Trường học ở Hà Giang: Cái khó bó "thân thiện"

08:12 | 25/09/2012

3,825 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Năm học 2012-2013 đã bắt đầu, trong khi các trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang dần đi vào ổn định, thì các thầy, cô giáo cùng các em học sinh Trường tiểu học Minh Tân B (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) vẫn phải “gồng mình cõng chữ” với nhiều nỗi lo toan. Trường lớp được dựng tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn...

Gánh nặng cõng chữ lên non

Từ Quốc lộ 4C đi qua địa phận huyện Vị Xuyên, xe chúng tôi nhọc nhằn vượt tiếp gần 10km đường đá dăm, khô khốc mới tìm tới Trường tiểu học Minh Tân B. Nếu không có chiếc cột cờ được dựng bằng tre làm... mốc, có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ rằng, đây là một ngôi trường. Trời mưa rả rích, một cảm giác chùng lòng khi thấy lác đác vài em học sinh nhem nhuốc, chân lội trong bùn đất, mắt dõi theo chúng tôi - những người xa lạ. Những đôi chân trần đang rảo bước chân cho kịp về đến nhà trước khi trời tối, bỏ lại sau lưng hai dãy phòng học tạm bợ, bốn bề ghép gỗ trống hoác, gió lùa hun hút.

Đại diện PVFCCo tặng sách vở và áo ấm cho học sinh Trường tiểu học Minh Tân B

Trường Minh Tân B hiện có 20 lớp, trong đó có 7 lớp ghép, chia thành 9 điểm trường với tổng số học sinh là 273 em. Qua tìm hiểu thì 100% học sinh là người dân tộc, 215/273 học sinh của trường thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mới của Chính phủ.

“Học sinh ở đây nghèo lắm, nếu không xuống tận địa bàn chắc khó có thể hình dung hoàn cảnh của từng cháu. Có những em quanh năm chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo, chưa từng biết đến đôi tất và thường xuyên phải ăn mèn mén thay cơm. Trong khi đó, nhà làm việc của giáo viên, nhà hiệu bộ, hội trường, các phòng chức năng đều không có, trường phải mượn tạm nhà văn hóa của thôn Tân Sơn để làm việc”, cô Phó hiệu trưởng Trần Thị Phúc ngậm ngùi chia sẻ.

Các phòng này được ngăn cách với nhau bởi tủ sách, bức tường bằng... gỗ ván đóng tạm bợ. Bàn ghế, đồ dùng trong phòng do giáo viên tự sắm. Nếu hôm nào họp thôn thì các thầy, cô giáo đành “sơ tán”. Nhà lưu trú cho học sinh và giáo viên không có, nhiều giáo viên phải thuê nhà ở trọ ngoài trung tâm xã, hằng ngày phải vượt hàng chục cây số đến trường, với điều kiện đi lại cực kỳ khó khăn.

Cô Phúc chia sẻ: “Nhà trường đã có nhiều ý kiến lên xã và Phòng Giáo dục huyện về sự thiếu thốn và xuống cấp của cơ sở vật chất, cũng đã có các đoàn về thăm trường, khảo sát... nhưng cho đến nay, các dự án đã rơi vào quên lãng. Phần lớn cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay đều do nhân dân góp làm giúp và thầy cô giáo trong trường tự mua sắm, chúng tôi chỉ mong có được một ngôi trường xây kiên cố và đủ phòng làm việc thôi chứ chẳng mong gì nhiều...”.

Nơi đặt đại bản doanh của trường chính là trụ sở của thôn Tân Sơn. Chính quyền thôn tạo điều kiện cho nhà trường mượn tạm nơi làm việc, khi thôn có “công to, việc lớn” cần đến trụ sở thì các thầy, cô giáo chỉ biết đứng ngoài chờ hoặc xuống trú tạm ở dãy trường của học sinh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường tiểu học Minh Tân B được tách từ Trường cấp 1-2 Minh Tân từ năm 2004 nhằm giúp số lượng lớn học sinh thôn Tân Sơn được đến trường thuận lợi hơn. 8 năm qua, thầy và trò Trường tiểu học Minh Tân B với sứ mệnh “cõng chữ lên non” đã nỗ lực vượt qua khó khăn nhưng chất lượng giáo dục ở đây vẫn không có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ngoài điểm trường chính, trường còn quản lý 8 điểm trường khác. Học sinh của trường là con em dân tộc Mông, Dao, Tày... có đời sống còn nhiều khó khăn. Năm học 2011-2012 toàn trường có 273 học sinh thì có đến 215 học sinh thuộc hộ nghèo. Năm học mới này, trường có 33 cán bộ, giáo viên, 4 lớp (từ lớp 1-4) tại trường chính, còn lại là các điểm trường.

Trường chỉ có hai ngôi nhà tạm được ngăn thành 4 phòng học, bốn bề ghép gỗ trống hoác, gió lùa hun hút. Vì không đủ điều kiện vật chất nên học sinh lớp 5 phải ra Trường PTDT bán trú tiểu học Minh Tân cách đó gần 3km đi bộ để học. Tìm hiểu kỹ thì chúng tôi được biết trường, lớp học ở đây đều là của dân đóng góp, ủng hộ chứ chưa có công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng, dù là chỉ hỗ trợ một hạng mục nhỏ. Cũng vì lý do đó mà sau 8 năm tách trường, 2 dãy lớp học này vẫn không có gì thay đổi. Anh Vương Mý Vìa, có con đang học Trường tiểu học Minh Tân B là người đã chứng kiến và cùng với nhân dân đóng góp xây dựng trường, cho chúng tôi biết: “Hai dãy trường học này được chúng tôi đóng góp xây dựng từ những năm 1985-1986, từ đó đến nay trường cũng không có gì thay đổi ngoài việc sửa chữa phần mái”.

Ngôi trường nhiều cái... không

Ở Trường tiểu học Minh Tân B này còn nhiều cái không mà thầy Hiệu trưởng Bế Trọng Tuyến cho biết, đó là: Không nhà lưu trú giáo viên; không có nhà hiệu bộ; không có nhà chức năng; không có nhà vệ sinh cho học sinh; thậm chí hai dãy trường học của học sinh cũng do dân tự đóng góp dựng nên. Vì có nhiều cái không này mà đã nhiều năm nay trường không bao giờ thực hiện được phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Năm 2010 thầy Tuyến xin được 10 triệu đồng từ nguồn tài trợ của hai doanh nghiệp, xây nhà vệ sinh cho giáo viên và làm cổng trường để khách đi qua đây còn biết ở đây có một trường học. Tuy nhiên, điều khiến người ta tạm quên đi “những cái không” đó ấy chính là thành tích giảng dạy, học tập của tập thể giáo viên, học sinh rất đáng khâm phục. Năm học vừa qua, trường có 11 giáo viên xếp loại giỏi, 6 giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến cấp huyện, 70 em học sinh xếp loại giỏi và tiên tiến.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Tuyết Vân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Vị Xuyên cho biết: Năm 2011 huyện cũng đã đưa Trường tiểu học Minh Tân B vào chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhưng vì Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành với điều khoản liên quan nên đến giờ huyện vẫn chưa đầu tư xây dựng được. “Là lãnh đạo phòng giáo dục tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần với huyện về vấn đề này. Do nhiều lý do khách quan nên việc xây mới Trường tiểu học Minh Tân B chưa được đưa vào chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của huyện”. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trong khoảng thời gian đó huyện Vị Xuyên đã xây dựng một số hạng mục cho các Trường THCS Tùng Bá, Trường tiểu học Kim Thạch, Trường tiểu học Tân Thượng... Điều đáng nói, các trường trên đều dư thừa phòng học và một số hạng mục được sử dụng với mục đích khác (?!)

Năm học mới 2012-2013 đã bắt đầu. Lại một năm nữa các thầy, cô giáo cùng các em học sinh ở đây vẫn phải gồng mình chống chọi lại những thiếu thốn đủ bề, mà không biết bao giờ mới có được một ngôi trường đúng nghĩa. Biết đến bao giờ học sinh mới được học tập trong một ngôi trường khang trang và được các cấp lãnh đạo quan tâm đặc biệt. Trẻ em khi sinh ra đều bình đẳng như nhau, nhưng xem ra câu nói chỉ nằm trên giấy còn thực tế, cái hố ngăn cách đó chừng nào mới được san lấp? Một câu hỏi làm đắng lòng những ai có trách nhiệm với thế hệ được xem là tương lai của đất nước.

Tùng Kiên

(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Ba ngày 25/9/2012)