Cô đơn giữa hội Trăng rằm:

“Quan tỉnh lai Kinh" mừng Tết Trung thu!

15:50 | 28/09/2012

1,153 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để đạt được những lợi ích cá nhân, người ta thường tìm mọi cách, mọi cớ và tận dụng mọi cơ hội..., và lâu nay Tết Trung thu là dịp không thể bỏ qua với những “vận động viên” đang trên đường đua “chạy chức”, “chạy quyền”, chạy ... "quan hệ".

>> Bài 1: Trong nỗi nhớ Trung thu xưa

>> Bài 2: Trẻ em cần gì Trung thu bạc triệu!

>> Bài 3: Tết Trung thu và “cuộc chơi” của người lớn!

>> Bài 4: Bản lĩnh văn hóa - Nhìn từ tấm bánh Trung thu

>> Bài 5: Trung thu của người lớn

 

Ghế "quan" là ghế ngàn đô!

Chưa bao giờ người ta nhắc tới khái niệm “chạy” một cách sinh động như hiện nay. “Chạy” giờ không chỉ được hiểu là một động từ chỉ cách di chuyển bằng chân nhanh hoặc đi bộ nhanh nữa, “chạy” giờ được hiểu theo những khái niệm rất trừu tượng như “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy dự án”, “chạy án”,… Nói chung giờ đây, nhắc tới “chạy” thì chẳng mấy ai còn nhớ và hiểu theo cái nghĩa đen vốn có của nó là gì nữa.

Người ta “chạy” tất thảy mọi thứ, có dịp là “chạy” và tất nhiên “chạy” đã trở thành một hiện tượng, một vấn nạn trong xã hội, là biểu hiện của tình trạng tham nhũng. Những người chính trực, thậm chí nhiều "nạn nhân" của việc "chạy" này đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi phải đấu tranh, phải lên án tệ nạn "chạy" với nhiều hình thức, nhưng thực tế thì cái sự “chạy” này đã và đang len lỏi vào rất nhiều ngõ ngách trong cuộc sống xã hội.

Ngày thường cũng “chạy” mà Lễ, Tết thì lại càng phải “chạy” vì đây là cái cớ không thể tốt hơn cho những “vận động viên” đang trên đường đua đến gõ cửa nhà của “ban tổ chức”, của “trọng tài” để mong nhận được sự ưu ái, giúp đỡ của các vị này để được sếp vào “bảng đấu” dễ thở và chắc thắng hơn.

Chuyện là như thế nên chẳng có gì là lạ khi những ngày này, người ta bỗng thấy phố phường Hà Nội bỗng đông hơn, xe cộ tấp nập hơn và cũngkhông ít xe biển xanh, biển đỏ. Nhiều người biết chuyện cười bảo: “Quan tỉnh lai Kinh mừng Tết Trung thu đấy!"

Ơ hay, Trung thu là Tết của thiếu nhi thì liên quan gì tới các quan nhỉ? Nghe thật lạ nhưng lại chẳng có gì bất ngờ cả. Bánh kẹo ngàn đô, rượu Tây chục triệu làm quà để vì cái gì cơ chứ, chẳng vì danh lợi và tiền bạc hay sao? Thử hỏi có ai lại đi bỏ ngần ấy tiền để mua những thứ đó về ăn, về dùng cơ chứ. Nó là công cụ để người ta "gửi gắm" vào đó những thứ còn giá trị hơn thế nhiều. Vẫn biết “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng thử hỏi, các vị “Quan tỉnh”, “Quan huyện” thì lương bổng được bao nhiêu cơ chứ mà lại chơi sang như vậy?

Dân tình không khỏi thở than, giờ “quan” nào “quan” nấy chẳng có những bổng lộc riêng. “Quan” nhỏ thì ăn nhỏ mà “quan” to thì ăn to, “quan” càng to thì ăn càng nhiều. Mà cái các “quan” ăn lấy từ đâu cơ chứ? Từ túi tiền của người dân cả mà thôi!

Doanh nghiệp gặp “quan” để xin dự án nọ, dự án kia thì rồi cái số tiền được gọi nôm na là “lại quả” ấy được trích ra từ chính số tiền mà chủ đầu tư đã phê duyệt cho dự án. “Quan” càng to thì thẩm quyền phê duyệt dự án A hay dự án B cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia càng lớn và tất nhiên, dự án càng lớn thì phần “lại quả” sẽ càng lớn.

Và có lẽ bởi vậy mà người ta mới thi nhau “chạy”. “Chạy” để được làm quan và đã làm quan rồi thì “chạy” làm quan to hơn, to hơn nữa!

Có người cắc cớ: "Mà người ta 'chạy' vào lúc nào nhỉ? Cũng xin thưa là “chạy” mọi lúc, mọi nơi và bất cứ khi nào có cơ hội. Tình trạng bợ đỡ, “nịnh thần”, cung phụng “quan” trên xuất hiện ngày càng nhiều vì thế "phương thức chạy" cũng vô cùng phong phú và biến hóa. Tết Trung thu đến, cái lệ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã thôi thúc các “quan” kéo nhau về Kinh tranh thủ cơ hội để đáp lễ, để cảm ơn sự "giúp đỡ" của các “quan” trên và bày tỏ "chút tấm lòng" cho con đường công danh, lợi lộc về sau.

Ghế càng to thì tiền càng phải "lo" nhiều.

Đó không phải là sự suy đoán bởi không ít lần người viết bài này được chứng kiến những cảnh này. Khỏi phải nói những dịp Lễ, Tết cửa nhà các “quan” lớn nó đông vui, nhộn nhịp như thế nào. Ấy vậy mới có chuyện ông doanh nghiệp A đến gặp vị “quan” B gọi là gửi anh chút quà biếu các bác “quan” trên cho các cháu vui Tết Trung thu. Hay như chuyện một vị lãnh đạo ở tít tận một tỉnh vùng biên giới, lặn lội cả vài trăm cây số xuống Hà Nội chỉ đơn thuần là tặng “quà” Trung thu cho con một cán bộ cấp cao ở Trung ương.

Có một điều rất lạ và rất hay là cái cách tặng quà của các “quan” cũng rất độc và mang những phong cách rất riêng. Doanh nghiệp thì dùng tiền "nuôi" quan hệ là chính nhưng với các quan, đó chưa phải tất cả. Tiền có nhưng đi kèm với nó phải là những món đồ mang hương vị hay bản sắc quê hương như kiểu “quan” Yên Bái thì phải có tranh đá quý Lục Yên chẳng hạn.

Nhiều quan cũng cảm thấy việc này nhức nhối và bê bối lắm nhưng giờ cái mốt đi lễ “quan” trên như đã thành cái lệ, không theo không xong. Chẳng thế mà một vị lãnh đạo tỉnh A đã phải ra chỉ đạo cho “đám đàn em” phải tìm, phải nghĩ ra bằng được một món quà thật đặc biệt, thật ý nghĩa và phải "thể hiện được tình cảm của anh" giành cho “quan” lớn trong dịp Tết Trung thu tới:

“Sắp đến Trung thu rồi, anh nghĩ mãi không ra là nên tặng món đồ gì vì nhà anh ấy chẳng thiếu gì cả, các chú nghĩ giúp anh xem” – vị lãnh đạo trên nói với đám đàn em.

Sau vài phút suy nghĩ, “đám đàn em” này mới tư vấn cho vị lãnh đạo trên làm một bức tranh mặt trống đồng để tặng cho vị quan trên. Đang trong lúc bí, ý kiến lập tức được phê duyệt:

“Đúng rồi! Cái phòng khách hoành tráng nhà anh ấy mà thêm bức tranh này thì sẽ sang trọng và lịch sự hơn rất nhiều”.

Gần như ngay lập tức, một bức tranh mặt trống đồng, có nạm đá mà là đá quý hẳn hoi được “đám đàn em” đi đặt làm. Và đúng như lịch trình tính sẵn, vào đúng dịp Tết Trung thu, với lý do xin gặp mặt gửi cho cháu chút quà, bức tranh được chuyển tới vị “quan” lớn kia.

Câu chuyện của vị “quan” tỉnh A trên có vẻ như chuyện vui nhưng thực tế nó đang diễn ra ngay bên cạnh mỗi chúng ta. Nhỏ thì có chuyện “chạy lớp”, “chạy trường” mà lớn thì sẽ là “chạy chức”, “chạy quyền”. Chẳng thế mà thời gian gần đây, xã hội thấy xuất hiện một khái niệm khá mới “cò chạy chức”, “cò chạy quyền”. Có cầu ắt sẽ có cung là quy luật vận động tất yếu trong xã hội loài người và tất nhiên, “cò chạy chức” hay “cò chạy quyền” hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Một vị cấp phó ở một Sở của tỉnh B muốn lên làm cấp trưởng thì phải “chạy” nhưng vì không có “cửa” hoặc không có “quan hệ” nên đành phải nhờ “cò”. Và tất nhiên, đã là “cò” chuyên nghiệp thì mọi đường đi nước bước sẽ nhanh chóng được vẽ ra. Gặp ai? Quà cáp thế nào? “Bì thư” là bao nhiêu?... được lập thành một danh sách và thực hiện. Vị lãnh đạo trên sau khi thực hiện đúng theo kế hoạch do “cò” vạch ra đã được lên chức thật.

Cái sự "chạy" hồi xưa nghe rất thường, vậy mà nay thời thế đã khiến nó trở nên quan trọng bất thường!

Tết Trung thu hay bất kỳ dịp Lễ, Tết nào khác cũng đã trở thành cơ hội để người ta thi “chạy”. “Chạy” từ địa phương đến Trung ương, “chạy” từ nhà ra phố.

Khi cả xã hội thi “chạy” thì chuyện “Quan tỉnh lai Kinh" mừng Tết Trung thu ấy là cái chuyện thật bình thường!

 

 

P.V