Xung quanh Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia của Bộ Y tế: Đừng để luật... nhờn!

07:10 | 27/07/2014

1,913 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Y tế vừa ban hành Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Ðây là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua và nhiều ý kiến cho rằng dự thảo không khả thi.

Năng lượng Mới số 342

Hạn chế là đúng

Không phải đến nay tình trạng sử dụng bia rượu ở Việt Nam mới được đề cập mà nhiều năm qua nó đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong đời sống xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố trong năm 2014 dựa vào số liệu của năm 2010 thì Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia cao thứ 3 tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ rượu bia của người Việt đã tăng hơn 200%, được khảo sát trên 90% đàn ông có sử dụng rượu bia.

Trong đó cứ 4 người thì có 1 người sử dụng rượu bia ở mức có hại, nghĩa là sử dụng quá dung lượng cho phép mỗi ngày. Trong khi đó tác hại của việc lạm dụng rượu bia cũng quá rõ ràng, điều này được thể hiện qua con số thống kê của WHO rằng: Ở Việt Nam 60% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia, 68% dẫn đến bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội... Những con số này khẳng định việc sử dụng bia rượu của người Việt còn quá nhiều bất cập.

Cũng dựa trên thực trạng đó mà mới đây Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia của Bộ Y tế đưa ra là nhằm hạn chế nạn sử dụng bia rượu. Tuy nhiên, khi dự thảo này được đưa ra lại gặp nhiều băn khoăn bởi quy định: Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú... không được sử dụng rượu bia. Trong đó, đáng chú ý nhất là người dân sẽ không được bán rượu sau 22 giờ, thậm chí người uống rượu sau 22 giờ cũng sẽ bị phạt. Những quy định này đang được cho là bất cập vì thực tế nếu chỉ dựa vào hình dáng bên ngoài để phân biệt đâu là phụ nữ đang mang thai, đâu là phụ nữ đang cho con bú, thanh niên nào chưa đủ 18 tuổi… thì quả là khó.

Thêm nữa, đối với các hộ kinh doanh thì việc phục vụ “thượng đế” mà bắt họ phải xuất trình giấy tờ tùy thân hay giấy khám thai của bệnh viện lại là việc không tưởng. Ðặc biệt là việc cấm bán bia rượu sau 22 giờ thì càng gây tranh cãi khi có ý kiến cho rằng, nó đã can thiệp sâu vào tập tục cũng như văn hóa ẩm thực của người Việt. Từ xưa đến nay tập tục ăn uống của người Việt ở mỗi nơi khác nhau đều có những bản sắc riêng, nhiều địa phương còn trở thành niềm hiếu khách.

Tin nhap 20140725142128

Uống rượu bia sau 22 giờ ở phố Tạ Hiện (Hà Nội)

Rõ ràng, tác hại của rượu gây ra như thế nào thì đã rõ. Việc cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, cấm sử dụng chất có cồn trong điều khiển phương tiện giao thông… được cho là hợp lý. Nhưng việc đi quá sâu vào chuyện cấm bia rượu sau 22 giờ lại là chuyện khó… thực hiện. Chỉ tính riêng việc quản lý trên mặt địa hình với đặc thù thành phố lớn và nông thôn đã thấy rõ sự bất cập trong vấn đề kiểm soát, trong khi tập tục “ăn nhậu” của người dân Việt thường đã trở thành một thói quen. Ðó là chưa kể về mặt khách quan thì không phải tầng lớp nào cũng lạm dụng rượu bia để gây ra những tệ nạn cho xã hội, nếu có cũng chỉ là gián tiếp. Cho nên, để hạn chế được tác hại của rượu bia, chúng ta cần phải xử lý được cái gốc, đó là nhận thức của người sử dụng.

Trước nay, chỉ tính riêng việc cấm sử dụng rượu bia trong người dân, chúng ta đã có quá nhiều quy định theo kiểu “ngồi trên trời” nghĩ ra… luật. Ðơn cử gần đây nhất tại Quyết định số 244/QÐ-TTg của Thủ tướng về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 cũng có những nội dung tương tự. Mục đích là nhân văn nhưng với cả Quyết định số 244/QÐ-TTg và dự thảo luật lần này đều chỉ nhận được sự ủng hộ về ý nghĩa, còn dư luận vẫn quá nhiều băn khoăn về tính khả thi.

Trông chờ… ý thức người dân?

Trả lời truyền thông về tính khả thi của dự thảo, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định: “Bất kỳ một quy định nào đều phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành, tính tự giác cũng như trách nhiệm pháp lý của mỗi công dân”. Ðiều đó đúng, nhưng câu hỏi đặt ra rằng: Tại sao để nói về tính khả thi thì luật ở Việt Nam lại luôn phải “dựa” vào… ý thức người dân? Trong khi luật phải là yếu tố tiên quyết để người dân bắt buộc phải thi hành!

Trước nay, chúng ta đã có quá nhiều những luật định “trên trời” mà chỉ thoạt nghe người dân đã không khỏi ngao ngán. Ðể rồi khi đi vào thực tiễn thì toàn gặp phải những lý do rất “trời ơi” như: Khó quản lý do lực lượng quá mỏng, nhân lực lại yếu, loay hoay trong việc xử phạt… Và nói không ngoa rằng, đang có hiện tượng nhờn luật. Ngay như quy định về sản xuất và kinh doanh bia rượu đã được quy định trong Nghị định 94/2012/NÐ-CP cũng đã đề cập việc cấm bán rượu cho bà mẹ, trẻ em nhưng sự thật thì văn bản thực sự mới chỉ “nằm trên giấy”.

Trong dự thảo lần này, Bộ Y tế đề xuất: Cấm bán rượu sau 22 giờ đêm để tránh mất an ninh trật tự, giảm tai nạn giao thông thì cũng chưa thực thuyết phục. Xét về mất an ninh trật tự cũng phải xem xét trong từng trường hợp, từng địa điểm, từng đối tượng. Cấm bán rượu sau 22 giờ đêm có thể hạn chế tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự nhưng chi bằng chỉ nên cấm uống rượu trong khi điều khiển phương tiện giao thông và trong giờ làm việc. Còn bắt người dân không uống rượu trong thời gian nghỉ ngơi là không thể.

Nói về vẫn đề này ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Dự thảo đề ra trên chủ trương hạn chế sử dụng bia rượu trong dân của Bộ Y tế là đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải xem lại những điều khoản để khi luật đưa vào cuộc sống phải có tính khả thi chứ không phải đưa ra cho có. Trước hết luật cần quy định rõ đối với từng đối tượng, đối tượng nào cấm hoàn toàn, đối tượng nào chỉ cần tác động để người dân hiểu uống rượu bia ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe cũng như an sinh xã hội, chứ không nên quy chụp bắt tất cả người dân phải tuân thủ theo một đối tượng chung nào”.

Vẫn biết dự luật đang trong thời gian “trưng cầu dân ý” và ba phương án được đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đưa ra mới đây có đề xuất đáng chú ý là “khoanh vùng” thực hiện ở các thành phố lớn, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng trên toàn quốc. Ðiều này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận tuy nhiên những bất cập về quản lý, giám sát… như thế nào thì vẫn chưa được giải tỏa.

Thiết nghĩ, với những đặc thù liên quan đến đời sống như vậy, thay vì chăm chăm xử phạt thì các cơ quan chức năng cần tuyên truyền vận động để khuyến khích người dân tự biến chuyển vẫn là hơn cả. Thêm nữa, xét về luật thì hiện nay vẫn còn sự chồng chéo, không khả thi, khó đi vào thực tiễn là quá nhiều. Vậy nên các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại cách ra luật chứ không nên để luật đề ra, dân… để đó.

Cũng phải nói thêm rằng, việc chú ý đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng này lại đang được hy vọng là một giải phát tối ưu. Hiện ở Việt Nam thuốc lá là mặt hàng đang bị đánh thuế cao với mục đích hạn chế người sử dụng. Hy vọng rằng biện pháp này cũng hiệu quả đối với bia rượu khi mà giá bia rượu ở Việt Nam được đánh giá là quá rẻ như hiện nay. Việc cấm uống rượu bia là cần thiết, nhưng cấm thế nào cho có hiệu quả lại là cả một vấn đề.

Không thể chỉ dùng biện pháp hành chính cứng nhắc, mà phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó không thể thiếu biện pháp tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi người thấy tác hại của rượu bia. Vậy mới nói không có một lý thuyết lập pháp rõ ràng thì thật khó có thể thuyết phục được người dân thi hành luật.

Huyền Anh