỉ bằng con đường từ tác giả trực tiếp mà có thể qua nhiều kênh khác nhau. Đối tác liên kết chỉ báo cáo bản thảo và tên chứ không phải tác giả trực tiếp liên hệ. Trường hợp này có thể xảy ra nhiều lắm chứ và nếu như thế thì chuyện Nxb cũng không biết tác giả này là ai cũng là điều đương nhiên”.

Sau khi nghe thông tin về cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của Vũ Chất, chiều ngày 7-10, Nxb Trẻ tiến hành kiểm tra các thông tin liên quan và cho biết họ từng lên tiếng về vụ việc này từ năm 2006. Cụ thể, vào năm 2006, khi có thông tin về cuốn từ điển này với nhiều nội dung sai lệch, Nxb đã tiến hành xác minh và đi tìm cuốn sách này nhưng vẫn không tìm ra vì sách phát hành từ năm 2001. Nxb Trẻ cho rằng, bản sách khoác tên Nxb Hồng Đức có thể là sách in lậu, mạo danh từ cuốn sách của họ.

Tuy nhiên, một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là, dù sai sót trong cuốn sách của Nxb Trẻ đã được phát hiện nhiều năm qua, bản in này hiện vẫn xuất hiện trong danh mục tra cứu của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Thậm chí, ngoài bản gốc, còn có nhiều bản in khác, ghi Nxb Hồng Đức hay Nxb Thanh Niên ấn hành. Bà Phan Thị Kim Dung - Giám đốc Thư viện - lại khẳng định: “Chức năng của thư viện là thu nhận lưu chiểu các xuất bản phẩm Việt Nam. Bởi thế các cuốn sách đã được Cục Xuất bản cấp phép, đơn vị xuất bản phát hành, chúng tôi đều giữ lưu chiểu. Nếu có sai phạm thì Cục Xuất bản, tác giả và Nxb phải xử lý cũng như chịu trách nhiệm”.

Theo như đánh giá của Cục Xuất bản, in và phát hành thì trong 6 tháng đầu năm nay có “nhiều cuốn sách còn sai quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, sai tên người, địa danh, thời gian, sự kiện lịch sử”... Ví như cuốn “Những anh hùng trong lòng dân” của Nxb Nghệ An, cuốn “Trang viết cuộc đời” - Nxb Hội Nhà văn... Đặc biệt, còn có đến 13 cuốn sách mắc phải sai sót đáng tiếc là sử dụng logo, hình ảnh minh họa bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia.

Xác suất lỗi in ấn trong xuất bản chỉ cho phép một tỷ lệ nhất định, nhưng điều quan trọng là người đọc hôm nay có quyền đòi hỏi một cuốn sách “sạch” theo nhiều nghĩa. Có ít nhất 10 cuốn sách vi phạm điều này và đã bị cơ quan chức năng xử lý, trong đó có cả tác phẩm của Nxb Hội Nhà văn… Và có thể con số này trong thực tế còn lớn hơn nhiều.

Trách nhiệm của biên tập?

Tình trạng lỗi sai trong công tác biên tập của các Nxb diễn ra ngày càng tràn lan, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định nguyên nhân chủ yếu là do ngành xuất bản đang bị… lỗi hệ thống. Từ khâu sáng tác, chọn sách để mua bản quyền dịch đến việc thực hiện, rồi kiểm duyệt trước khi cấp phép in và sau khi nộp lưu chiểu đều không chặt chẽ, cẩn trọng.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sách Thái Hà, nguyên nhân đầu tiên của những quyển sách lắm “sạn” này là kỹ năng của các biên tập viên. Thực tế có những biên tập viên không được đào tạo bài bản, làm trái nghề, thiếu kiến thức cơ bản. TS Hùng khẳng định: “Một biên tập viên không nên chỉ là người đọc lỗi chính tả, mà phải thực sự có kiến thức biên tập, phải góp phần xây dựng bản thảo”.

Nhà văn Phạm Trung Ðỉnh (Giám đốc Nxb Hội Nhà văn) bày tỏ: “Với những bản thảo do dịch giả, tác giả đưa đến, thông thường mỗi Nxb đều có bộ phận kiểm duyệt và biên tập những lỗi sai; tuy nhiên có nhiều biên tập viên cũng không kiểm tra hết những lỗi sai, lỗi chính tả trong bản thảo ấy được. Có thể nói, công tác biên tập hiện nay có phần xô bồ, cẩu thả và ảnh hưởng rất nhiều đến độc giả, chứ không phải ai cũng làm việc một cách có trách nhiệm”.

Thêm vào đó, trước đây mỗi biên tập viên chỉ làm 2-3 cuốn sách, nhiều thì 5-10 cuốn/năm, như thế có nghĩa là một Nxb chỉ xuất bản 50-60 cuốn sách/năm. Những người làm công tác biên tập phải đọc và đối chiếu từng chữ một mới dám đem in, vì thế những lỗi sai trong ấn phẩm hầu như không có hoặc nếu có cũng không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến việc tiếp nhận của độc giả.

Tuy nhiên, hiện nay một biên tập viên phải đọc cả trăm cuốn sách/năm, làm việc với áp lực lớn, cường độ cao khiến họ phải “vắt” kiệt sức. Thêm vào đó, với cơ chế xuất bản khá “thoáng” như hiện nay, dẫn tới tình trạng sách, truyện được xuất bản tràn lan. Việc phải biên tập, “làm sạch” quá nhiều ấn phẩm khiến biên tập viên nhiều khi bị “ngộ độc” sách, dẫn tới tình trạng biên tập vội, ẩu và bỏ sót nhiều lỗi nghiêm trọng.

Ngoài ra, không thể phủ nhận khá nhiều cuốn sách mắc lỗi biên tập nghiêm trọng là ấn phẩm liên kết xuất bản. Điển hình như Nxb Mỹ thuật và đối tác là Công ty Đinh Tỵ đã phải ra quyết định thu hồi cuốn sách về đồng dao dành cho trẻ, Nxb Đại học Sư phạm phải thu hồi sách dành cho trẻ lớp 1 có in cờ Trung Quốc… Một số đơn vị xuất bản coi việc “bán” giấy phép xuất bản như “nguồn sống”, “bán” rồi thả cho phía tư nhân muốn làm gì thì làm (có khi “bao” cả từ chọn sách, mua bản quyền, dịch đến biên tập, in, quảng cáo, phát hành…) chứ không thực hiện một cách có trách nhiệm vai trò kiểm soát nội dung. Sự thiếu trách nhiệm từ phía Nxb tất yếu dẫn đến hệ quả xấu khi có quá nhiều xuất bản phẩm chất lượng kém, nhiều “sạn” được đưa ra thị trường.

Các Nxb, công ty in, phát hành sách có thể có nhiều lý do để bao biện khi sản phẩm của họ bị phát hiện là có vấn đề. Tuy nhiên, việc những lỗi sai cơ bản hoặc nội dung hoàn toàn không phù hợp văn hóa Việt Nam mà vẫn lọt qua nhiều khâu biên soạn, chỉnh sửa, thẩm định, kiểm duyệt cho đến cấp phép là không thể chấp nhận được. Chỉ xin lỗi và thu hồi thôi chưa đủ, cần phải có chính sách kiểm duyệt chặt chẽ và nghiêm khắc hơn nữa để hạn chế tối đa hiện tượng này.

(Xem tiếp kỳ sau)

Khánh An

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc