Tháp truyền hình sập vì "bắt chước"?

13:58 | 02/11/2012

1,403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Là tỉnh giáp biển, hàng năm phải hứng chịu ảnh hưởng của các cơn bão như Nam Định, khi xây dựng công trình hạ tầng phải tính toán đến những tác động bên ngoài. Thế những nơi đây lại đi học theo tỉnh Bình Dương, một tỉnh mà địa chất tốt, ít phải hứng chịu ảnh hưởng của bão. Có lẽ, "học tập Bình Dương" chỉ là cái cớ!

>> Vụ gió thổi sập tháp truyền hình Nam Định: Tòa tháp bị 'ăn bớt'?

>> Gió thổi gãy tháp truyền hình: Lỗi tại gió?!

 

Đài phát thanh - truyền hình Nam Định vừa có báo cáo tổng thể về quá trình đầu tư xây dựng tháp truyền hình. Theo báo cáo số 323/BC-PTTH do Giám đốc Trần Anh Tú ký ngày 31/10/2012 thì dự án này đã được UBND tỉnh đồng ý, phê duyệt. Có một thực tế là tháp truyền hình Nam Định đã từng được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ thiết kế. Điều đó hoàn toàn ngược với những phát biểu gần đây trên báo chí của ông Trần Anh Tú - Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Nam Định.

Cụ thể, ngày 3/1/2002, UBND tỉnh đã ra Thông báo số 04/TB-UB đồng ý cho khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm phát hình quốc gia và đài phát thanh truyền hình tỉnh Nam Định.

Báo cáo của Giám đốc Trần Anh Tú cũng đã khẳng định, sau khi tham khảo Trung tâm truyền dẫn, phát sóng đặt tại Bình Dương, UBND tỉnh đã đồng ý việc xây dựng đài tháp truyền hình Nam Định với mô hình “nhân bản” tháp truyền hình tại Bình Dương.

 

Tháp truyền hình Nam Định sau trận bão chỉ còn là đống sắt vụn.

 

Cũng trong báo cáo này, dự án xây dựng tháp truyền hình đã được tỉnh phê duyệt tới 3 lần. Lần đầu là ngày 28/1/2003, UBND tỉnh đã có QĐ số 493/2003/QĐ-UB, đồng ý phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm truyền dẫn phát sóng tỉnh Nam Định. Theo quyết định này, một tháp truyền hình hoành tráng, với chiều cao 180m cùng với nhà máy đặt hình rộng 550m2 sẽ được xây dựng với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 18 tỉ đồng.

Dự án này được phê duyệt, điều chỉnh lần cuối cùng về mức vốn đầu tư vào ngày 17/1/2012 theo QĐ số128/ QĐ-UBND với tổng mức đầu tư đội lên tới gần 78 tỉ đồng.

Một điều đặc biệt là sau khi chủ đầu tư có tờ trình về việc xin phê duyệt kiểu dáng, tiêu chuẩn tháp ăngten cao 180 m, UBND tỉnh đã đồng ý và phê duyệt việc xây dựng dự án này. 

Các tiêu chuẩn kỹ thuật của tháp truyền hình được thống nhất như sau: Đây là tháp tự đứng, 4 chân trụ với chiều cao 180m; trọng lượng tổng thể thân tháp và bu lông mặt bích (chưa tính đến trọng lượng dàn ăng ten và các thiết bị khác) từ 160 – 180 tấn; chiều rộng của đáy (tiết diện hình vuông) từ 23-24 m. Tháp được thiết kế theo tiêu chuẩn cấu trúc cho tháp ăngten và các khung đỡ ăngten bằng thép EIA 222F của Hiệp hội công nghệ điện tử và Hiệp hội viễn thông, phù hợp với tiêu chuẩn của Viện tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ; thiết kế chịu được gió tốc độ 120km/giờ (tương đương với cấp 12).

Như vậy, việc hạ tiêu chuẩn chịu đựng tốc độ gió từ 181km/giờ (cấp 15) theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2737-1995 xuống còn 120km/ giờ đã được UBND tỉnh, chủ đầu tư đồng ý.

Không như lời phát biểu của ông Trần Anh Tú khi trả lời báo chí gần đây, rằng: “do thiết bị mua trọn gói từ Malaysia nên không có thiết kế kỹ thuật” mà rõ ràng, tháp truyền hình này đã có hồ sơ thiết kế.

Hồ sơ thiết kế này cũng đã được phía UBND tỉnh Nam Định phê duyệt. Ông Tú từ chối cung cấp văn bản phê duyệt về hồ sơ thiết kế của UBND tỉnh vì lí do chưa được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý, chỉ tiết lộ rằng văn bản này do bà Trần Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi đó ký.

Và trong những lần phát biểu với báo chí, ông Trần Anh Tú từng khẳng định, ngoài chủ đầu tư thì đơn vị cung cấp thiết bị cũng phải chịu trách nhiệm trong vấn đề chất lượng của tháp. Bởi, tiêu chuẩn quốc gia là yêu cầu bắt buộc tất cả các đơn vị phải tuân thủ. Đơn vị cung cấp thiết bị không thể làm theo đơn đặt hàng của khách hàng nếu như yêu cầu đó không đáp ứng các tiêu chí theo TCVN 2737-1995.

Chiều 31/10, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng đã đến hiện trường về để tìm hiểu nguyên nhân tháp đổ. UBND tỉnh Nam Định cũng đã giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Cục Giám định và các cơ quan chức năng vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân tháp sập. Ngoài ra, tỉnh Nam Định đã đồng ý cho phép đài phát thanh truyền hình Nam Định thuê tổ chức tư vấn xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát, đánh giá và xác định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm đơn vị, cá nhân, liên quan.

Về vấn đề xây dựng tháp truyền hình giống với tháp truyền hình tại Bình Dương, rất nhiều ý kiến trái chiều nhau cho rằng, Bình Dương là một tỉnh có địa chất tương đối tốt, không chịu ảnh hưởng của các cơn bão đổ vào đất liền. Còn Nam Định là một tỉnh với địa chất kém, giáp với biển đông, hàng năm phải hứng chịu cả chục trận bão. Việc học theo tháp truyền hình tại Bình Dương có nên hay không? Khi “nhân bản” tháp truyền hình Nam Định, đơn vị thiết kế và thi công có tính toán đến sự khác nhau về những tác động bên ngoài hay không ?.

T.Minh