Cô đơn giữa hội Trăng rằm:

Tết Trung thu và “cuộc chơi” của người lớn!

15:44 | 25/09/2012

2,996 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các dịp lễ tết trong năm được xem là cơ hội để người ta đi biếu xén, “chạy chọt”, cầu cạnh để thăng quan tiến chức hay vì những mục đích tư lợi cá nhân. Và nay, cái ngày hồn nhiên nhất của trẻ con cũng... chịu chung số phận.

>> Bài 1: Trong nỗi nhớ Trung thu xưa

>>Bài 2: Trẻ em cần gì Trung thu bạc triệu!

Với nhiều người, ký ức về đêm Trung thu "phá cỗ trông trăng" thật là đẹp!

 

Trong ký ức của tôi, Tết Trung thu là những bộ quần áo mới mà bố mẹ hay ông bà mua cho, là những chiếc đèn ông sao, là hình ảnh cùng những đứa trẻ trong khu quây quần bên mâm hoa quả mà người lớn đã chuẩn bị cho và là cảm xúc sung sướng vô hạn khi nhận những món đồ chơi nho nhỏ, bé xíu mà cô, dì, chú bác hoặc từ một người bạn thân của gia đình tặng cho.

Tết Trung thu trong ký ức của tôi là vậy, thật đơn giản nhưng rất ấm cúng!

Nghĩ về Trung thu xưa tôi mới thấy ngán ngẩm cái Trung thu nay biết nhường nào. Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã khiến những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Trung thu bị biến tướng, bị thay đổi, thậm chí là bị lãng quên, bị bóp méo. Người ta vẫn tặng quà cho nhau, vẫn gặp gỡ, giao lưu, vẫn chúc tụng cầu cho cái sự gọi là bình an, may mắn, thăng quan tiến chức nhưng phần lớn nhằm phục vụ cho những mưu tính cá nhân. Chữ “tình” giờ đã biến tướng thành hai từ “danh” và “lợi”.

Người ta vẫn hối hả để “lo” cho một cái Tết Trung thu trọn vẹn, đầy đủ nhưng không phải là lo cho con cái, cho cháu chắt trong gia đình mà là lo sao cho vừa lòng “sếp”, thuận lòng “lãnh đạo” nhiều hơn. Bánh ngàn đô, rượu chục triệu cùng với một khoản phong bì kha khá cứ nườm nượp được người ta khuân đến cửa nhà các “sếp”. Thậm chí nhiều người còn nói đùa với nhau rằng, con sếp thích rượi Chivas, Ballantine, Macallan… đấy!

Chuyện nghe thật lạ nhưng đó lại là sự thật, là hiện tượng phổ biến tại hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp. Tết Trung thu giờ là đã trở thành “cuộc chơi” của người lớn như thế!

Vẫn biết “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng sự biến tướng đến độ thái quá như vậy thật khiến người ta phải suy nghĩ. Vẫn là những câu nói kiểu “lãnh đạo” như “chú đến với anh là vui rồi cần gì phải…” hay “chú cầu kỳ quá”,… đang biến Tết Trung thu – ngày hội của trẻ em trở thành một cuộc “chạy đua” của người lớn.

 

Nhưng nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã bị bóp méo bởi nhưng mưu cầu lợi ích cá nhân.

 

Vốn dĩ có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong cơ quan Nhà nước, T – Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội hiểu rất rõ những giá trị có tính chất “cơ hội” mà các dịp Lễ tết mang lại. Theo T thì những dịp Lễ tết chính là “cơ hội” để cấp dưới được gặp gỡ, được thể hiện, được bày tỏ “tình cảm”, sự “hiếu lễ” với cấp trên, là “thời cơ” để các doanh nghiệp tiếp cận, “báo đáp” hoặc “cầu cạnh” các sếp.

Theo những thông tin chia sẻ của T thì, từ hơn 1 tháng nay, gần như ngày nào anh cũng phải đi “ngoại giao” (đi đến tặng quà cho các sếp – PV). Sếp nhỏ thì quà nhỏ mà sếp to thì quà to, cứ như vậy, một danh sách các sếp đã được T liệt ra. Nhưng dù là to hay nhỏ thì các túi quà mà T chuẩn bị luôn có đầy đủ các món là bánh, kẹo, rượi và một cái “bao thư” gửi gắm tình cảm của T trong đó. Và theo cách nói của T thì cái “bao thư” này mới là yếu tố quan trọng, quyết định mức độ tình cảm của người tặng quà giành cho người nhận quà.

Câu chuyện của T khiến tôi lập tức liên tưởng đến việc lopbby trong quá trình thực hiện các dự án bất động sản mà Petrotimes đã phản ánh cách đây không lâu. Người ta cứ băn khoăn, cứ thắc mắc mãi vì sao các doanh nghiệp bất động sản không chịu giảm giá hay vì sao nhiều công trình xây dựng xuống cấp không phanh. Dư luận xã hội đặt câu hỏi, các cơ quan báo chí lên tiếng nhưng họ cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà thôi. Nói ra thì ai tin, dãi bày ra thì ai biết. Tổng giá trị đầu tư của các công trình có khi đã được quy ra thành các hộp bánh, những chai rượi ngoại và cả những “bao thư” kia rồi cũng lên.

Chẳng biết các doanh nghiệp khác có làm giống với vị giám đốc tên T kia không nhưng có một điều chắc chắn là mỗi dịp Tết Trung thu đến là người ta lại thấy trên thị trường xuất hiện cả chục loại bánh siêu cao cấp, có giá cả chục triệu đồng và tất nhiên các loại bánh này không dùng cho “người thường”. Mà chắc cũng chẳng gia đình nào dù có là đại gia đi chăng nữa lại đi bỏ ra ngần ấn tiền để mua một hộp bánh con con giá chục triệu để ăn cả.

Nói như vậy để thấy rằng, những sản phẩm đó phần lớn sẽ đóng vai trò là sứ giả gửi gắm tình cảm của các cá nhân hay doanh nghiệp nào đó cho các sếp, các lãnh đạo là chính. Chẳng cần nói đâu xa, doanh nghiệp của T có thể xem là một ví dụ điển hình. Phải gõ cửa “sếp thanh tra”, qua gặp “anh tài chính”, cậy cục xin gặp đồng chí Bí thư, lần tìm đến bác “quản lý dự án”,… để mong có được dự án này, dự án kia hay để dự án này, dự án kia được triển khai thuận buồm xuôi gió!

Ở một góc độ khác, vào cái thời buổi chạy quyền, chạy chức như chạy “ma – ra – tông” như hiện nay thì Tết Trung thu cũng bỗng trở thành cơ hội để người ta tiếp cận lãnh đạo, để bày tỏ sự thành kính và nguyện vọng mong được ngồi vào vị trí A, chiếc ghế B,…

Hiện tượng này là phổ biến, là cái lẽ mà hầu hết các nhân viên đều cho rằng là “tất nhiên” vì đơn giản, nhân viên hầu hạ, phục vụ lãnh đạo chính là “thiên chức” trời sinh.

Tuấn Anh – Phó Phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu có cỡ của Hà Nội kể: Cuộc chiến ở công ty mình đang gay gắt lắm, có  một “chiếc ghế” Phó Giám đốc thôi nhưng nghe nói có tới 3 sếp Trưởng Phòng đang nhắm tới cơ đấy. Chẳng biết ai sẽ ngồi vào đó nhưng chỉ thấy, sếp nào sếp đấy hễ có cơ hội là “chui” tọt vào phòng Giám đốc để tâm sự, để chuyện trò và để dãi bày tình cảm.

“Mấy hôm vừa rồi, ngày nào cũng nghe mọi người nói về chuyện đồng chí Trưởng Phòng của mình đã ngồi chắc “ghế” đó rồi vì anh này chơi rất mạnh tay. Sẵn dịp Trung thu đến, anh này chăm sóc cho sếp lớn chẳng thiếu thứ gì. Từ quà cáp cho các sếp lớn hơn đến bạn bè, người thân của gia đình sếp, mọi thứ đều chu toàn cả. Giám đốc công ty mình vì thế mà rất hài lòng”, Tuấn Anh nói thêm.

Đó là những câu chuyện rất thật, rất thực tế và đang trở thành một hiện tượng xấu trong xã hội. Nạn tham nhũng trong đội ngũ công quyền đang được nhắc tới như một vấn nạn của đất nước. Đảng và Chính phủ gọi đó là mầm mống hủy hoại đất nước, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Lễ Tết giờ đang mang một hình hài khác, tuy mới nhưng lại chẳng có gì là lạ. “Biếu sếp túi quà”, “Tặng cháu hộp bánh” hay “Em có chút quà cho cháu mua sách vở”,… đang là những câu nói cửa miệng quen thuộc của nhiều người.

Trung thu giờ đã là “cuộc chơi” của người lớn như thế đấy!

Nhóm phóng viên Petrotimes