Một năm trôi qua, vẫn còn những băn khoăn từ Tiên Lãng

00:00 | 18/12/1999

687 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Hàng chục ha bãi bồi ven biển trù phú ngày nào giờ bị bỏ hoang, 6 người trong một gia đình, 5 cán bộ xã, huyện bị khởi tố, dư luận vẫn âm ỉ… Đó là những gì để lại một năm sau vụ cưỡng chế gây tai tiếng ở Tiên Lãng (5/1/2012).

>> Tiên Lãng - gần 1 năm sau ngày cưỡng chế

>> Cần xem xét lại trách nhiệm của những người đứng đầu huyện Tiên Lãng

>> Vụ Tiên Lãng: Tiết lộ 'tâm thư' của ông Khanh trước khi bị bắt

>> Có những nỗi mong chờ từ Tiên Lãng...

Ngày 5/1/2013, tròn một năm xảy ra vụ cưỡng chế đầm phá của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (ở Cống Rộc, xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng). Một vụ án đi qua đã để lại nhiều tai tiếng, từ hành vi trái pháp luật của chính quyền sở tại, sự kém hiểu biết của người dân cho đến sự phẫn nộ của dư luận.

Báo Điện tử Petrotimes xin bàn luận về 5 vấn đề còn lại 1 năm sau ngày cưỡng chế.

Chính quyền địa phương "vặn xoắn" cả luật

Chính giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đã phải thối lên rằng: "Chính quyền Tiên Lãng vặn xoắn cả Luật Đất đai"

Theo kết luận điều tra của cơ quan CSĐT công an TP Hải Phòng, chính quyền huyện Tiên Lãng đã thực hiện vụ cưỡng chế đầm phá của gia đình ông Vươn có nhiều điểm trái pháp luật. Để thực hiện Quyết định cưỡng chế thu hồi đất giao nuôi trồng thuỷ sản đã hết thời hạn đối với Đoàn Văn Vươn trên diện tích 19,3 ha tại khu Cống Rộc.

Ngày 5/1/2012, UBND huyện Tiên Lãng đã tổ chức lực lượng cưỡng chế gồm 102 người do ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn. Vụ cưỡng chế đã vấp phải sự chống cự của gia đình ông Vươn vì nhiều công trình không nằm trong diện cưỡng chế.

Ngôi nhà 2 tầng không nằm trong diện cưỡng chế vẫn bị phá hủy.

 

Trong kết luận ghi rõ lời khai của ông Khanh: “Khoảng 14h cũng ngày, lực lượng cưỡng chế đang ở nhà Tổng đội thanh niên xung phong thì ông Bùi Thế Nghĩa và ông Lê Văn Hiển đã gọi ông Khanh tới để hội ý. Khi ông Khanh tới, ông Nghĩa nói với ông Khanh rằng: Nhân đà này, ta phá luôn cái nhà hai tầng đấy đi và thu luôn cả 21 ha bàn giao cho xã luôn. Ông Hiển nói: phá bay đi”.

Sau khi nói xong, ông Nghĩa ra về. Thấy vậy, ông Khanh nói với ông Hiển rằng: “Ngôi nhà của ông Quý không được phá dỡ vì không nằm trong khu vực cưỡng chế, nếu ông ra lệnh phá dỡ thì phải ra quyết định bằng văn bản”. Thấy ông Khanh nói vậy, ông Hiển đáp lời rằng: “Ông quá máy móc, làm sao phải bằng văn bản”.

Từ những hành vi sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng trong vụ cưỡng chế đã đẩy anh em ông Vươn dùng súng chống lại, khiến 6 cán bộ chiến sỹ công an, quân đội bị thương.

Một biểu hiện "vặn xoắn" luật pháp nữa của chính quyền huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang là việc nơi đây tự "vẽ" ra luật cho dân thuê đất 14 năm chứ không phải 20 năm như quy định trong Luật Đất đai của Nhà nước.

Sự nông nổi và kém hiểu biết pháp luật của người dân

Dù biết rằng, chính quyền huyện Tiên Lãng cưỡng chế đất trái pháp luật, nhưng sự nóng vội trong cách bảo vệ tài sản của mình không đúng trình tự pháp luật, ông Vươn đã kéo theo nhiều người trong gia đình vào vòng lao lý.

Theo hợp đồng thuê đất, gia đình ông Vươn được sử dụng trong vòng 20 năm (tính từ 15/10/1993) thì thời hạn được thuê của ông Vươn còn gần hai năm nữa (15/10/2013) mới hết hạn, cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 5/1/2012 là sai với quy định. Tuy nhiên, thay vì nổ súng, ông có thể tìm đến một cách giải quyết ôn hòa hơn.

Vợ ông Vươn và vợ ông Quý đã và đang phải sống trong ngôi lều dựng tạm từ ngày cưỡng chế.

 

Theo lời khai của Đoàn Văn Quý, nguyên nhân phạm tội do quá bất bình với việc UBND huyện Tiên Lãng đã dùng đủ mọi cách thu hồi vùng đầm nuôi trồng thủy sản mà Quý cùng cả đại gia đình đã đổ không biết bao nhiêu tiền của, mồ hôi cải tạo suốt gần 20 năm qua.

Tất cả những người trong gia đình ông Vươn bị khởi tố đều chưa từng có tiền án, tiền sự. Chưa kể, anh em ông Đoàn Văn Vươn là những người học hành tử tế, những người lao động chăm chỉ, hiền từ. Dùng vũ khí chống lại đoàn cưỡng chế là một việc làm sai, tuy nhiên cũng phải xét đến động cơ của những người dân vốn lương thiện này.

Sự bảo thủ của các cơ quan chức năng Hải Phòng

Một năm trôi qua, các cơ quan chức năng Hải Phòng đã phản ứng một cách chậm chạp đến khó hiểu. Ngay sau vụ việc xảy ra, cơ quan điều tra đã vào cuộc và bắt tạm giam những người dân liên quan đến hành vi nổ mìn, xả súng chống người thi hành công vụ. Thế nhưng những vị “quan huyện” làm sai trái thì vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.

Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải kiên quyết làm rõ vụ việc, Công an Hải Phòng mới chịu khởi tố vụ án "Hủy hoại tài sản" gia đình ông Vươn.

Việc khởi tố vụ án đã chậm, việc đưa các cán bộ huyện, xã vi phạm trước pháp luật còn chậm trễ hơn. Phải đến hơn 8 tháng sau ngày khởi tố vụ án, Công an Hải Phòng mới tìm ra bị can đầu tiên. Bản kết luận điều tra số 03/KLĐT đề nghị truy tố một số cán bộ xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng ra đời vấp phải sự phản ứng của dư luận và nhiều người liên quan khiến VKSND TP Hải Phòng phải trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.

Mãi đến đầu năm 2013, các cơ quan chức năng mới khởi tố ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Những gì còn lại ở ngôi nhà của ông Vươn.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của dư luận và trí thức cả nước

Vụ cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn được xem như vụ án chưa từng có, nó làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền các cấp, làm cho nhân dân cả nước phẫn nộ, lên án gay gắt.

Ngay khi diễn ra vụ việc, hàng trăm phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí đã ùn ùn kéo về xã Vinh Quang để thông tin đến người dân. Chính phủ đã có những cuộc họp về vụ việc này.

Là người tận tường Luật Đất đai, khi xem các quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn, Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, các quyết định giao đất do huyện Tiên Lãng ban hành đều trái Luật đất đai.

Vấn đề ở đây là cả UBND huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều có trách nhiệm. Trách nhiệm của huyện là làm sai, còn trách nhiệm của TP là kiểm tra thực thi pháp luật không trọn vẹn. Vấn đề là Nhà nước nói với người dân qua các quyết định hành chính thì Nhà nước phải giữ chữ tín, do vậy sai của cơ quan chức năng đến đâu thì phải sửa đến đó.

Ngoài ra, cách cưỡng chế vào thời điểm gần Tết được xem là không phù hợp với tình người. Ngày 5/1/2012 (tức 12/12 Tân Mão), chỉ còn gần 20 ngày là đến Tết cổ truyền, thế mà chính quyền huyện Tiên Lãng huy động hàng trăm người đến cưỡng chế, hủy hoại tài sản đẩy hàng chục người (trong đó có 4 trẻ em – PV) ra đường ăn Tết.

Đã tròn 1 năm sau ngày 5/1/2012, vẫn còn đó nhiều nỗi băn khoăn từ Tiên Lãng!

>> Chùm ảnh: Tiên Lãng - gần 1 năm sau ngày cưỡng chế

>> Có những nỗi mong chờ từ Tiên Lãng...

Nhóm phóng viên Petrotimes