Nhìn lại sự suy thoái của nước Mỹ (Kỳ 2)

07:00 | 15/08/2013

905 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tác giả James Truslow Adams, trong quyển “The Epic of America” (1931) - đã định nghĩa: “Giấc mơ Mỹ là niềm mơ ước về một vùng đất nơi mà cuộc sống trở nên tốt hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho tất cả, với cơ hội cho mỗi người đều có thể có được chỉ bằng tài năng”. Giấc mơ Mỹ trở thành khái niệm quen thuộc tượng trưng cho sự thành đạt được đền bù xứng đáng từ nỗ lực bền bỉ. Giấc mơ Mỹ đưa nước Mỹ trở thành cường quốc thịnh vượng. Bây giờ, sự thịnh vượng đó đang tan hoang. Giấc mơ Mỹ có còn nữa hay không?

>> Nhìn lại sự suy thoái của nước Mỹ (Kỳ 1)

Kỳ 2: Giá trị “giấc mơ Mỹ” có còn không?

Lý tưởng của “Giấc mơ Mỹ”

Nhắc đến “Giấc mơ Mỹ”, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh cơn sốt đào vàng thế kỷ XIX, đến sự thành đạt từ bàn tay trắng cần cù và nghị lực phi thường, đến sự khát vọng làm giàu, đến hình thái chính trị - xã hội mang lại sự phóng khoáng trong tư duy, đến mô hình kinh tế thị trường tự do và còn nhiều điều tốt đẹp khác. Khi Franklin Delano Roosevelt nhậm chức tổng thống năm 1933 với chương trình cải tổ toàn diện New Deal đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc đại suy thoái, “Giấc mơ Mỹ” bắt đầu đâm hoa thật sự. Dân Mỹ được chăm lo tốt hơn bằng những chính sách cụ thể. “Giấc mơ Mỹ” chưa dừng lại ở đó.

Năm 1941, Henry Luce (người sáng lập tờ Time) tung ra bài bình luận nổi tiếng The American Century trên tạp chí Life với nội dung rằng nước Mỹ không nên đứng ngoài lề Thế chiến thứ hai mà nên dùng sức mạnh mình để hoằng dương “lòng yêu tự do, sự công bằng trong tận dụng cơ hội, truyền thống độc lập tự chủ và thái độ hợp tác”. Luce cũng đề nghị “Giấc mơ Mỹ” cần được sử dụng như một cách để quảng bá lối sống Mỹ, thứ mà những quốc gia phi dân chủ nên noi theo. Gần như trong cùng thời gian, trong diễn văn Thông điệp liên bang năm 1941, Tổng thống Roosevelt cũng gián tiếp mở rộng khái niệm “Giấc mơ Mỹ” với việc đưa ra “bốn sự tự do tối cần thiết cho con người” mà nước Mỹ thề sẽ chiến đấu giành cho được đến cùng - gồm: Tự do ngôn luận; Tự do tôn giáo; Tự do yêu thích và Tự do sợ hãi.

Một gia đình Mỹ tiêu biểu

Nền tảng của lý thuyết “Giấc mơ Mỹ” mở rộng và được thực hiện bằng chính sách cụ thể đã nhanh chóng. Từ năm 1900 - 1940, số gia đình sống trong ngôi nhà sở hữu riêng gần như luôn ở mức 43%; đến trước năm 1950, tỉ lệ trên là 55%; và đến năm 1960 đã tăng đến 62%. Sau nhà - mục tiêu tối cơ bản, người ta bắt đầu thực hiện thành công tiếp nhiều giấc mơ (vật chất lẫn tinh thần) khác: xe hơi, truyền hình, cho con vào đại học, du lịch hải ngoại… (số tivi tăng từ 6 triệu lên 60 trong khoảng 1950 - 1960; từ 1940-1965, số người Mỹ trưởng thành học xong ít nhất 4 năm đại học tăng hơn gấp đôi). Năm 1958, Bank of America tung ra thẻ tín dụng BankAmericard, tiền thân của Visa (mà nay được xem là loại thẻ được dùng nhiều nhất thế giới).

Đời sống trở nên thoải mái và được hưởng nhiều tiện ích hơn. Sự ra đời hình thức gán nợ bằng thẻ tín dụng đã kích thích cơn sốt tiêu dùng (từ năm 1945 đến 1960, giá trị thẻ tín dụng tăng từ 2,6 tỉ USD lên 45 tỉ USD và vọt lên 105 tỉ USD năm 1970). Đến năm 1970, lần đầu tiên, hơn ½ hộ gia đình Mỹ đều có ít nhất một thẻ tín dụng. Sự thịnh vượng càng thấy rõ hơn với sự xuất hiện chiếc xe hơi thứ hai trong nhà và những chuyến du lịch xa (số lần du lịch bằng máy bay trung bình mỗi năm của một hộ dân tăng từ một lần vào năm 1954 lên ba vào năm 1970). Đến thập niên 1980, sự giàu có của dân Mỹ đã trở thành giấc mơ của vô số người khắp thế giới.

“Giấc mơ Mỹ” đang hấp hối?

“Nền kinh tế gán nợ” bằng “văn hóa” thẻ tín dụng đã biến nước Mỹ, vào năm 1986, từ chủ nợ trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Cho đến đầu thế kỷ XIX, khi nước Mỹ bắt đầu nhận thức sự bất an của văn hóa thẻ tín dụng trong nền kinh tế tiêu dùng (cuộc thăm dò CNN thực hiện năm 2006 cho thấy 54% ý kiến cho rằng, “Giấc mơ Mỹ” không còn có thể đạt được; tương tự cuộc thăm dò năm 2003), không ít người vẫn nghĩ rằng, “Giấc mơ Mỹ” chưa biến mất và nước Mỹ vẫn giàu có. Gregg Edmund Easterbrook (biên tập cấp cao tờ New Republic, cây bút bình luận tên tuổi từng viết bài cho New York Times, Washington Post, Los Angeles Times…) chứng minh rằng, năm 2003, đời sống trung bình của dân Mỹ thật ra tốt hơn so với quá khứ.

Thu nhập bình quân đầu người, được điều chỉnh, tỉ lệ lạm phát đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1960; công dân Mỹ có trung bình 12,3 năm hưởng chế độ giáo dục (đứng đầu thế giới)… Tuy nhiên, “Giấc mơ Mỹ” thật ra đã bắt đầu trở nên khó thực hiện. Như David Kamp viết trên nguyệt san Vanity Fair (4/2009), sự lỏng lẻo trong chính sách tín dụng đã biến Mỹ trở thành con nợ khổng lồ. Nợ tiêu dùng của người Mỹ tăng liên tục mỗi năm suốt từ năm 1958 và tăng 22% kể từ năm 2000. Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ sụp đổ cũng là do chính sách tín dụng lỏng lẻo, đặc biệt trong lĩnh vực địa ốc. Thế rồi, một cách bất ngờ, niềm kiêu hãnh Mỹ trở thành nỗi mặc cảm thất bại.

Trong thực tế, thậm chí trước khi kinh tế Mỹ suy thoái, “Giấc mơ Mỹ” dường như đã bắt đầu vuột khỏi tầm tay người Mỹ. Một khảo sát tháng 4/2006 của tạp chí Parade cho biết người Mỹ trung lưu bắt đầu sống chật vật hơn. Cuộc khảo sát hơn 2.200 hộ tập trung vào các gia đình có thu nhập 30.000-99.999USD/năm. Thoạt nhìn, đó là những gia đình điển hình của tầng lớp trung lưu Mỹ: nghề nghiệp ổn định, sở hữu bất động sản, có ít nhất hai xe hơi, thích đi nhà hàng vào cuối tuần, mỗi năm du lịch nước ngoài ít nhất một lần… Tuy nhiên, đằng sau sự sung túc vật chất luôn là nỗi lo thường trực. ½ ý kiến cho biết họ tiếp tục chứng kiến tình trạng chi phí y tế tăng cao (trong khi phúc lợi y tế giảm) và 39% bị cắt thu nhập ngoài giờ hoặc tiền thưởng. Tính ổn định công việc cũng là một mối lo khác.

Kinh tế khó khăn nhưng "Giấc mơ Mỹ" vẫn chưa hết

Các cuộc thăm dò gần đây cũng chẳng sáng sủa hơn. Tỉ lệ người sở hữu nhà tại Mỹ, từng vọt lên kỷ lục 69,2% năm 2004, hiện tuột xuống bằng với mức cách đây gần hai thập niên, tức 65% (Bloomberg 30/7/2013). “Gần như tất cả thu nhập trong 10 năm qua đều tiếp tục chảy vào 1% những người giàu nhất nước Mỹ; lương trung bình của các CEO tăng gần 40% kể từ 2009 trong khi người Mỹ trung bình kiếm ít hơn so với thu nhập 2009. Thật không may là cơ hội để tiến lên tại Mỹ ngày càng khó hơn trong 30 năm qua. Đó là một sự phản bội của lý tưởng Mỹ…” – chính Tổng thống Barack Obama cũng phải thừa nhận (Telegraph 24/7/2013). Trong cuộc thăm dò khác của hãng tin AP, sự bi quan về tương lai kinh tế của dân Mỹ hiện ở mức cao nhất kể từ 1987, với 63% người Mỹ da trắng than thở rằng kinh tế rất tồi (AP 28/7/2013). Lần đầu tiên kể từ 1975, số gia đình với người mẹ da trắng đơn thân nuôi con trong nghèo khổ đã vượt quá hoặc bằng số gia đình mẹ da đen đơn thân trong một thập niên qua…

Điều gì khiến “Giấc mơ Mỹ” vẫn tồn tại?

Liệu “Giấc mơ Mỹ” đã chết? Câu trả lời là chưa. Có nhiều cơ sở cho thấy “Giấc mơ Mỹ” vẫn tồn tại và sẽ tồn tại. Đúng là người Mỹ đang sống khó khăn hơn. Tằn tiện hơn. Tuy nhiên, như nhà kinh tế học Stephen Rose chỉ ra, trước thời điểm khủng hoảng, Mỹ có nhiều hơn 12% hộ dân có thu nhập hơn 100.000USD/năm so với cách đây 20 năm; trong khi các đối tượng kiếm được ít hơn 30.000USD không tăng.

Điều đó cho thấy tầng lớp trung lưu Mỹ thật ra bắt đầu tăng. Sử gia kinh tế từng đoạt Nobel, William Robert Fogel, cũng cho biết sự bất công trong hưởng thụ các tiện ích - dịch vụ xã hội cũng thu hẹp. Nhiều người tiếp tục tin rằng cơ hội tại Mỹ vẫn không từ bỏ họ, nếu có ý chí. 82% đối tượng sinh trong hoàn cảnh nghèo khổ hiện có cuộc sống tốt hơn cha mẹ họ và hơn 1/3 trong số đó thậm chí leo lên bậc thang trung lưu hoặc cao hơn. Một nền tảng khác cho thấy “Giấc mơ Mỹ” vẫn còn giá trị: tỉ lệ người trưởng thành hoàn thành trung học và đại học tiếp tục tăng. Gần 90% tất cả người trưởng thành Mỹ hiện đều tốt nghiệp trung học so với 33% năm 1947; tỉ lệ tốt nghiệp đại học tăng từ 5,4% năm 1947 lên gần 30% hiện nay. Hơn 2/3 dân Mỹ tin rằng con người luôn được tưởng thưởng nhờ trí thông minh và tài năng - tỉ lệ cao nhất trong 27 quốc gia tham gia cuộc thăm dò về quan niệm sống.

Điều đó phản ánh niềm tin phổ biến rằng người có tài thật sự luôn có đất sống. Tất nhiên “Giấc mơ Mỹ” thời suy thoái không còn đậm màu hồng nhưng nó vẫn còn giá trị. Trong một cuộc khảo sát (MetLife Study of the American Dream 2009), 1/3 người Mỹ nói rằng họ đã đạt được “Giấc mơ Mỹ”; và trong cuộc khảo sát do CBS News/New York Times thực hiện (công bố ngày 4/5/2009), 44% người Mỹ cho biết họ đã đạt được “Giấc mơ Mỹ”, tăng 12 điểm so với kết quả khảo sát 2005. Và trong cuộc khảo sát mới nhất MetLife Study of the American Dream 2011 (tính đến thời điểm hiện tại), có đến 74% người Mỹ cho biết họ đã đạt được những gì mình cần. Beth Hirschhorn, phó chủ tịch điều hành MetLife, nói: “Cuộc sống có khó khăn hơn nhưng người Mỹ vẫn đang thích nghi và theo đuổi giấc mơ riêng”. “Giấc mơ Mỹ” đối với những đối tượng này là “tự do và cơ hội” (27% - tỉ lệ cao nhất); “thành đạt” (18%); “ổn định tài chính và có việc làm” (13%); “có nhà riêng” (9%); “an lành và hạnh phúc” (6%).

Một lần nữa, giá trị “tự do” vẫn là cốt lõi trong khái niệm “Giấc mơ Mỹ”. Chính yếu tố đó mới là nền tảng căn bản tạo ra sự tồn tại và phát triển của “Giấc mơ Mỹ” và nó sẽ đi theo mãi trong suốt lịch sử “Giấc mơ Mỹ”. Những chỉ số u ám của kinh tế ở bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ phản ánh một hoàn cảnh nhất thời. “Giấc mơ Mỹ” sẽ chết chỉ khi nào “tự do”, cũng như những khái niệm căn bản khác được nêu rõ trong Hiến pháp Hoa Kỳ, không còn! 

Mạnh Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc